Bác Hồ với nông dân Nghệ An

Thứ năm - 14/05/2020 22:54
(Hội NDNA) - Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh và trong di chúc khi nói về nông dân, Người đã có những kiến giải sáng tạo đặc sắc có tác dụng chỉ đạo lâu dài với cách mạng Việt Nam. Nông dân Nghệ An mang những nét đặc trưng riêng của vùng đất chịu nhiều thiên tai, địch họa. Vì vậy, Người luôn có sự đồng cảm, sự thấu hiểu đặc biệt với người nông dân quê hương.
Tình cảm của Bác Hồ với nông dân Nghệ An

Người luôn quan tâm và khẳng định vai trò to lớn của Người nông dân trong sản xuất. Tháng 2-1951, Bác gửi thư kêu gọi nông dân toàn quốc thi đua canh tác. Sau khi nêu lên tác dụng to lớn của phong trào toàn dân canh tác đối với kháng chiến, Người nhấn mạnh: “Chiến sĩ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công thì đồng bào ở hậu phương phải thi đua tăng gia sản xuất”. Người nêu rõ: “Ruộng rẫy là chiến trường/Cày cuốc là vũ khí/Nhà nông là chiến sĩ/Hậu phương thi đua với tiền phương”.

Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, nông dân Nghệ An đẩy mạnh sản xuất đã trở thành một cao trào hành động trong nông dân cả vùng đồng bằng, miền núi, lương và giáo. Nông dân tổ chức đào đắp, kéo dài kênh mương để đưa nước vào ruộng, với tinh thần “đổ mồ hôi để tăng thêm lúa gạo cho bộ đội đánh thắng ở chiến trường”.

Người luôn quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng sản xuất. Người nông dân còn nghèo và vất vả nên luôn phải tiết kiệm để đổi lấy nông cụ sản xuất vừa giải phóng sức người trong sản xuất nông nghiệp. Trong bài “Làm thế nào cho lạc thêm vui” đăng trên Báo Nhân dân ngày 14/3/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Dân nghệ - nhà choa, mỗi năm ăn quà hết chín nghìn bảy tấn gang. Trong bài viết Từ sự so sánh với tinh thần cần kiệm của nhân dân Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến một tổng kết hết sức sâu sắc. Người đã nhận xét: Nếu đưa ra nước ngoài, thì một tấn lạc đổi được 15 tấn gang. Nếu đồng bào Nghệ chịu khó thắt lưng buộc bụng một chút, tiết kiệm lạc để xuất khẩu thì mỗi năm chúng ta có thể đổi lấy hàng trăm chiếc máy cày cho nông thôn. Các đồng chí cán bộ phải chú ý điều đó để giải thích cho đồng bào.
 
bac ho tham doi ca phe cua nong truong dong hieu huyen nghia dan nghe an
Bác Hồ thăm đồi cà phê của Nông trường Đông Hiếu, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An)
Hai lần về thăm quê, Người vừa khen ngợi vừa dặn dò khuyên bảo trên các lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi thủy lợi, Người đã vạch đường chỉ lối cho Đảng bộ và nhân dân Nghệ Tĩnh làm thế nào chống chọi với điều kiện địa lý thiên nhiên xứ Nghệ để đạt năng suất cao.

Khôi phục và phát triển kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, các đồng chí phải cố gắng làm cho tốt. Nông nghiệp trong tỉnh phải làm ra nhiều lương thực, thực phẩm để nâng cao đời sống nhân dân đáp ứng yêu cầu của Nhà nước, phải đẩy mạnh chăn nuôi và trồng các cây công nghiệp để có nhiều nguyên liệu cho công nghiệp và hàng hóa cho xuất khẩu. Trước mắt, phải chống hạn, cố gắng cấy mùa đúng thời vụ. Nghệ An có rừng, có biển. Dân ta có câu “Rừng vàng biển bạc” cần làm tốt hơn nữa việc khai thác gỗ và các loại lâm sản; có kế hoạch trồng cây và bảo vệ rừng; nhanh chóng khôi phục và phát triển nghề đánh cá, phát triển nghề muối. Để làm tốt việc định canh, định cư cho đồng bào miền núi, cần chỉ đạo chặt chẽ và có cán bộ tốt người dân tộc để vận động nhân dân.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ cứu nước Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến tổ chức phát triển HTX, đến con đường làm ăn tập thể. Với cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước, Người đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ có những chủ trương, đường lối phù hợp, đúng đắn để kinh tế HTX được tổ chức, phát triển, tạo được sức mạnh tổng hợp vào thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Kháng chiến, kiến quốc; xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.

Ngày 10/12/1961, hợp tác xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Vĩnh Thành là xã xây dựng hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của huyện Yên Thành có phong trào trồng cây tốt nhất. Người đã biểu dương thành tích về việc trồng cây, chăn nuôi, cải tiến nông cụ, làm thủy lợi phân bón, vệ sinh phòng bệnh, xây dựng hợp tác xã...; thân ái phê bình những thiếu sót, ân cần nhắc nhở bà con trong huyện những điều hết sức cụ thể về đoàn kết, về vai trò xung phong gương mẫu trong sản xuất, công tác, học tập của cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên. Người dặn: “Chi bộ phải tăng cường hơn nữa việc đoàn kết nông thôn, làm cho toàn thể xã viên, toàn thể nông dân phấn khởi, hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển và củng cố hợp tác xã”. Trong xây dựng hợp tác xã thì phải chú trọng vai trò của ban quản trị “ở đâu ban quản trị khá thì hợp tác xã tiến, quản trị kém thì hợp tác xã yếu. Ban quản trị là những người do xã viên lựa chọn và bầu cử ra. Mọi công việc của hợp tác xã trước khi làm, ban quản trị phải đem ra bàn bạc với xã viên, hỏi ý kiến xã viên”.

 Trong bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Nghệ An 9/12/1961, Người nhấn mạnh: Các hợp tác xã cần phải quản lý tốt hơn nữa về kế hoạch sản xuất, về lao động, về kỹ thuật, về tài vụ. Phải tăng số ngày công và hiệu suất lao động để tăng thu nhập cho xã viên. Phải chống tư tưởng bình quân. Các hợp tác xã phải làm đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước như: nộp thuế, trả nợ, bán thóc thừa v.v…để Nhà nước dùng tiền và thóc ấy vào những việc có lợi cho nhân dân, trước hết là có lợi cho nông dân. 

Những tháng ngày trước khi đi xa, Người vẫn chăm lo đến phong trào HTX. Ngày 1 tháng 5 năm 1969, Người viết lời giới thiệu cuốn “Điều lệ của HTX sản xuất nông nghiệp”.  Ngày 21 tháng 7 năm 1969, trong Thư gửi Ban Chấp hành Đảng bộ  tỉnh Nghệ An, Bác cũng rất quan tâm đến việc phát huy vai trò to lớn của HTX.  Người nhắn gửi lãnh đạo tỉnh quan tâm đến thực hiện đảm bảo tính dân chủ với nhân dân hơn nữa: sắp tới, nên chọn thời gian thích hợp để các xã viên hợp tác xã nông nghiệp, thảo luận bản điều lệ của hợp tác xã, cùng nhau bàn bạc nhằm thực hiện tốt điều lệ đó. Ở các nhà máy, các công trường, nông trường, lâm trường, các cửa hàng, các cơ quan cùng nhau bàn bạc nhằm thực hiện tốt bản điều lệ đó.

 Những tư tưởng phát triển HTX của Người với nông dân Nghệ An luôn được Người quan tâm đặc biệt và gắn liền với tư tưởng về đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chế độ hợp tác, đưa nông dân từ chổ làm ăn riêng lẽ, đi dần lên tổ đổi công và tiến lên HTX bậc thấp đến bậc cao đã được coi là con đường đi đúng đắn. Người nói: “Không có con đường nào khác, chỉ có vào tổ đổi công, tiến lên HTX, nông dân ta mới có thêm sức mạnh để cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất”.

 Trước khi đi xa, người để lại muôn vàn tình thương yêu cho người nông dân. Người viết: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ, ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.

Tình cảm của nông dân Nghệ An với Bác

Đáp lại những tình cảm của Bác luôn dành cho giai cấp nông dân Nghệ An, trên suốt chặng đường lịch sử giai cấp nông dân Nghệ An đã không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành mục tiêu sản xuất, cùng nông dân cả nước đánh thắng giặc mỹ xâm lược.
 
anh bai ta hai 1
Đ/c Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Nghệ An chỉ đạo mô hình tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả tại huyện Thanh Chương
Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác, Hội Nông dân Nghệ An đã và đang tổ chức nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất với chủ đề “Nông dân Nghệ An làm theo lời Bác dặn”. Thực hiện lời dạy của Bác năm xưa “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, các cấp hội đã phát động phong trào “hàng cây nông dân ơn Bác”, sau 04 tháng phát động, đến nay toàn tỉnh đã trồng được 399 hàng cây, 16 vườn cây, với tổng chiều dài 151.433m, với 26.151 cây xanh các loại. Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các cấp hội phát động cán bộ hội viên tham gia xây dựng vườn mẫu nông dân, vườn chuẩn nông thôn mới tạo sức lan tỏa rộng khắp, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 370 vườn đạt tiêu chí vườn chuẩn nông thôn mới. Phong trào thành lập các mô hình tổ hợp tác liên kết trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp là một nội dung hoạt động vừa để cụ thể hóa Di nguyện của Bác trong bức thư cuối cùng Bác gửi Ban Chấp hành đảng bộ Nghệ An và cũng là nội dung mà chủ trương của Đảng, Nhà nước, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đang phát động. Hội ND tỉnh Nghệ An đã xây dựng Đề án, tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cấp hội đẩy mạnh phong trào thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất, xây dựng mô hình chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp để sản xuất chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ theo hướng hàng hóa, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, tỉnh Nghệ An đã xây dựng và tổ chức hoạt động có 58 tổ hợp tác, 3 HTX, 63 tổ hội nghề nghiệp sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ các loại nông sản phù hợp với quy hoạch đã được công nhận các sản phẩm OCop năm 2019.

Các phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, tham gia xây dựng nông thôn mới đã được các cấp Hội và nông dân hưởng ứng tích cực, góp phần quan trọng cùng đảng bộ và nhân dân phấn đấu xây dựng quê hương trở thành tỉnh khá như Bác hằng mong muốn.

Nguyễn Thị Hải (P. Chủ tịch Hội ND tỉnh Nghệ An)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập196
  • Hôm nay37,362
  • Tháng hiện tại71,873
  • Tổng lượt truy cập15,212,755
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây