Tổ hội nghề nghiệp“Chăn nuôi chim bồ câu Pháp” phát huy hiệu quả

Thứ năm - 18/06/2020 23:08
(Hội NDNA) - Trong mấy năm trở lại đây nghề nuôi chim bồ câu đã giúp nhiều hộ nông dân ở xã Thượng Tân Lộc – huyện Nam Đàn thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đặc biệt từ khi thành lập tổ hội nghề nghiệp “chăn nuôi chim bồ câu Pháp” đã giúp cho nhiều hội viên nông dân tự tin mở rộng thêm quy mô chăn nuôi, tăng hiệu quả kinh tế.
Theo chân ông Nguyễn Trọng Hữu – Phó chủ tịch hội nông dân xã Thượng Tân Lộc tham quan tại các hộ nuôi chim bồ câu Pháp mới thấy được tiềm năng của mô hình. Những dãy chuồng bồ câu với những cặp chim non có, chim thịt có, chim sinh sản có nối tiếp nhau san sát… Ông Hữu chia sẻ: Truyền thống nuôi chim bồ câu tại địa phương đã có từ rất lâu nhưng chủ yếu là nhỏ lẻ, mỗi nhà 1 chuồng nuôi khoảng 10- 15 đôi, thả tự nhiên chủ yếu phục vụ gia đình, thỉnh thoảng dư thừa thì bán một vài đôi. Thượng Tân Lộc có vùng đất bãi ven sông rộng lớn, thuận lợi để sản xuất ngô, lạc, đậu – là thức ăn chủ yếu của chim bồ câu. Nguồn thức ăn dồi dào cộng thêm môi trường sống thanh bình là điều kiện lý tưởng cho chim bồ câu sinh sống. Nhận thấy tiềm năng của địa phương và nắm bắt được nhu cầu của thị trường về thịt chim bồ câu, từ năm 2018 hội nông dân xã Nam Tân cũ (nay là xã Thượng Tân Lộc) tổ chức cho 1 số hộ nông dân đi tham quan mô hình chăn nuôi chim bồ câu Pháp ở tỉnh Hưng Yên. Tận mắt thấy được hiệu quả của mô hình, qua học hỏi kinh nghiệm và trên sách báo, ban đầu có 4 hộ thử nghiệm đưa chim bồ câu Pháp vào chăn nuôi nhốt, mỗi hộ 50 cặp chim giống. Sau một thời gian ngắn cho thấy chim bồ câu Pháp thích ứng tốt với điều kiện của địa phương và mang lại giá trị kinh tế cao rõ rệt. Nếu như chim bồ câu thịt của địa phương chỉ bán được 60.000đ/đôi thì chim bồ câu Pháp bán lên tới 120.000đ/đôi.Từ đó một số hộ gia đình trong xã đến tham quan học hỏi và hiện nay đã có 10 hộ nông dân xã Thượng Tân Lộc đưa giống chim bồ câu Pháp vào chăn nuôi thay thế chim bồ câu truyền thống với hơn 2.000 cặp.
 
moi
Thành lập tổ hội nghề “Chăn nuôi chim bồ câu Pháp” giúp nông dân xã Nam Thượng nắm bắt được khoa học kỹ thuật, có thêm nhiều kinh nghiệm. Từ đó mạnh dạn mở rộng quy mô, tăng thu nhập góp phần làm giàu cho gia đình
Để giúp cho các hộ chăn nuôi chim bồ câu Pháp có thêm kinh nghiệm, năm 2019 hội nông dân xã Nam Tân (cũ) nay là xã Thượng Tân Lộc thành lập tổ hội nghề nghiệp “chăn nuôi chim bồ câu Pháp” với 10 thành viên.Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ Tịch hội nông dân huyện Nam Đàn cho biết: Nhận thấy tiềm năng phát triển nghề chăn nuôi chim bồ câu Pháp của địa phương, hội nông dân huyện xây dựng tổ hội nghề nghiệp “chăn nuôi chim bồ câu Pháp” cũng như hỗ trợ các hộ vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân để mở rộng chuồng trại và mua thêm chim bồ câu giống. Từ khi thành lập tổ hội, các hộ có điều kiện trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho chim bồ câu Pháp. Nhờ vậy đàn chim bồ câu Pháp của các hộ nuôi sinh sản tốt, hạn chế được dịch bệnh tốt hơn.

Một trong những hộ có đàn chim bồ câu Pháp lớn nhất của địa phương hiện nay đó là gia đình anh Nguyễn Văn Ánh với hơn 300 cặp chim.Với giá bán Bồ câu sinh sản 500.000đ/cặp, bồ câu bắt đầu kết cặp 200.000đ/cặp, bồ câu thịt 120.000đ/cặp. Sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu về khoảng 150 triệu đồng. Theo anh Ánh chia sẻ:  Nuôi chim bồ câu Pháp hiệu quả hơn chim bồ câu truyền thống bởi vì: “ Chim Bồ câu Pháp có đặc điểm nổi bật là trọng lượng to (0,5kg/con chim thịt), thịt chắc, thơm ngon và khả năng sinh sản mạnh (trung bình 45 ngày/cặp). Ngoài ra, nhờ chăn nuôi nhốt nên có thể quản lý được vấn đề dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn bồ câu. Nếu như nuôi bồ câu truyền thống thả tự do dễ xảy ra dịch bệnh cho cả đàn, hoặc có khi chúng tự bỏ chuồng bay đi mất thì chăn nuôi chim bồ câu nhốt quản lý rất tốt vấn đề này.

Không chỉ “mát tay” trong việc chăn nuôi chim bồ câu Pháp, anh Nguyễn Văn Ánh còn rất nhiệt tình tư vấn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, cung ứng giống cho các hộ có nhu cầu. Trong tổ hội nghề “chăn nuôi chim bồ câu Pháp” anh Ánh là một trong những hội viên luôn năng nổ, sôi nổi, gắn kết các hộ chăn nuôi với nhau góp phần xây dựng tổ hội vững mạnh.

Sản xuất manh mún nhỏ lẻ ở nông thôn từ bao đời nay đã dần thay đổi. Các hộ nông dân nuôi chim bồ câu Pháp tại xã Thượng Tân Lộc cũng đang ngày càng mở rộng thêm quy mô chăn nuôi. Thành lập tổ hội nghề “Chăn nuôi chim bồ câu Pháp” đã giúp cho người dân nơi đây nắm bắt được khoa học kỹ thuật, có thêm nhiều kinh nghiệm. Từ đó mạnh dạn mở rộng quy mô, tăng thu nhập góp phần làm giàu cho gia đình trên chính mảnh đất quê hương mình.

Hồ Hòa (Hội ND huyện Nam Đàn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập82
  • Hôm nay8,805
  • Tháng hiện tại358,907
  • Tổng lượt truy cập15,012,801
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây