NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Từ trồng lúa, ngô nương rẫy chuyển sang trồng gừng cho hiệu quả cao
Thứ tư - 17/06/2020 21:571.6800
(Hội NDNA) - Những năm gần đây đồng bào các dân tộc, trong đó chủ yếu người Mông ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An đã có phong trào chuyển đổi từ trồng lúa, ngô nương rẫy sang trồng gừng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cách đây 4-5 năm, vào thời điểm này đến huyện vùng cao Kỳ Sơn sẽ thấy bà con các dân tộc ở đây đốt rừng, chặt cây rừng để lấy đất làm nương rẫy gieo hạt lúa, hạt ngô. Giờ đây, đi trên những vùng đất lưng chừng đồi thuộc các xã Nậm Cắn, Na Ngoi, Đoọc Mạy, Huồi Tụ, Keng Đu… những nương lúa, nương ngô, được thay bằng cây gừng xanh tươi phủ kín đồi.
Ông Hồ Bá Cổn ở bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn cho biết: Gia đình tôi có gần 1 ha đất nương rẫy, trước đây chỉ làm lúa và làm ngô, lúa làm vụ mùa, ngô gieo vụ xuân. Diện tích nhiều, nhưng thu hoạch chẳng được bao nhiêu, quanh năm vẫn thiếu ăn. Hai năm nay nghe huyện và xã kêu gọi thay cây lúa, cây ngô kém hiệu quả sang trồng cây gừng để cho thu nhập cao hơn. Gia đình tôi hưởng ứng ngay và dành cả gần 1 ha đất từ gieo lúa, trồng ngô sang trồng gừng. Sau vài năm trồng gừng cho hiệu quả kinh tế cao. Trên cùng diện tích, hàng năm cho gia đình ông thu về hơn 60 triệu đồng, nhiều gấp 3 lần trồng lúa. Cây gừng có ưu điểm dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, thu hoạch cũng dễ và thu hoạch xong là có người dưới xuôi lên mua hết với giá 12.000-15.000 đồng/kg.
Nói về hiệu quả cây gừng, ông Hồ Bá Chá - Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết: Khoảng 4 năm trước đây trên địa bàn xã Nậm Cắn chỉ có một số ít gia đình họ trồng gừng chỉ để làm gia vị, để làm thuốc chữa các bệnh thông thường gặp phải. Vài ba năm nay nhu cầu tiêu dùng của gừng ngày càng nhiều, bán được giá, thậm chí không có để bán. Từ đó, cùng với chủ trương của UBND huyện về việc mở rộng quy mô trồng cây gừng thành cây trồng hàng hóa trên địa bàn toàn huyện. Sau khi thấy hiệu quả kinh tế từ củ gừng đem lại, nhiều hộ gia đình đồng bào Mông đã chuyển đổi cây trồng từ lúa, ngô sang trồng gừng cho thu nhập cao hơn. Tính ra, 1 ha gừng bà con dân bản thu hoạch từ 13 - 15 tấn củ, thu về trên dưới 150 triệu đồng/ha.
Hiện nay toàn xã Nậm Cắn đã trồng được 117 ha gừng ở các bản: Tiền Tiêu, Trường Sơn, Khánh Thành, Huổi Pốc… rất nhiều gia đình từ nghèo khó, thiếu ăn nay đã có thu nhập trên 70 triệu đồng/năm nhờ trồng cây gừng, đời sống bà con dân bản đã khá dã hơn.
Đến xã Na Ngoi, Phó Chủ tịch UBND xã Xồng Vả Nênh rất vui vẻ và phấn khởi nói với chúng tôi: Năm 2019, cây gừng huyện Kỳ Sơn, trong đó chủ yếu là gừng ở xã chúng tôi được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00077 cho sản phẩm gừng Kỳ Sơn, bà con dân bản ai cũng vui mừng. Vì vậy sau khi thu hoạch xong vụ gừng vừa rồi, hôm nay bà con dân bản lại tiếp tục trồng và trồng nhiều hơn. Tính đến hôm nay, toàn xã Na Ngoi đã trồng được gần 400 ha gừng và là xã có diện tích gừng được trồng nhiều nhất huyện đến thời điểm này.
Rất nhiều người dân ở bản Buộc Mú, xã Na Ngoi cho biết: người Mông ở bản này không tha thiết trồng lúa, trồng ngô trên nương rẫy như ngày xưa nữa. Phần lớn dân bản chúng tôi đã chuyển từ trồng lúa, trồng ngô lai sang trồng cây gừng để cho thu nhập nhiều hơn. Cái hay của trồng gừng là thu hoạch xong có người dưới xuôi đưa xe ô tô lên thu mua hết và gia đình nào cũng có thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng trong một năm.
Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Kỳ Sơn cho biết: Tại huyện Kỳ Sơn hiện nay đang trồng 2 giống gừng, đó là gừng dé và gừng sừng trâu. Gừng dé có mùi thơm đặc trưng, củ nhỏ, vị cay nồng, thịt và vỏ củ có màu trắng ngà, rất được người dân ưa chuộng. Loại gừng này phần lớn được các thương lái mua và đem vào tiêu thụ chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh. Giống gừng sừng trâu được xuất khẩu nhiều sang thị trường Trung Quốc.
Trước khi chưa có giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gừng Kỳ Sơn, diện tích gừng cả huyện chỉ có 260 - 300 ha. Từ sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ ban hành quyết định số 5587/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00077 cho sản phẩm gừng Kỳ Sơn thì UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã trong toàn huyện bằng mọi biện pháp mở rộng diện tích trồng gừng. Trong đó hướng chủ yếu là chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa, ngô nương rẫy chuyển sang trồng gừng. Để giúp đỡ bà con nông dân mở rộng diện tích trồng gừng, UBND huyện trích kinh phí hỗ trợ 100% chi phí phân bón trên diện tích trồng mới và tiền giống cho 24 ha xây dựng mô hình trình diễn thâm canh gừng.
Theo kế hoạch được các xã đăng ký trồng gừng năm 2020 là 1.000 ha. Đến thời điểm này toàn huyện đã trồng được hơn 800 ha và đang tiếp tục trồng. Toàn huyện Kỳ Sơn phấn đấu đến năm 2025 sẽ trồng 3000 ha gừng. Sản phẩm gừng làm ra, UBND huyện sẽ có kế hoạch liên hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước bao tiêu cho nông dân. Hiện tại đã có một số doanh nghiệp trong và ngoài nước trực tiếp đến Kỳ Sơn tìm hiểu để liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người sản xuất tại HTX NN Hương Sơn với diện tích 1000 ha. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng và hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục đến Kỳ Sơn để cùng bà con nông dân các dân tộc ở huyện chúng tôi tạo nên một sản phẩm hàng hóa đặc biệt, đó là Sản phẩm gừng Kỳ Sơn.