Để sản xuất vụ đông đem lại hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh Covid – 19 như hiện nay

Thứ ba - 24/08/2021 05:00
(Hội NDNA) - Sản xuất vụ đông năm nay được Sở NN & PTNT tổ chức triển khai đề án sản xuất sớm hơn các năm trước. Theo đề án này thì sản xuất vụ đông năm nay toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 35.545 ha cây trồng các loại, trong đó tập trung chủ yếu cây ngô 20.000 ha (ngô lấy hạt 15.000 ha, ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi 5000 ha) và rau các loại 12.400 ha.
Một thực tế đã xẩy ra trong sản xuất vụ đông những năm gần đây, đó là diện tích gieo trồng ngày càng giảm dần, cụ thể tổng diện tích gieo trồng vụ đông các năm 2009, 2010, 2012 và 2014 luôn luôn giữ ở mức 43.000 - 46.000 ha cây trồng các loại, trong đó riêng cây ngô gieo trồng từ 27.000 - 28.000 ha mỗi vụ, sau cây ngô là rau củ các loại 9.000 - 10.000 ha và thứ ba là khoai lang 7.000 - 7.500 ha. Những năm gần đây diện tích gieo trồng cây trồng vụ đông giảm mạnh và chỉ dừng lại trên dưới 32.000 - 33.000 ha mỗi vụ, giảm hơn 10.000 ha mỗi vụ, vì sao vậy ? chủ yếu vì kết quả sản xuất hiệu quả không cao do nhiều nguyên nhân gây ra như: mưa, gió, bão, lụt và áp thấp nhiệt đới xẩy ra thường xuyên trước, trong và sau mùa vụ gieo trồng làm ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất, gặp năm thời tiết thuận lợi vụ đông được mùa thì lại xẩy ra tình trạng được mùa mất giá, bí đầu ra sản phẩm thừa ế khó tiêu thụ, lại kêu giải cứu, điển hình như vụ rau cải bắp hàng trăm ha ở Diễn Phong, Diễn Thành, Diễn Thịnh (Diễn Châu), vùng rau các xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, và Quỳnh Bảng … (Quỳnh Lưu)… nhiều loại rau thừa ế phải đề nghị giải cứu, thậm chí phải bỏ đi vì không tiêu thụ hết.
nong dan dien phong huyen dien chau lam dat vu dong 2
Nông dân xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu làm đất vụ đông

Sản xuất vụ đông năm 2021 nay lại càng gặp khó khăn nhiều hơn các vụ đông trước đây:

Thứ nhất: Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng lớn đã gây ra những hiện tượng khí hậu cực đoan, như mưa xối xả, nắng nóng như thiêu, lụt bão diễn biến bất thường. Dự báo mùa mưa bão năm nay ngay ở vùng Bắc Trung Bộ (trong đó có Nghệ An) sẽ bị ảnh hưởng lớn khoảng 2-3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới gây ra gió mạnh và mưa lớn rất dễ làm thất thiệt sản xuất vụ đông.

Thứ hai: Dịch bệnh CoVid-19 đã và đang xẩy ra trên phạm vi cả nước và trên toàn thế giới chưa có hiện tượng chững lại. Chắc chắn loại bệnh này sẽ gây cản trở rất lớn cho sản xuất từ gieo trồng đến thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa sản xuất ra, nhất là các loại rau, củ, quả sau khi thu hoạch về không cho phép để được lâu dài.

Thứ ba: Chưa bao giờ giá cả các loại phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng giá quá cao như hiện nay. Cho dù là phân bón được sản xuất trong nước như đạm Urê từ 85000 đ/kg, nay tăng lên 12.000 đ/kg, phân hỗn hợp NPK loại 16-16-8 và 15-5-20 từ 9.800 đ/kg, nay tăng lên 12.000 - 12.500 đ/kg, Kali từ 9.000 đ/kg, nay tăng lên gần 13.000 đ/kg… trong khi đó giá các loại hàng hóa nông sản do nông dân sản xuất ra không những không tăng mà còn giảm.

Thứ tư: Giá thuê máy móc cày bừa làm đất tăng hơn năm bình thường 25 - 30%/sào, bình quân thuê máy cày bừa làm đất để gieo trồng được phải mất từ 230.000 - 250.000 đ/sào/sào đất, thậm chí ở vùng đất 2 lúa phải mất gần 300.000 đ/sào. Lý do tăng giá theo các chủ máy là do giá xăng dầu tăng cao.

Thứ năm: Công tác tập trung cho chỉ đạo sản xuất vụ đông năm nay sẽ bị phân tán mạnh do tất cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống xã, HTXNN và các thôn bản, làng xã dồn vào công tác chống dịch bệnh CoVid-19 là việc làm được ưu tiên trước hết và trên hết. Đặc biệt là các địa phương đang phải áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ thì lại càng khó khăn hơn.

Từ đó, chúng tôi đề nghị:

Một: Vụ đông năm nay nên tập trung sản xuất nhiều các loại cây rau màu có thị trường tiêu thụ dễ dàng hoặc sau thu hoạch chưa tiêu thụ được vẫn bảo quản được lâu dài mà không hư hỏng hoặc hư hỏng không đáng kể. Đó là các cây trồng như:

Cây ngô, ngoài việc trồng nhiều cây ngô lấy hạt ra, nên mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho trâu bò. Những năm gần đây nhu cầu về cây ngô sinh khối dùng làm thức ăn xanh cho trâu bò ngày càng lớn. Riêng ở Nghệ An với tổng đàn bò sữa của Tập đoàn TH đã có tới 45.000 con, nhu cầu mỗi ngày cần tới hàng ngàn tấn thức ăn tươi xanh thì đây chính là nguồn tiêu thụ đầu ra cho bà con nông dân rất dễ dàng. Với giá bấy lâu nay Tập đoàn TH thu mua cây ngô xanh từ 1.000 - 1.100 đồng/kg thân, lá, bắp non thì mỗi ha sẽ cho thu nhập trên 3.000.000 đồng/ha trong thời gian từ gieo trồng đến thu hoạch khoảng 60 ngày.

Cây khoai lang là cây trồng sử dụng cả thân lá và củ cho người ăn, cho chăn nuôi. Ngày xưa ông cha ta sống nhờ khoai lang: ngọn và lá khoai lang là rau xanh cho người, thân và lá già là thức ăn xanh cho chăn nuôi lợn, gà. Thân, lá khoai lang  thu hoạch về phơi, sấy khô nghiền thành bột làm thức ăn thô cho lợn gà rất tốt. Củ khoai vừa nấu ăn tươi, vừa cắt lát phơi khô để lâu dài hoặc xay thành bột làm bánh… Củ khoai thu hoạch về chưa ăn hết, chưa kịp chế biến thì để nguyên củ, không xây xát vẫn để được lâu từ 1-2 tháng không bị hư hỏng.

Các loại cây: bầu, bí xanh, su hào, cà rốt, khoai tây, hành củ, tỏi… sau thu hoạch chưa có thị trường tiêu thụ được thì để bảo quản ngay tại nhà chờ khi nào được giá thì bán. Trong các loại cây này khoai tây là loại cây trồng rất ngắn ngày (85 - 90 ngày) dễ trồng năng suất rất cao (bình quân trên dưới 20 tấn củ/ha), củ khoai tây vừa ăn ngon, vừa dễ nấu, dễ chế biến lại để được lâu sau khi thu hoạch.

Hai: Đối với các loại rau, củ, quả tươi sau thu hoạch không thể bảo quản được lâu dài như: Cải bắp, rau cải các loại, hành ăn lá, đậu leo, cà chua… Không nên gieo trồng tập trung nhiều một lần, nên phân tán trồng nhiều lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày hoặc dài hơn để rải vụ thu hoạch, tránh tình trạng thu hoạch nhiều một lần khó tiêu thụ, lại không bảo quản được lâu dài sẽ xẩy ra hư hỏng sản phẩm, gây thiệt thòi cho người trồng. Đây là bài học kinh nghiệm ở vùng rau hàng hóa ở các xã Diễn Phong, Diễn Thành, Diễn Thịnh… (huyện Diễn Châu), vùng rau các xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lương… (huyện Quỳnh Lưu) vụ đông 2020 vừa qua.

Ba: Trong tình hịch dịch bệnh CoVid-19 đang diễn ra như hiện nay, bà con nhân dân ở mọi vùng miền từ nông thôn đến thành phố có thể tận dụng hết mọi khoảng trống không gian để trồng rau, củ, quả các loại như rau ăn lá các loại: cà chua, hành, hẹ, su le… để tư tức phần nào trong gia đình. Ở vùng nông thôn nơi đất ít, nơi đồng ruộng thấp dễ bị ngập úng hoặc ít không có diện tích trồng cây rau màu vụ đông ở ngoài đồng thì dành đất trong mương vườn, quanh nhà ở để trồng. Ở thành phố, thị xã, thị trấn… thì có thể trồng các loại cây rau, củ, quả ở trong các chậu nhựa, thùng xốp… để ở sân thượng, góc sân… miễn là ảnh sáng có là được. Cách làm này thu hoạch không nhiều nhưng nếu làm tốt vẫn đủ rau xanh tự túc trong gia đình, giảm bớt sự đi lại trong mùa dịch bệnh hiện nay.

Doãn Trí Tuệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập61
  • Hôm nay33,411
  • Tháng hiện tại593,268
  • Tổng lượt truy cập15,734,150
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây