NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Nỗi lo và việc cần làm trước khi lúa xuân trổ bông
Thứ hai - 12/04/2021 21:252.9930
(Hội NDNA) - Năng suất lúa cao hay thấp, quyết định bởi nhiều yếu tố từ khi gieo cấy đến lúc thu hoạch. Nhưng với vụ lúa xuân năm nay đến thời điểm này có 3 nỗi lo nhất, đó là:
Nỗi lo thứ nhất, lo thiếu nước khi lúa trổ đang xuất hiện rõ, nhất là vùng tưới nước bằng các trạm bơm điện và vùng tưới hồ đập ở một số nơi.
Lý do hạn hán như chúng ta đã biết, từ trước và sau tết âm lịch lại nay hầu như không có mưa. Vì vậy lưu lượng nước trên các dòng chảy ở các con sông xuống thấp so với nhiều năm trước đây. Mực nước sông Lam tại cống bara Nam Đàn, lưu lượng nước chảy về sông Đào để lấy nước cấp cho các trạm bơm điện thuộc các huyện: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò để tưới cho diện tích trên 19.000 ha lúa chỉ ở mức 0,45 - 0,50m/1,15m so với thiết kế, đạt 39,13 - 43,47%. Vì vậy nhiều diện tích lúa ở các địa phương cuối kênh như các xã: Hưng Yên, Hưng Trung, Hưng Tây… của huyện Hưng Nguyên, Nghi Phong, Nghi Hoa, Nghi Diên, Nghi Vạn… huyện Nghi Lộc… nước trong ruộng đã khô cạn.
Riêng ở vùng tưới nước ở các hồ đập cũng đáng báo động do trời không có mưa lớn nên lượng nước dự trữ trong tổng số 625 hồ đập lớn nhỏ toàn tỉnh chỉ ở mức 50 - 70% mức thiết kế. Đáng lưu ý nhất là các hồ đập càng nhỏ lượng nước dự trữ được càng ít, nên nhiều hồ đã khô cạn khó có đủ nước để tiếp tục tưới khi lúa trổ bông.
Nỗi lo thứ hai là lo lúa trổ quá sớm, trổ đứng vào tiết thanh minh rất dễ gặp phải gió mùa đông bắc đưa không khí lạnh về và gây ra mưa nhỏ, mưa phùn càng làm giảm năng suất lúa. Cụ thể như các ngày 9, 10 và 11 tháng 4 này đã có một đợt không khí lạnh tràn về gây ra gió to, mưa nhỏ và nhiệt độ không khí xuống dưới 200C ít nhiều làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất.
Ngay từ đầu vụ chuẩn bị gieo cấy, ngành Khí tượng - Thủy văn dự báo thời tiết thời gian đầu của lúa xuân năm nay có thể xẩy ra rét đậm, rét hại kéo dài nhiều hơn các vụ lúa xuân trước, nhiệt độ không khí thấp hơn bình quân nhiều năm từ 0,5 - 1,00C. Từ dự báo này hầu hết các địa phương bà con nông dân đã xuống đồng gieo cấy sớm hơn thời vụ quy định trên dưới 10 ngày.
Dự báo thời tiết là một hoạt động khoa học rất phức tạp và khó khăn không phải lúc nào cũng đúng 100%. Thực tế diễn biến thời tiết từ khi gieo cấy lúa lại nay, nhiệt độ không khí cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ từ 0,5 - 1,00C. Vì vậy kể từ ngày 10/4 lúa ở một số địa phương như ở các xã: Long Thành, Vĩnh Thành, Nhân Thành, Thọ Thành, Tân Thành… huyện Yên Thành; Minh Châu, Châu Nhân, Diễn Nguyên… huyện Diễn Châu; Hưng Thịnh, Long Xá, Hưng Thành… huyện Hưng Nguyên lúa đã bắt đầu trổ bông. Dự kiến lúa vụ xuân năm nay sẽ trổ bông tập trung từ sau ngày 15/4 trở đi. Như vậy vụ lúa xuân năm nay sẽ trổ bông sớm hơn thời vụ quy định từ 8 - 10 ngày.
Nỗi lo thứ ba là rất dễ xuất hiện bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh lem lép hạt. Cả hai bệnh này dễ dàng xuất hiện khi lúa trổ gặp thời tiết âm u, ẩm độ không khí cao, trời có mưa nhỏ, mưa phùn như hiện nay. Nếu hai bệnh này xuất hiện thì ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lúa. Để hạn chế tác hại của 3 nỗi lo trên, chúng ta cần chủ động phòng chống bằng các biện pháp sau:
Về phòng chống hạn giai đoạn lúa trổ:
Chi cục thủy lợi Nghệ An cần phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các đơn vị Thủy nông hướng dẫn các HTXNN sử dụng nước rất tiết kiệm, tưới nước bằng biện pháp tưới nông, không tưới sâu lãng phí nước, nhất là vùng tưới nước hồ đập, vùng bơm điện.
Tranh thủ lấy nước, bơm nước đưa vào dự trữ ở các kênh mương, ao hồ trên đồng ruộng khi nước triều dâng và khi các nhà máy thủy điện xả nước thì mực nước trên sông sẽ dâng cao lên. Đối với các trạm bơm ở hạ nguồn sông Lam, trước khi bơm phải kiểm tra độ mặn có cho phép được bơm không, để đề phòng gây chết lúa.
Thực hiện chế độ tưới nước luân phiên giữa các vùng trong hệ thống đối với vùng tưới nước tự chảy Diễn - Yên - Quỳnh và vùng tưới nước hồ đập lớn. Riêng vùng tưới nước bơm điện cũng phải áp dụng bơm tưới nước luân phiên giữa các vùng đầu kênh, giữa kênh và cuối kênh sao cho hợp lý.
Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN & PTNT cần phối hợp chặt chẽ với ngành điện lực trong việc bảo đảm cấp điện đủ và thường xuyên cho các trạm bơm nước hoạt động liên tục và các nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê tiếp tục xả nước xuống sông Lam đủ đảm bảo nước cho các trạm bơm hai bên bờ sông Lam hoạt động và nâng cao mức nước chảy qua bara Nam Đàn để phục vụ sản xuất cho cả vùng Nam - Hưng - Nghi - Vinh - Cửa Lò.
Về việc lúa trổ sớm và sâu bệnh hiện nay. Lúa gieo cấy sớm trước lịch thời vụ quy định, lại gặp năm ít xẩy ra rét đậm, rét hại thì lúa trổ sớm không thể có biện pháp gì níu kéo chậm lại. Về vấn đề này các địa phương và bà con nông dân cần rút kinh nghiệm để vụ sản xuất các vụ xuân năm sau không lặp lại tình trạng gieo cấy sớm trước thời vụ quy định. Hậu quả của lúa trổ sớm thường là: nếu gặp không khí lạnh tràn về, nhiệt độ không khí xuống thấp dưới 230C thời kỳ lúa trổ thì năng suất giảm là chuyện tất yếu. Nếu không khí lạnh về như những ngày 9, 10, 11 vừa rồi của tháng 4 này, tuy thời gian không kéo dài, không xẩy ra rét đậm, nhưng lại có mưa nhỏ, mưa phùn, ẩm độ không khí cao… thì nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông lúa, bệnh lem lép hạt sẽ xuất hiện. Theo thông tin từ Chi cục trồng trọt và BVTV Nghệ An đến ngày 7/4 toàn tỉnh đã có gần 10.000 ha lúa xuân bị nhiễm bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn. Trong số này đáng lo sợ nhất là có hơn 1.500 ha bị bệnh đạo ôn lá. Từ nguồn bệnh này, với thời tiết như hiện nay, lúa trổ rất dễ nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông. Bất cứ bông lúa nào khi đã nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông thì lép 100%, có nghĩa là mất trắng và cũng thời tiết này, khi lúa trổ rất dễ nhiễm bệnh lem lép hạt (nông dân thường gọi là lúa bầm ruồi). Còn các bệnh khác có, nhưng không đáng lo lắm.
Biện pháp đề phòng và phòng trừ tốt nhất đối với bệnh đạo ôn cổ bông ở giai đoạn lúa trổ là chủ động phun thuốc một lần trước khi lúa trổ, loại thuốc phun có hiệu quả nhất là nên dùng loại thuốc có trên Beam (Bim) 75 WP để phun theo hướng dẫn có ghi ở bao bì. Nếu không có thuốc Beam thì có thể sử dụng thuốc có tên Kabim, Pilia để phun.
Riêng đối với bệnh lem lép hạt chỉ nên dùng thuốc có tên Til supe (Tin Sup pe) để phun theo chỉ dẫn có ghi ở bao bì nhãn mác. Phun loại thuốc này còn có tác dụng phòng trừ được cả các bệnh khô vằn, thối bẹ, đốm sọc vi khuẩn…