NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Giải pháp nào khi cây sắn bị bệnh khảm lá
Thứ năm - 22/04/2021 22:312.8280
(Hội NDNA) - Bệnh khảm lá sắn lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam nói chung và ở Nghệ An nói riêng. Đây là loại bệnh rất nguy hiểm gây thất thiệt rất lớn cho người trồng sắn và là loại bệnh khó có khả năng phòng trừ tận gốc khi cây sắn đã bị bệnh. Theo Cục Bảo vệ thực vật, bệnh khảm lá sắn có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaie Virus (SLCMV) gây ra. Hiện nay bệnh đã và đang gây hại nghiêm trọng trên cây sắn ở hầu hết các địa phương có trồng sắn.
Bệnh khảm lá sắn rất nguy hiểm
Từ cây đã bị bệnh được lan truyền qua môi giới truyền bệnh chủ yếu là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci Genn) và qua hom giống lấy từ cây đã bị bệnh khi trồng. Loại bệnh này, nếu khi cây sắn còn nhỏ, cây còn non mà bị bệnh sẽ hoàn toàn mất khả năng phát triển và không thể cho thu hoạch. Nếu cây sẵn đã già tuổi mới bị bệnh thì cả năng suất và chất lượng củ giảm nghiêm trọng.
Vì vậy trên diện tích sắn mới trồng, cây sắn còn non, nếu bị nhiễm bệnh khảm lá sắn thì tốt nhất là nhổ phá đi để tiêu hủy, lấy đất trồng lại cây trồng khác. Ở tỉnh ta hiện tại đã có trên 3000 ha sắn ở hầu hết các huyện trong tỉnh đã bị nhiễm bệnh khảm lá sắn với những mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Trong đó tập trong nhiều ở các huyện: Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Thị xã Thái Hòa, Anh Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong…Trong đó bị nhiều nhất là huyện Tân Kỳ 2000/3600 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá.
Biện pháp phòng chống, hạn chế
Khảm lá sắn là loại bệnh rất nguy hiểm đối với người sản xuất và đang đe dọa các vùng nguyên liệu sắn đối với nhà máy chế biến tinh bột sắn. Để hạn chế loại bệnh này phát triển, chúng ta cần thực hiện tốt mấy biện pháp sau đây:
Một, chọn và trồng những giống sắn không bị bệnh như các giống KM94, KM95… không nhập và trồng những giống không rõ nguồn gốc, những giống ít hoặc nhiều đã bị bệnh trước đó.
Hai, không nên trồng sắn liên tục nhiều năm trên một vùng đất mà phải thực hiện luân canh với cây trồng khác. Tốt nhất sau 2 - 3 vụ trồng sắn lại thay bằng một loại cây trồng khác, vừa không làm xấu đất, vừa ngăn ngừa được bệnh tật của cây sắn. Cây trồng luân canh trên đất trồng sắn, không nên trồng những cây thuộc nhóm các cây là ký chủ của bọ phấn trắng như: Cây thuốc lá, cây bông, cây cà chua, cây cà pháo, cây bát, cây bù bí, cây khoai tây, cây ớt…
Ba: Ở vùng sắn nào chưa bị bệnh, nhưng rất dễ dàng có nguy cơ bị đe dọa bùng phát bệnh do sự lan truyền bệnh từ vùng bị bệnh sang vùng chưa bị bệnh thì tốt nhất là chủ động phun thuốc diệt trừ bọ phấn trắng để đề phòng bệnh phát sinh và lan truyền bằng các loại thuốc như: Pymetrozine (Chess 50 WG, Cheestar 50 WG, Sagametro 50 WG, Schezgold 500 WG,…). Sử dụng thuốc khi phun làm theo hướng dẫn có ghi ở ngoài bao bì của thuốc. Phun thuốc có hiệu quả nhất là phun vào giai đoạn ấu trùng của con bọ phấn trắng.
Lưu ý khi phun thuốc cần thực hiện 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, phun đúng lúc và phun đúng kỹ thuật).
Bốn: Khoanh vùng tiêu hủy nguồn bệnh theo đúng quy trình hướng dãn của Chi cục trồng trọt và BVTV. Trong đó lưu ý: Những ruộng sắn nhiễm bệnh nặng trên 70% trở lên phải nhổ cả cây, cả củ, cả rễ thu gom lại để đốt cháy hết. Nếu không đốt được thì đào hố bỏ sắn vào, rắc vôi bột phủ lên, xong lấp đất lại. Những ruộng sắn còn có khả năng tận dụng thu hoạch được củ thì nhổ lấy củ, còn thân cây và lá thì gom lại để đốt tiêu hủy hoặc chôn vùi xuống đất như nói ở trên.
Trồng lại cây gì trên đất sắn tiêu hủy
Trên đất sắn bị bệnh khảm lá sau khi đã tiêu hủy nhất thiết không nên trồng lại cây sắn và các cây trồng thuộc nhóm là các cây ký chủ của con bọ phấn trắng như đã nói ở trên.
Vậy nên trồng lại cây gì ?
Vùng đất thấp, ít bị ảnh hưởng của hạn hán thì có thể trồng ngô, khoai lang, mía… Nếu trồng ngô thì nên tính toán kỹ 2 phương án: Có thể gặp hạn và nắng nóng đến sớm thì trồng ngô sinh khối để làm thức ăn cho gia súc hoặc bán cho các trang trại chăn nuôi bò sữa. Nếu có thể khắc phục được hạn thì trồng ngô lấy hạt. Vùng đất cao, đất bãi ven đồi núi thì tốt nhất là gieo trồng vừng, đậu, vừa làm tốt đất, vừa phòng chống được sự tái phát của bệnh khảm lá sắn.
Nếu trồng vừng và đậu thì phải gieo trồng càng sớm càng tốt và nhổ cây sắn đến đâu, rải hạt vừng đến đó, xong bừa lấp đất vùi hạt vừng xuống. Cách làm này, vừa đảm bảo thời vụ gieo trồng sớm, vừa giữ ẩm được cho đất. Nếu gieo trồng đậu thì nhổ hết sắn đem đi tiêu hủy, xong cày bừa đất lên luống thấp và gieo hạt xuống ngay khi đất còn ẩm là tốt nhất.