NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Phát huy vai trò của tổ chức Hội Nông dân trong công tác ủy thác vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội
Thứ năm - 06/04/2023 03:299560
(Hội NDNA) - Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân huyện Tương Dương đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện thực hiện tốt việc ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm đưa nguồn vốn ưu đãi đến tận tay người thụ hưởng, giúp nhiều hộ nghèo có vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương.
Để thực hiện tốt chương trình ủy thác cho vay, Ban Thường vụ Hội luôn bám sát nội dung ủy thác, Nghị quyết của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, các văn bản chỉ đạo của NHCSXH các cấp, chỉ đạo các cấp hội cơ sở, các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) trực thuộc Hội quản lý thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Chính phủ về cho vay đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Hội cũng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hội viên và nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức như lồng ghép với các hội nghị và các buổi sinh hoạt của các Chi hội.
Đến nay, 17/17 cơ sở Hội đã thực hiện nhận uỷ thác với Ngân hàng chính sách xã hội huyện; có 82 tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân quản lý; thực hiện uỷ thác cho vay 17 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ đạt: 154 tỷ 543 triệu đồng, cho 3.132 lượt hộ vay, dư nợ quá hạn là 0%. Cùng với việc cho nông dân vay vốn Hội nông dân các cấp còn tích cực phối hợp với các ngành tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ vay vốn.
Vừa qua, Hội Nông dân huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện kiểm tra nguồn vốn ủy thác đối với xã Tam Quang, Tam Thái. Tại buổi làm việc đoàn đã được nghe đại diện Ban xoá đói giảm nghèo các xã báo cáo tóm tắt kết quả quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính Phủ tại địa bàn và nêu những khó khăn, tồn tại vướng mắc ở cơ sở trong quá trình các hội đoàn thể quản lý vốn vay của các hộ vay vốn trong thời gian sử dụng vốn vay. Ông Hoàng Văn Thắng, Phó Giám đốc NHCSXH huyện đã ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác quản lý vốn vay tại 02 xã và có những trao đổi, chia sẻ và đề ra những giải pháp để hội nhận ủy thác cấp xã có hướng xử lý nợ xấu trong thời gian sớm nhất, để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn ngày càng tốt hơn và đi vào ổn định, bền vững. Cùng với đó, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn xây dựng chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra giám sát, phân công cán bộ Hội trực tiếp quản lý và giám sát hoạt động của các tổ vay vốn tiết kiệm, đôn đốc các hộ vay trả nợ và trả lãi theo định kỳ hàng tháng. Đồng thời, chỉ đạo các Tổ Tiết kiệm và vay vốn bình xét công khai, dân chủ, đúng đối tượng, hướng dẫn hội viên vay lập hồ sơ, tiến hành phê duyệt, giải ngân kịp thời.
Để đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội Nông dân huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát nguồn vốn ủy thác. Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện đoàn xây dựng kế hoạch kiểm tra tình hình sử dụng vốn của đoàn viên, thanh niên tại các xã, thị trấn; tiến hành kiểm tra 100% tổ tiết kiệm. Trong quá trình kiểm tra, Hội ND huyện đã kiểm tra các Tổ Tiết kiệm và vay vốn, đi sâu kiểm tra đối tượng cho vay, mục đích sử dụng vốn và vay vốn, các hộ vay. Ngoài ra, các cấp Hội còn xây dựng mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để tổ chức cho nông dân thăm quan, trao đổi kinh nghiệm. Cấp Hội đã phối hợp tham gia tổ chức và trực tiếp dạy nghề cho lao động nông nghiệp. Từ những hoạt động trên đã tạo ra sự lan tỏa, cuốn hút hộ nghèo tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ đạt mức thu nhập cao đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Điển hình như: Hộ ông Lương Văn Thân, xã Tam Đình, đầu tư chăn nuôi trâu, bò sinh sản cho thu nhập đạt từ 270 - 300 triệu đồng/năm. Hay như hộ ông Lo Văn Dân, xã Nga My vay vốn đầu tư chăn nuôi trâu bò, thu nhập bình quân khoảng 300 - 350 triệu đồng/ năm, ông Và Bá Ca, xã Nhôn Mai vay vốn đầu tư chăn nuôi trâu bò, thu nhập bình quân khoảng 300 - 350 triệu đồng/ năm …
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện và động lực khích lệ hội viên nông dân tích cực lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, góp phần tích cực làm cho số hộ nông dân khá, giàu của huyện tăng lên, số hộ nghèo giảm đáng kể. Thông qua nguồn vốn này, tỷ lệ tập hợp hội viên vào tổ chức Hội ngày càng cao, hội viên thêm gắn bó với tổ chức Hội, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Chúng ta có thể thấy rằng, Hội Nông dân huyện đã thực sự tích cực, chủ động trong thực hiện công tác nhận ủy thác vốn vay với Ngân hàng chính sách xã hội góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện ủy thác cho hội viên nông dân vay vốn, tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, đảm bảo 100% nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Đồng thời, hỗ trợ các hội viên nông dân xây dựng các mô hình kinh tế để vươn lên làm giàu, đóng góp vào sự phát triển chung của huyện.