Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp hội viên nông dân Kỳ Sơn phát triển sinh kế bền vững

Thứ năm - 02/03/2023 03:11
(Hội NDNA) - Nghị định số 78/NĐ-CP, ngày 04/10/2002 của Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý để các tổ chức chính trị - xã hội làm dịch vụ ủy thác cho vay, phát huy vai trò cầu nối chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách thuận tiện và chặt chẽ, coi đây như một giải pháp và bước đột phá trong thực hiện chính sách tín dụng ngày càng hiệu quả. Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn đã phối hợp tốt để đưa nguồn vốn vay này đến với bà con.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng dư nợ thông qua uỷ thác toàn huyện là 380 tỷ đồng, tăng gần 45 tỷ đồng so với đầu năm, tăng trưởng 13 % so với 2021.Trong đó, nguồn vốn do Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn nhận trên 175 tỷ đồng chiếm 46% tổng nguồn vốn ủy thác; là đơn vị dẫn đầu về nguồn vốn nhận ủy thác, có số lượng hội viên được hỗ trợ vay vốn nhiều nhất. Chất lượng tín dụng không ngừng được nâng lên, tỷ lệ nợ quá hạn giảm đáng kể, đầu năm 2022 là 0,45% đến nay chỉ còn 0,19 %; với 128 Tổ tiết kiệm & vay vốn (TK&VV) được củng cố, hoạt động ngày càng có hiệu quả, trong đó có 124 tổ loại tốt và khá, loại trung bình 8 tổ, không còn tổ yếu.
 
5c99b6c9449b9ec5c78a
Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội huyện Kỳ sơn họp phiên thường kỳ đánh giá kết quả hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023  
Nhằm quản lý, đôn đốc sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với Hội Nông dân huyện thực hiện nghiêm túc nội dung văn bản đã thoả thuận. Phân công cán bộ chuyên trách theo dõi công tác ủy thác; phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thực hiện nghiệp vụ ủy thác và kiến thức tổ chức quản lý cho 100% cán bộ Hội nông dân 21 xã, thị trấn và tổ trưởng các tổ tiết kiệm vay vốn trên địa bàn; thường xuyên trao đổi thông tin, phân tích, đánh giá, tìm nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục củng cố các tổ yếu kém, xử lý nghiêm túc, dứt điểm từng khoản nợ khi người vay sử dụng vốn vay sai mục đích, bị rủi ro bất khả kháng, không có khả năng trả nợ hoặc bỏ đi khỏi địa phương. Chỉ đạo cơ sở kiểm tra 100% hộ vay vốn sau khi đã nhận tiền vay trong thời gian 30 ngày; nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát, kiểm tra chặt chẽ và giúp đỡ những hộ nghèo vay vốn sử dụng vốn vay hiệu quả để họ có thể ổn định cuộc sống và trả nợ được cho ngân hàng. Đồng thời, giám sát chặt chẽ các tổ TK&VV để đảm bảo việc đôn đốc trả nợ gốc và thu lãi tiền vay, thu tiết kiệm được thực hiện một cách có hiệu quả.
 
18f2fe88c2d5188b41c4
Cán bộ hội nông dân hướng dẫn kỹ thuật cho mô hình chăn nuôi tổng hợp của ông Vi Văn Sánh bản Na Loi xã Na Loi ạ
Phát huy vai trò của tổ chức Hội trong việc hỗ trợ nông dân sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển sinh kế bền vững. Bên cạnh việc thực hiện tốt vai trò nhận ủy thác, Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn luôn quan tâm công tác tập huấn, đào tạo nghề để người nông dân, đặc biệt là những người vay vốn có kiến thức, kỹ năng áp dụng khoa học công nghệ, hạn chế rủi ro trong sản xuất kinh doanh. Năm 2022, Hội Nông dân huyện đã chủ trì tổ chức 11 lớp tập huấn, phối hợp tổ chức 30 lớp tập huấn và 5 lớp dạy nghề cho hội viên, nông dân với với 3.044 lượt người tham dự.Các cấp Hội đã tăng cường quảng bá, kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và đẩy mạnh các Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững với nhiều cách làm sáng tạo, phát huy tinh thần đoàn kết của cán bộ, hội viên nông dân tạo thành phong trào thi đua sôi nổi ở cơ sở.

Những giải pháp tích cực từ phía Ngân hàng Chính sách xã hội và cấp uỷ, chính quyền địa phương cùng với tổ chức Hội, nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội đã tiếp nguồn lực quan trọng cho hộ nông dân nghèo đầu tư phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, tăng thu nhập cho hộ gia đình, làm giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của huyện. Đặc biệt về quy mô kinh tế hộ gia đình, các trang trại, gia trại ngày càng được mở rộng, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên, tăng cường tính liên kết gắn với phát triển kinh tế tập thể, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu OCOP, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất và kết nối tiêu thụ các mặt hàng của địa phương. Với các sản phẩm, mặt hàng tiêu biểu như: Gừng Kỳ Sơn, chè Tuyết Shan, bí xanh, mận tam hoa, đào, quả bo bo, bò vàng, dê núi, lợn đen, gà đen, dệt thổ cẩm, mây tre đan... đã và đang trở thành mặt hàng chủ lực của địa phương góp phần nâng cao thu nhập cho 8.738 hội viên và hàng nghìn người dân trên địa bàn huyện.
 
a1ce176e3733ed6db422
 Cán bộ Ngân hàng CSXH kiểm tra  việc sử dụng nguồn vốn vay dưu đãi để xât dựng mô hình sinh kế
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, trong năm 2022 toàn huyện có 5.239 hộ nghèo được vay vốn để phát triển sinh kế, 545 hộ vay vốn giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, 707 hộ được vay làm nhà ở để an tâm lao động sản xuất. Từ đó đã giúp 746 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 59,36% còn 54,36%; đời sống của người dân được nâng lên. Đặc biệt đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ, gia trại có quy mô tương đối lớn, điển hình là gia đình hội viên Mong Văn Chun ở bản Khánh Thành xã Nậm Cắn với mô hình gia trại chăn nuôi gia súc với hơn 200 con dê, đàn trâu bò 35 con và đàn lợn 22 con, và gần 300 con gà vịt; hội viên Lô Văn Pắn ở Bản Piêng Phô xã Phà Đánh với mô hình tổng hợp trồng cây làm chổi đót, kết hợp trồng cỏ voi nuôi trâu, bò, lợn, gà, ngan, vịt và hoa màu khác đem lại doanh thu khoảng 600 triệu đồng/năm.Đặc biệt là chi hội trưởng nông dân Vừ Tồng Pó ở Mường Lống tiên phong trong phát triển du lịch cộng đồng, áp dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình gà đen an toàn sinh học với quy mô máy ấp trứng công suất 1000 trứng/lượt ấp trên 1000 con gà thịt mỗi đợt xuất chuồng đem lại doanh thu từ 750 đến 800 triệu đồng/năm… Năm 2022, ông Pó vinh dự 1 trong 7 nông dân tiêu biểu của tỉnh Nghệ An được biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI (2017 - 2022). Với hơn 4000 hộ hội viên nông dân đang vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội, 2.792 hội viên đăng ký tham gia phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều điển hình hội viên nông dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trong phát triển sinh kế đã trở thành tấm gương, nguồn cổ vũ lớn lao cho hội viên trên địa bàn học tập, vươn lên.

Có thể khẳng định, sự tích cực phối hợp thực hiện nội dung văn bản thỏa thuận đã ký kết giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và tổ chức Hội, đã thực hiện tốt phương thức cho vay mà ở đó hội tụ được sức mạnh của cả hệ thống chính trị với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự tham gia của người dân cùng vì mục tiêu giảm nghèo, tiến bộ và công bằng xã hội. Thông qua các hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần nâng vai trò, uy tín của tổ chức hội, việc tập hợp, thu hút hộ nông dân tham gia vào tổ chức hội ngày càng phát triển.

Hồng Thơm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập186
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm183
  • Hôm nay39,975
  • Tháng hiện tại724,522
  • Tổng lượt truy cập16,599,112
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây