Không nên mở rộng diện tích sắn chạy theo giá cả thị trường

Thứ năm - 16/12/2021 03:27
(Hội NDNA) - Sắn là cây trồng truyền thống của bà con nông dân Nghệ An từ xưa lại nay. Ngày xưa,do nguồn cung lương thực không đủ, nên bà con nông dân trồng sắn để tăng thêm nhu cầu về lương thực và một phần cho chăn nuôi. Từ sau những năm 2000 trở lại đây nhu cầu về lương thực cơ bản được giải quyết. Vì vậy, bà con nông dân trồng sắn chủ yếu phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn để xuất khẩu hoạt động.
Nhu cầu về vùng nguyên liệu sắn cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn ở tỉnh ta cũng không vượt quá 10.000 ha sắn mỗi năm. Nhưng hai năm gần đây do thị trường xuất khẩu tinh bột sắn tăng, đẩy giá sắn củ tươi từ 800 – 900 đồng/kg vào thời kỳ từ năm 2012 về trước, sau đó tăng dần lên 1.100 – 1.200 đ/kg và năm 2021 này tăng lên 2.000 đ/kg sắn củ tươi. Giá sắn tăng cao có nhiều nguyên nhân, do nhu cầu xuất khẩu tinh bột sắn tăng vọt, nhất là thị trường nhập khẩu của Trung Quốc quá lớn; thứ hai là do sắn là cây trồng chiếm thời gian 1 năm, hiệu quả sản xuất so với các cây trồng khác không cao hơn. Vì vậy diện tích sắn bị thu hẹp lại dần, nhất là vùng sắn hàng ngàn ha ở Tây Nguyên giảm mạnh dẫn đến cung không đáp ứng cầu và từ đó bắt buộc phía nhập khẩu tinh bột sắn phải tăng giá thu mua, kéo theo giá sắn củ tươi tăng theo.

Bài học bà con nông dân Nghệ An mở rộng diện tích trồng sắn do chạy theo giá cả thị trường đã gặp phải, đó là vụ sắn năm 2009 và nhất là năm 2016 diện tích trồng sắn từ 11.000 – 12.000 ha năm 2012 tăng lên gần 20.000 ha sắn vào năm 2013 do giá sắn từ 800 – 900 đ/kg, sau đó tăng lên 1.100 – 1.200 đ/kg, thế là đua nhau mở rộng diện tích trồng sắn và kết cục là vụ sắn năm đó thừa ế, bán với giá 800 – 900 đ/kg cũng không tiêu thụ hết, do phía Trung Quốc hạn chế nhập khẩu. Đó là câu chuyện về thị trường tiêu thụ sắn khó tránh khỏi tình trạng được mùa mất giá, được giá thì mất mùa. Từ đó vấn đề có nên hay không mở rộng diện tích trồng sắn cần phải tính toán kỹ, không những vì giá cả không ổn định mà còn đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững.
 
chua co ten
Bà con nông dân huyện Anh Sơn thu hoạch sắn
Như chúng ta đã biết, sắn là cây trồng chiếm giữ thời gian ở trên đất mất một năm mới cho thu hoạch, trong khi quỹ đất có hạn. Nhưng cái mà nông nghiệp ngày nay nhiều địa phương không muốn trồng sắn, chính là do sắn là cây trồng có tổng diện tích tán lá trên cây nhỏ, độ che phủ đất ít và hầu hết đất trồng sắn là đất đồi vệ, khả năng bị xói mòn mạnh, mất màu nhiều. Mặt khác sắn lại là cây lấy dinh dưỡng và hút ẩm của đất rất mạnh. Vì vậy đất trồng trọt sau 1-2 năm trồng sắn mà không được luân canh hay trồng xen cây họ đậu thì đất ở đó kiệt màu, khô cằn, trồng lại cây gì trên đất đó cũng cằn cỗi khó phát triển.

Theo chúng tôi được biết, vụ sắn năm nay toàn tỉnh trồng được gần 14.000 ha sắn và đang vào mùa thu hoạch. Vụ sắn năm 2021 thời tiết thuận lợi, nắng hạn ít, mưa nhiều và mưa đều ở các tháng nên sắn được mùa. Tại huyện Anh Sơn trồng gần 1.200 ha sắn, năng suất dự kiến đạt bình quân trên 25 tấn củ/ha. Các xã Thành Sơn, Bình Sơn, Thọ Sơn, Hoa Sơn, Tường Sơn, Cẩm Sơn… đều đạt năng suất sắn từ 25 – 30 tấn củ/ha, có nhiều hộ gia đình ở xã Hoa Sơn trồng trên đất mới vụ đầu tiên đạt được năng suất gần 40 tấn/ha.
Thanh Chương là huyện có diện tích sắn được trồng lên đến 2.200 ha, theo ông Trần Phi Hùng – Trưởng phòng NN & PTNT của huyện cho biết, sắn năm nay được mùa, năng suất đạt gần 30 tấn củ/ha, bà con nông dân rất phấn khởi, do được mùa, được giá và chưa bao giờ sắn bán vừa được giá, vừa được tiêu thụ nhanh như bây giờ.

Theo Chi cục trồng trột và BVTV Nghệ An cho biết vụ sắn năm 2021, riêng diện tích sắn cao sản có 7.400 ha, số diện tích này hầu hết nằm trong vùng sắn nguyên liệu của các nhà máy chế biến tinh bột sắn, do được đầu tư thâm canh khá, thời tiết thuận lợi, nên năng suất đạt bình quân từ 30 – 35 tấn củ/ha, cao nhất từ trước lại nay.

Từ chỗ thấy sắn vừa được mùa, được giá, thu nhập có lãi, nên bà con nông dân nhiều địa phương ở các huyện đều có ý định, thu hoạch xong vụ sắn này, không những trồng tiếp, mà còn mở rộng thêm diện tích trồng mới với hy vọng sẽ cho thu nhập cao như năm nay.

Về vấn đề có nên hay không mở rộng diện tích trồng sắn sau khi thu hoạch xong vụ sắn năm 2021. Theo bà Võ Thị Nhung – Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Nghệ An cho biết: Sở NN & PTNT không chủ trương mở rộng diện tích trồng sắn ngoài diện tích vùng sắn nguyên liệu đã được quy hoạch 10.000 ha để phục vụ cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn trong tỉnh. Trên diện tích này đã có quy trình hướng dẫn trồng và thâm canh sắn, luân canh sắn, trồng xen cây họ đậu với cây sắn để bảo vệ đất, không làm nghèo đất, để phát triển nông nghiệp bền vững. Sở NN & PTNT yêu cầu các địa phương chỉ đạo các cơ sở sản xuất và bà con nông dân không nên mở rộng diện tích trồng sắn chạy theo giá cả thị trường dễ gặp lại tình trạng được mùa mất giá, rủi ro này khó tránh khỏi và hậu quả người nông dân phải gánh chịu thì không nên.
 

Doãn Trí Tuệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập408
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm406
  • Hôm nay7,220
  • Tháng hiện tại204,862
  • Tổng lượt truy cập14,858,756
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây