Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp - xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại
Khoa học công nghệ luôn được coi là giải pháp then chốt tạo đột phá về năng suất, chất lượng hàng nông sản và năng suất, hiệu quả lao động trong nông nghiệp. Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp Nghệ An đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đạt được một số kết quả quan trọng. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng, năng suất cây trồng, con vật nuôi tăng cao, chất lượng sản phẩm được cải thiện, đặc biệt quy mô và phương thức sản xuất được nâng tầm rõ rệt.
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Xuân Định – Phó Chủ tịch TW Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp là đòi hỏi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Xuân Định mong muốn hội thảo là diễn đàn kết nối các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, doanh nghiệp, … để chia sẻ, thảo luận về những công nghệ tiên tiến, xu hướng, thách thức và giải pháp trong ngành nông nghiệp.
Chủ trì cuộc Hội thảo
Tại hội thảo, đại diện cho ngành nông nghiệp tỉnh bà Võ Nhung - Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh tham luận về kết quả sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Ở Nghệ An, UBND tỉnh triển khai nhiều các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, UBND tỉnh Nghệ An quyết định công nhận được 4 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Công ty CP Thực phẩm sữa TH; Trang trại bò sữa Vinamlik Nghệ An; Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Mavin; Công ty Mía đường Nghệ An (NASU).
Năm 2021, Nghệ An có tổng diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng CNC 26.555 ha (Năm 2019 là 22.808 ha, năm 2020 là 23.186 ha); Trong đó diện tích đất trồng trọt là 26.104,4 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản là 450,7 ha; chiếm 8,7% diện tích sản xuất đất nông nghiệp. Tổng đàn bò được nuôi ứng dựng công nghệ cao trên 69.995 con, trong đó 68.990 bò sữa được nuôi theo công nghệ Ixren; Tổng đàn lợn được nuôi ứng dụng công nghệ cao là 87.375; Chăn nuôi có ứng dụng công nghệ cao có hơn 70 trang trại.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 25 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp tiêu biểu như: Tập đoàn TH, Vinamilk Nghệ An, Tổng Công ty cổ phần VTNN Nghệ An, Công ty TNNH Khoa học Công nghệ Vĩnh Hòa, Công ty TNHH mía đường Nasu; ... đây là những doanh nghiệp đi đầu, tạo sức lan tỏa trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh; có 29 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đã triền khai thực hiện việc ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp được 134 mô hình trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nhiều công nghệ mới được áp dụng vào sản xuất giống như hệ thống lọc và khử trùng nước bằng tia cực tím, hệ thống nâng nhiệt, ... Hàng năm cung cấp cho thị trường trên 2,5 tỷ con tôm thẻ chân trắng giống, hơn 100 triệu con tôm sú giống, 36 triệu con cá giống, 700 triệu con ngao giống và 19 triệu con cua giống; Những năm gần đây, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm theo hướng thâm canh, siêu thâm canh như mô hình nuôi tôm trong bể xi măng, mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm Semi-Biofloc, nuôi tôm VietGAP, nuôi tôm trong nhà màng, ....
Đồng chí Nguyễn Thị Hải - Phó Chủ tịch HND tỉnh phát biểu tham luận tại hội thảo
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều khó khăn
Tại hội thảo các đại biểu là đại diện cho các ngành, các chuyên gia nông nghiệp, các doanh nghiệp ... cũng sôi nổi thảo luận và thẳng thắn nêu ra những khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ cao và sản xuất và kinh doanh nông nghiệp
Các đại biểu tham gia thảo luận
Tại Hội thảo, đại diện Chi Cục chăn nuôi Trần Võ Ba, trưởng phòng chăn nuôi chi cục thú ý phát biểu: Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc ứng dụng này chỉ được thực hiện ở các doanh nghiệp, trang trại lớn, còn với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều khó khăn, khó triển khai. Thực tế việc đầu tư công nghệ hiện đại trong chăn nuôi chi phí cao hơn 20% chăn nuôi truyền thống, trong khi đó thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo hướng công nghệ cao lại chưa ổn định.
Ông Hoàng Xuân Trường – Phó Chi cục Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) thẳng thắn đặt ra vấn đề: ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp không chỉ quan tâm đến các ứng dụng tạo ra năng suất và phải tập trung vào công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm. Ứng dụng công nghệ cao để hạn chế việc sử dụng hóa chất, giảm rác thải ô nhiễm môi trường và nghiên cứu tái sử dụng rác thải. Các nhà khoa học cần quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu. Vì nó ảnh hưởng lớn đến phát triển sản xuất nông nghiệp.
Ông Trần Văn Huy – Phó Chủ tịch liên minh hợp tác xã nêu quan điểm: Việc ứng dụng công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp thay đổi tư duy cho nông dân. Điều quan trọng là phải tăng cường hợp tác để thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã...từ đó liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho nông sản; tổ chức các hội nghị xúc tiến tieu thụ nông sản cho nông dân.
Đại diện Sở Khoa học và công nghệ nêu những khó khăn trong quá trình triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đó là: hiện nay về tư duy và trình độ hiểu biết về khoa học của nông dân còn thấp. Vì thế, phải tập trung và đào tạo và dạy nghề cho nông dân; Thứ hai, khuyến khích nông dân sáng tạo, phát triển những kinh nghiệm sản xuất truyền thống thành công nghệ mới phù hợp với nền sản xuất mới.
Ông Nguyễn Hồng Cương- Giám đốc công ty TNHH Hải Tuấn , cơ sở đầu tiên sản xuất thành công giống tôm thẻ chân trắng tại Nghệ An đã có những chia sẻ: khó khăn lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp đầu tư và nông nghiệp là vấn đề vay vốn. Vì đất nông nghiệp không thể thế chấp để vay vốn ngân hàng. Vì thế, muốn đầu tư và mở rộng sản xuất lên quy mô lớn nhưng cũng khó khăn.
Đề xuất, gợi mở nhiều giải pháp
Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. Việc ứng dụng khoa học công nghệ được coi là đòn bẩy để thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp cần những giải pháp “bứt phá”.
Tại hội thảo nhiều ý kiến của các chuyên gia đề xuất, gợi mở nhiều giải pháp để ứng dụng công nghệ cao và sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Lập – Nguyên Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh nêu ý kiến: Từ thực tế phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nghệ An, theo ông Nguyễn Văn Lập để phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả cần phải dựa vào ưu thế nông nghiệp của tỉnh. Các giải pháp phải được triển khai đồng bộ. Xác định sản phẩm chủ lực và thị trường kèm theo, từ đó gắn liền với những giải pháp cụ thể. Cần nhanh chóng hoàn thiện đầu tư các Khu nông nghiệp công nghệ cao do doanh nghiệp chủ trì, đây chính là hạt nhân, đầu mối thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Lê Ngọc Thắng – Giám đốc kinh doanh công ty Greenfeed đề xuất: Vấn đề áp dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp thì điều quan trọng nhất là chính sách. Người nông dân đóng vai trò trọng tậm, về cơ bản dù các doanh nghiệp có lớn đến mấy thì lượng sản phẩm nông nghiệp trên thị trường đến nay vẫn là đến từ nông dân. Do đó, để phát triển liên kết nông nghiệp phát triển bền vững thì vai trò liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là quan trọng nhất. Đặc biệt, là có những chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp đầu tư và lĩnh vực nông nghiệp.
Đại diện công ty Dabaco Miền Trung ông Nguyễn Viết Anh – Giám đốc công ty nhấn mạnh: muốn ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thì các cơ quan chức năng, các cấp các ngành nên quan tâm đến công tác dạy nghề và đạo tạo cho nông dân theo hướng thiết thực và hiệu quả thực tế. Chuyển giao khoa học kỹ thuật về công nghệ cao trong sản xuất nông dân.
Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Xuân Định đánh giá cao quá trình tổ chức của Nghệ An. Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo ở 5 địa phương nhưng Nghệ An là đơn vị làm tốt nhất. Ông Nguyễn Xuân Định cũng gợi mở nhiều giải pháp để các nhà khoa học nông nghiệp của tỉnh nghiên cứu thêm để đề xuất các giải pháp thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả như: nông nghiệp công nghệ cao cần được định danh một cách cụ thể, có tiêu chuẩn phù hợp với địa phương, với người nông dân thì mới có thể xây dựng được chính sách phù hợp với thực tế. Để phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cần những giải pháp đồng bộ, điều chỉnh các chính sách pháp luật liên quan đến vay vốn ngân hàng như các chính sách về tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay, tài sản hình thành trên đất như nhà kính trên đất nông nghiệp... Hỗ trợ phí bảo lãnh cho các nhà đầu tư nông nghiệp, hỗ trợ, khuyến khích về giá để các hộ kinh doanh có lợi thế hơn về giá...
Đồng hành cùng với ngành nông nghiệp tỉnh, trong thời gian qua các cấp Hội Nông dân trong tỉnh triển khai thực hiện một số hoạt động thiết thực, có hiệu quả nhằm thúc đẩy nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, cụ thể như:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phổ biến, quán triệt cho cán bộ, hội viên, nông dân các chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của nhà nước về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp để mỗi người dân hiểu, nắm rõ, đồng thuận và hưởng ứng tích cực tham gia. 2. Vận động nông dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất; chuyển đổi ý thức từ sản xuất nhỏ lẻ cá nhân sang liên doanh, liên kết hợp tác trong sản xuất kinh doanh Trực tiếp tư vấn và hỗ trợ thành lập được trên 230 tổ hợp tác, 13 hợp tác xã nông nghiệp; thành lập 590 tổ hội nông dân nghề nghiệp và 33 chi hội nông dân nghề nghiệp.. 3. Tập trung chỉ đạo, phát động và hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững để phong trào ngày càng có chất lượng và có sức lan tỏa rộng rãi, thu hút được động đảo hộ nông dân tham gia đăng ký và phấn đấu đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, kết quả đến nay toàn tỉnh có 146.708 hộ đạt tiêu chí hộ nông dân SXKD giỏi các cấp. 4. Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành thu hút các nguồn lực để tổ chức mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, tập huấn chuyển giao KHKT cho hội viên nông dân; Bình quân hàng năm các cấp hội trong tỉnh phối hợp mở được trên 200 lớp dạy nghề; tổ chức 1.651 buổi tập huấn chuyển giao KHKT. 5. Chú trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nông dân được tiếp cận với các vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất nông nghiệp, như hỗ trợ vay vốn thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đến nay đã đầu tư xây dựng được 281 mô hình dự án, với 2.068 hộ hội viên nông dân vay vốn, với tổng số tiền là 78.061 triệu đồng.
|
Hiếu Thảo
Ý kiến bạn đọc