NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Vì sao hiện nay cam rụng quả nhiều và biện pháp hạn chế
Chủ nhật - 10/10/2021 22:311.1090
(Hội NDNA) - Năm nào cũng vậy từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm cam thường rụng quả. Còn rụng quả nhiều hay ít còn tùy thuộc vào thời tiết mưa nhiều hay ít. Ngoài nguyên nhân do thời tiết, còn có nguyên nhân về bệnh cây.
Khả năng thời gian từ nay đến hết tháng 11 sẽ có rất nhiều vườn cam rụng quả với mức độ rụng còn nhiều hơn hiện nay và nhiều hơn so với mùa cam năm 2020. Do cường độ mưa lớn, mưa kéo dài liên tục nhiều đợt, nhiều ngày đã gây ngập úng ở vùng sâu, dư thừa nước trên mặt đất ở vùng đất vàn cao và đẩy nguồn nước ngầm dưới lớp đất sâu dâng lên cao gây ngập úng toàn bộ rễ dưới gốc cây cam.
Thừa nước trên mặt đất, dư nước ở dưới gốc rễ cây gây ảnh hưởng đến hoạt động của bộ rễ cam, làm cản trở quá trình trao đổi dinh dưỡng, dưỡng khí và nước từ rễ lên thân, lá, hoa quả và ngược lại. Đây chính là nguyên nhân cam rụng quả nhiều trong mùa mưa, thậm chí có nơi, có lúc cam vừa rụng quả, vừa bị nứt nẻ từ ngoài vỏ vào trong ruột quả.
Ngoài nguyên nhân về thời tiết, cây cam rụng quả nhiều vào thời điểm này còn có một nguyên nhân nữa là do tuyến trùng, rệp sáp đất và nhện hại rễ, chúng là tác nhân chính gây ra bệnh vàng lá thối rễ cam. Vì chúng tạo ra các vết thương ở bộ rễ, làm giảm khả năng miễn dịch của rễ, từ đó tạo điều kiện cho tổ hợp nấm (Fusarium, Pythium, Phytophthora và Rhizoctonia) xâm nhập gây hại, làm cho cam rụng quả rất nhiều, có cây rụng hết quả, nếu có quả còn lại trên cây thì quả nhỏ lại, dòn dày vỏ, có quả dị dạng…
Để hạn chế hiện tượng cam rụng quả nhiều như hiện nay, người trồng cam nên thực hiện tốt các biện pháp sau đây:
Một: Không nên trồng cam ở vùng đất thấp trũng, khó tiêu nước khi có mưa to. Chọn vùng đất cao ráo để trồng là tốt nhất. Nếu trồng ở vùng đất thấp thì phải có hệ thống mương thoát nước chính bao quanh vườn cam và trong từng hàng cam có mương thoát nước nhỏ chảy ra hệ thống mương thoát nước chính để tiêu nước kịp thời khi có mưa, nhất là mưa lớn như những ngày vừa qua.
Hai: Hàng năm vào đầu mùa mưa nhớ bón vôi bột rải đều quanh gốc cam, bón vôi rộng ra theo tán cam để vừa tiêu diệt khuẩn, nấm và giảm chua đất. Bình quân mỗi gốc cam cần bón từ 1-2 kg vôi bột, bón nhiều hơn càng tốt.
Ba: Sau mỗi lần thu hoạch cam cần tiến hành cắt loại bỏ những cành cam già yếu, những cành vượt không hoặc ít ra quả và những cành bị sâu bệnh gây hại. Riêng những cây cam đã bị bệnh không có khả năng phục hồi thì nên chặt loại bỏ cây từ gốc rễ đến thân lá.
Bốn: Khi trồng cam vụ mới, nên chọn những giống cây cam khỏe mạnh và những cây cam giống được lấy mắt ghép từ những vườn cam sạch sâu bệnh để mua về trồng. Vì vậy khi mua cam giống về trồng nên đi đến mua tại vườn ươm giống để biết rõ lai lịch của cây giống, không nên mua cây cam giống bán trôi nổi ngoài thị trường tự do.
Năm: Để cây cam ít bị bệnh, sinh trưởng phát triển khỏe, quả nhiều, năng suất cao, tuổi thọ cây cam kéo dài thì trước khi trồng và sau mỗi lần thu hoạch quả cần bón thật nhiều phân chuồng hoai, phân xanh ủ với phân chuồng, lân, vôi và nếu ít phân chuồng thì bón thêm phân hữu cơ vi sinh.
Sáu: Cần chủ động phun thuốc phòng chồng bệnh vàng lá, thối rễ, rụng quả bằng các loại thuốc sau đây để diệt trừ tuyến trùng, rệp sáp đất và nhện hại quanh vùng rễ như: Comda 250EC, Sago Super 20EC, phun theo hướng dẫn có ghi ở ngoài bao bì, nhãn mác và nên phun định kỳ 2-3 lần/năm, tốt nhất phun vào mùa khô ráo trời ít mưa hoặc không có mưa.