Hoạt động công tác hội và phong trào nông dân có nhiều đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả
Năm 2021, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đẩy mạnh các phong trào với phương châm là nâng cao chất lượng và hiệu quả các phong trào thi đua.
Đồng chí Nguyễn Quang Tùng- TUV. Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khai mạc hội nghị
Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Hội Nông dân tỉnh đề xuất và được UBND tỉnh đồng ý ban hành tiêu chí hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.
Xây dựng, triển khai Chương trình “ 1 triệu cây xanh nông dân Nghệ An đời đời ơn Bác”; Chương trình “ Đồng hành cùng ngư dân bám biển”; Đề án “ Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn”; phát động phong trào nông dân sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp.
Vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Trong năm đã trực tiếp tư vấn, hỗ trợ thành lập 116 tổ hợp tác, 9 hợp tác xã, có 269 mô hình điểm về SX nông nghiệp được Hội hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng, trong đó Hội Nông dân tỉnh trực tiếp hỗ trợ xây dựng 26 mô hình. Nhiều huyện chủ động phối hợp tư vấn, hỗ trợ hội viên mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế quy mô tập trung, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, tập trung ruộng đất, thuê đất phát triển sản xuất.
Đồng chí Nguyễn Thị Hải – Phó Chủ tịch HND tỉnh đọc báo cáo tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2021
Ban Thường vụ HND tỉnh hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp hội nông dân tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả việc tuyên tuyền, vận động, phát động hội viên nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới bằng các hoạt động thiết thực như: Xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới; xây dựng “ Hàng cây nông dân ơn Bác”,“ Vườn cây nông dân ơn Bác”; các cơ sở hội xây dựng được 391 hàng cây với tổng chiều dài 113.168 m, tương đương 23.000 cây; Toàn tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng 339 “ Vườn chuẩn nông thôn mới” và 701 “ Vườn mẫu nông dân” theo hướng vườn chuẩn nông thôn mới; xây dựng, phát triển mô hình “ Ngân hàng bò” với 388 con; Các cấp hội trong tỉnh đã xây dựng được 555 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn; Hội nông dân các cơ sở tổ chức được 2834 buổi ra quân làm sạch môi trường với 239.347 hội viên nông dân tham gia; tổ chức hàng trăm cuộc ra quân thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng.
Triển khai hiệu quả các hoạt động của dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” tại hai huyện Thanh Chương và Hưng Nguyên theo kế hoạch của BQLDA Trung ương Hội ban hành. Xây dựng 2 mô hình “Hội Nông dân tham gia thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình hội viên, nông dân” năm 2021 tại xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên và xã Tân Phú huyện Tân Kỳ; xây dựng mô hình “ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong thâm canh bưởi xen ổi theo hướng ATSH” diện tích 6 ha tại xã Hạnh Lâm huyện Thanh Chương.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân. Năm 2021, phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, đến 15/11/2021 tăng thêm 9.563 triệu đồng (trong đó ngân sách tỉnh cấp 4.000 triệu đồng; ngân sách huyện cấp 3.400 triệu đồng; nguồn xây dựng từ cấp xã gửi về Quỹ HTND cấp huyện quản lý là 1.915 triệu đồng. Tổng số tiền Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh tính đến 15/11/2021 là 78.061 triệu đồng, đang đầu tư cho 2.068 hộ hội viên nông dân vay.
Công tác xây dựng tổ chức hội được củng cố và phát triển. Chất lượng tổ chức hội cơ sở, chất lượng sinh hoạt chi hội, chất lượng hội viên ngày càng gia tăng. Củng cố, nỗ lực duy trì đủ kỳ sinh hoạt chi hội trong điều kiện dịch bệnh, quan tâm công tác kết nạp hội viên mới. Năm 2021, toàn tỉnh kết nạp được 10.635 hội viên, (vượt chỉ tiêu TW hội giao). Đặc biệt, trong năm 2021, lần đầu tiên hội nghị biểu dương chi hội trưởng là giáo dân, nhân dịp Noen.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị
Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu dự Hội nghị cơ bản đồng tình, nhất trí cao và bổ sung một số nội dung nhiệm vụ công tác năm 2022 vào các báo cáo, đồng thời nêu một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.
Đồng hành cùng nông dân vượt qua khó khăn
Do ảnh hưởng của dịch covid 19, nhiều nông sản của nông dân không tiêu thụ được. Hội Nông dấn tỉnh chủ động tổ chức Chương trình “Kết nối tiêu thụ nông sản cùng nông dân vượt qua đại dịch”; chỉ đạo thành lập, duy trì 161 “Tổ kết nối tiêu thụ nông sản”, 109 “Tổ hỗ trợ nông vụ”, 48 điểm, 7 cửa hàng và 20 “Gian hàng kết nối tiêu thụ nông sản”. Kết quả hỗ trợ tiêu thụ nông sản được 3.065 tấn quýt PQ nghĩa Đàn, Quỳ Hợp; 17,5 tấn mận tam hoa Kỳ Sơn; 31 tấn hành tăm Nghi Lộc; 2.176,8 tấn rau củ quả các loại của các huyện trong tỉnh; 113 tấn cam Hà Giang; 39 tấn hành tím Sóc Trăng; tiêu thụ 5 tấn hoa quả các loại tỉnh Đắk lắk...
Nhiều mô hình, cách làm hay trong vận động hội viên giúp nhau thoát nghèo như: Xây dựng “Mô hình sinh kế giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững năm 2021” như: Mô hình: Nuôi dê sinh sản gắn với phát triển kinh tế vườn tại huyện Anh Sơn, Tân Kỳ..; tiếp tục phát huy đề án ngân hàng bò để giúp hội viên nghèo phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện Quỳnh lưu trong năm đã vận động được 129 triệu mua 11 con bò trao bò vào ngày thành lập Hội 14/10; phong trào “Viên gạch nông dân” hộ trợ xây dựng nhà cho hội viên nghèo tiếp tục được phát huy hiệu quả; phát động hội viên giúp hộ nghèo cải tạo, nâng cao hiệu quả kinh tế vườn tiếp tục được nhân rộng. Kết quả,năm 2021, các cấp hội đã vận động được 1.148,2 triệu đồng tiền mặt, ủng hộ vật tư, giống cây trồng, vật nuôi trị giá 961,4 triệu đồng và 6.074 ngày công, giúp 515 hộ hội viên nghèo vươn lên thoát nghèo.
Phối hợp các doanh nghiệp sản xuất phân bón triển khai cho nông dân vay 16.657 tấn phân bón trị giá 151 tỷ đồng theo hình thức trả chậm; phối hợp Tập đoàn DABACO triển khai chương trình cho nông dân vay gióng gà, thức ăn chăn nuôi theo hình thức trả chậm. Bước đầu đã cung ứng cho hội viên nông dân 42.000 con già giống và 65 tấn thức ăn chăn nuôi trị giá 1.332 triệu đồng.
Hỗ trợ hội viên nông dân tiếp cận với khoa học, công nghệ. Các cấp hội đã chủ động, tích cực hơn trong công tác tham mưu, phối hợp nhằm tăng cường hoạt động tập huấn trang bị kiến thức KHKT cho hội viên, nông dân. Toàn tỉnh phối hợp tổ chức 755 buổi tập huấn, cho 37.045 hội viên nông dân tham gia, tập trung trang bị kiến thức kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, phòng dịch gia súc, gia cầm, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Hỗ trợ hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều huyện, thành, thị tổ chức gian hàng trưng bày nông sản an toàn tại các lễ hội; tổ chức cho nông dân tham dự các hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hội chợ nông sản. Đề án “Tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nông dân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn” của UBND tỉnh do Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tham mưu xây dựng được triển khai thực hiện có hiệu quả. Năm 2021, tổ chức lễ phát động “ Nông dân Nghệ An sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn”; khai trương 5 gian hàng “ Nông sản an toàn” do Hội Nông dân hỗ trợ xây dựng; tổ chức kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản, xúc tiến tiêu thụ nông sản; tổ chức hội nghị tập huấn về thương mại điện tử và hỗ trợ đưa nông sản lên sàn giao dịch điện tử.
Tại hội nghị, Hội Nông dân tỉnh đã trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích suất xắc trong hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân năm 2021.
Nhân dịp này, Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh tổ chức chia tay các đồng chí Ban chấp hành nghỉ hưu theo chế độ và chuyển công tác mới.
Về đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ năm 2022, đồng chí Nguyễn Quang Tùng- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đề nghị lãnh đạo Hội Nông dân các huyện, thành, thị quan tâm, lưu ý triển khai tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau: Phải đặc biệt chú trọng và quan tâm đến công tác tuyên truyền, đây là yếu tố hàng đầu quyết định thành công của công tác hội và phong trào nông dân; chăm lo tổ chức cơ sở hội đặc biệt là chi hội; Triển khai đề án về môi trường trong đó có chương trình 1 triệu cây xanh do Hội Nông dân tỉnh đăng ký thực hiện, Đề án sản xuất phân vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp; Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi phải đi vào chiều sâu và thực chất, quan tâm đến hoạt độngtổ chức các hình thức học tập, tham quan trong các hộ sxkd giỏi; Hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân: hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ kiến thức cho nông dân tự tiêu thụ nông sản...