Nông dân Hoàng Mai xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với liên kết chuỗi giá trị

Thứ tư - 07/05/2025 23:40
(Hội NDNA) - Hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thời gian qua thị xã Hoàng Mai đã đẩy mạnh việc phát triển các mô hình liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp. Nhờ đó nhiều chuỗi liên kết đã được hình thành mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân và đơn vị trong chuỗi liên kết
Chúng tôi ghé thăm cơ sở chế biến rau củ sấy của anh Vũ Văn Giáp, thôn Liên Hải, xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai. Sinh ra và lớn lên tại vùng đất chuyên canh rau màu lớn nhất thị xã, nơi việc canh tác, sản xuất rau, củ, quả là thu nhập chính của bà con nông dân. Nắm được thế mạnh của địa phương, anh Giáp quyết tâm tìm hiểu để nâng cao giá trị nông sản tại đây. Trong quá trình làm việc, anh nhận thấy nếu chỉ tiêu thụ rau củ tươi thì vừa nhanh hỏng mà giá trị lại không cao. Vì vậy, từ niềm đam mê và khát khao làm giàu trên đồng đất quê hương, anh Giáp đã nghĩ ra hướng đi mới là chuyển sang chế biến rau củ sấy khô.
 
1 19
Cơ sở chế biến rau, củ, quả của anh Vũ Văn Giáp, xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai
Nghĩ là làm, anh Giáp miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu các biện pháp nâng cao chất lượng cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản. Đầu năm 2024, anh Giáp bắt đầu tìm hiểu về quy trình chế biến các loại rau củ sấy khô. Anh đã mạnh dạn vay mượn vốn để mua máy sấy, máy gọt vỏ, máy cắt sợi để chế biến. Để chủ động nguồn nguyên liệu, anh đã liên kết với một số hộ dân để cung cấp các sản phẩm rau củ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Anh nghiên cứu quy trình sản xuất, sơ chế, đóng gói, vận chuyển sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap. Từ đó tạo sự liên kết với người trồng cũng như tạo niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Đến nay, sản phẩm rau củ sấy khô của anh Giáp đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử được mọi người đón nhận. Sản phẩm cũng đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Chia sẻ về điều này, anh Giáp cho biết: Sản phẩm làm ra đã khó, việc tiêu thụ với số lượng lớn lại càng khó hơn. Vì vậy, tôi mong muốn địa phương sẽ có sự hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản thông qua sàn thương mại điện tử. Việc này không chỉ giúp nông dân có cơ hội tiếp cận được đông đảo người tiêu dùng, mở rộng thị trường, mà còn là chìa khóa để nâng cao giá trị, khẳng định chất lượng và sức cạnh tranh.

Để kịp thời hỗ trợ cho các hội viên nông dân trong sản xuất, Hội Nông dân xã Quỳnh Liên cũng đã triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, hội hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tập hợp các hộ sản xuất cùng lĩnh vực, hướng đến liên kết sản xuất. Ngoài ra, Hội Nông dân xã phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên đoàn kết tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống. Ông Nguyễn Văn Thuyết, cán bộ phụ trách nông nghiệp UBND xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai cho biết:“Cơ sở rau củ quả sấy khô bằng điện của anh Vũ Văn Giáp đã tiêu thụ lượng lớn tương đối rau củ quả cho bà con nông dân Quỳnh Liên, tạo công ăn việc làm, nâng cao giá trị của sản phẩm nhất là trong thời điểm thị trường hạn chế về tiêu thụ như hiện nay. UBND xã sẽ chỉ đạo, vận động và phát triển thêm một số cơ sở nữa để tiêu thụ sản phẩm rau củ cho bà con và đây cũng là cơ hội tạo việc làm cho lao động có công ăn việc làm và nâng cao giá trị sản phẩm hoa màu của Quỳnh Liên trong thời gian sắp tới.”
 
3 16
Sản phẩm mật ong của HXT Hoàng An, thị xã Hoàng Mai đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Là một trong những HTX tiêu biểu trên địa bàn thị xã thực hiện việc liên kết với người nông dân, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bình An, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai hiện nay đã có chỗ đứng vững trên thị trường tiêu dùng. Để các sản phẩm làm ra đạt chất lượng, hàng năm HTX đều bỏ vốn đầu tư cho dân trồng sau đó thu mua về chế biến. Được chiết xuất 100% từ củ nghệ vàng của vùng Hoàng Mai, quy trình sản xuất bằng máy móc công nghệ hiện đại, khép kín, đội ngũ công nhân lành nghề và có đầy đủ kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm được cơ quan Y tế kiểm nghiệm và đạt chất lượng cao, được cấp giấy chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm. Hội nông dân xã và Hội Nông dân thị xã đã tích cực hỗ trợ HTX trong quá trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mai điện tử. Đến nay đã có 04 sản phẩm của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bình An đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao bao gồm: Tinh bột sắn dây; Tinh bột sắn dây chanh leo; Viên nghệ ngào mật ong; Tinh bột nghệ  và 2 sản phẩm được UBND Tỉnh Nghệ An chứng nhận sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh là Tinh bột nghệ và viên nghệ mật ong. Các sản phẩm này đã có mặt ở hơn 40 tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là có mặt ở 2 siêu thị lớn tại nước Lào.

Đây chỉ là 02 trong số hàng trăm mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với liên kết chuỗi giá trị trên địa bàn thị xã Hoàng Mai. Năm 2024, sản xuất nông nghiệp của Hoàng Mai đạt được những kết quả đáng ghi nhận.Giá trị sản xuất ước đạt 2.592 tỷ đồng, bằng 101,4% KH, tăng 6,85% so với cùng kỳ. Thị xã Hoàng Mai chú trọng gắn sản xuất nông nghiệp theo hướng xây dựng các chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sạch theo mô hình VietGAP, nông nghiệp sử dụng công nghệ cao... Qua đó, góp phần thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị ngành, hàng.
 
2 15
Trong quá trình đó, Hội Nông dân thị xã luôn đồng hành cùng sự phát triển của các hội viên nông dân. Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được đông đảo hội viên tích cực hưởng ứng. Các cấp hội tổ chức vận động, động viên nông dân phát huy tính chủ động sáng tạo, tập trung khai thác tiềm năng lao động, đất đai, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gia đình góp phần làm cho đời sống nhân dân và bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình và cá nhân sản xuất kinh doanh giỏi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với đó, Hội nông dân thị xã cũng đã triển khai chương trình ký kết với Ngân hàng Chính sách xã hội thành lập, duy trì hoạt động 48 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ 124,899tỷ đồng cho 2.130 hộ vay; Hàng năm tổ chức 30 đến 35 lớp tập huấn cho từ 2.100 đến 2.400 hội viên nông dân tham gia. Phối hợp với các công ty, doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp, giúp nông dân có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Từ các hoạt động thiết thực trên đã giúp cho hội viên nông dân mạnh dạn mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 41 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao và 40 sản phẩm đạt 3 sao. Ngoài ra, nhiều sản phẩm thế mạnh khác đang được các doanh nghiệp, địa phương xây dựng phấn đấu đạt tiêu chuẩn.

Thanh Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản hội

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

lượt xem: 492 | lượt tải:133

Điều lệ Hội Nông dấn Việt Nam khóa VIII

lượt xem: 10414 | lượt tải:4127
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập111
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm108
  • Hôm nay29,183
  • Tháng hiện tại220,558
  • Tổng lượt truy cập19,708,691
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây