NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Người con đất Bản
Thứ hai - 05/10/2020 05:161.6030
(Hội NDNA) - Gia đình Ông Vừ Tồng Pó, ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn được rất nhiều người trong vùng biết đến bởi sự năng động, sáng tạo và tháo vát trong phát triển kinh tế. Trên diện tích vườn nhà rộng khoảng 1000m2, ông đã bố trí xây dựng chuồng trại kiên cố và luôn duy trì từ 1.000 đến 1.200 con gà đen bản địa. Thu nhập 300 – 350 triệu đồng/năm.
Gia đình ông Vừ Tồng Pó có truyền thống nuôi gà từ lâu đời, nhưng mới chỉ mang tính lẽ tẻ để cải thiện cuộc sống. Từ ngày được các cấp hội Nông dân hỗ trợ 350 con gà đen giống bản địa để xây dựng mô hình Chi - Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi gà đen Mường Lống, vợ chồng ông Vừ Tồng Pó rất phấn khởi. Các thành viên trong gia đình ông đều chăm chút cho đàn gà với nhiều kỳ vọng trong tương lai.
Được lựa chọn là một trong những hộ đầu tiên được hưởng lợi khi tham gia Tổ hội Nông dân chăn nuôi gà đen tại Chi hội Mường Lống 1, ông Vừ Tồng Pó chia sẻ: Việc chăn nuôi gà thả vườn người Mông hầu như nhà nào cũng có, nhưng chủ yếu nuôi vài con đến vài chục con để cải thiện cuộc sống, còn nuôi quy mô lớn mang tính hàng hóa, nhóm hộ gia đình, tổ nghề nghiệp thì trước đây chưa ai nghĩ đến.
Tổ Hội nông dân chăn nuôi gà đen Mường Lống với 03 hộ tham gia; hiện nay đã phát triển thành Chi hội chăn nuôi gà đen Mường Lống với 15 hộ và 32 thành viên tham gia, quy mô đàn phát triển 7.000 - 10.000 con, định hướng sẽ phát triển thành lập Hợp tác xã gà đen. Gắn phát triển gà đen như một đặc sản của Kỳ Sơn, vừa là văn hóa ẩm thực, gắn với xây dựng điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại xã Mường Lống huyện Kỳ Sơn.
Sau khi được Hội Nông dân cấp tỉnh, cấp huyện và xã Mường Lống định hướng, chỉ đạo và đi đến thành lập Tổ hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gà đen cho các hộ tham gia, nhất là định hướng hoạt động thì gia đình ông đã nhận được lợi ích rất lớn.
Ông Pó nhấn mạnh, trước đây khi chăn nuôi gà ông thường đi mua thuốc, mua thức ăn, hoặc tổ chức phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi đều làm theo kiểu riêng lẻ và theo thói quen, làm vào các thời gian khác nhau nên hiệu quả không cao, lại dẫn đến tốn kém chi phí ngày công. Thế nhưng, từ khi được tham gia vào tổ, các hộ đã biết liên kết với nhau cùng thống nhất cách làm giữa các hộ trong tổ. Chỉ cần một người đi mua thuốc, mua thức ăn chăn nuôi gà tại một cơ sở thì giá cả sẽ rẻ hơn, đỡ tốn ngày công; cùng một lúc phòng trừ dịch bệnh thì hiệu quả sẽ cao hơn.
“Đặc biệt là khi tham gia Tổ hội Nông dân nghề nghiệp thì quy mô sản xuất sẽ được mở rộng, năng suất, giá trị sản phẩm sẽ được nâng cao; thị trường rộng mở. Như hiện nay Tổ hội Nông dân chăn nuôi gà đen của chúng tôi nếu đến thời điểm bán gà, kể cả hàng trăm, hàng nghìn con gà đen cũng tiêu thụ hết trong một tuần. Nhiều cá nhân, tổ chức, cơ sở kinh doanh đến tận vườn chuồng trang trại để mua gà đen, không đủ gà để bán cho thị trường. Với cách làm này, nông dân chúng tôi chẳng mấy chốc thoát nghèo.” - ông Pó cho biết.
Gia đình ông Vừ Tồng Pó bắt đầu xây dựng mô hình từ năm 2016, với quy mô đàn khoảng 100 con gà đen địa phương, đến nay quy mô đàn gà khoảng 1.200 con. Nhờ áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật do Hội ND tổ chức nên đàn gà của ông phát triển, ít xảy ra dịch bệnh, bình quân gia đình ông thu nhập từ đàn gà khoảng 300 - 350 triệu đồng/năm. Ngoài ra gia đình ông còn vỗ béo trâu, bò; trồng mận tam hoa, hoa đào.
Đây là mô hình triển vọng để nông dân huyện Kỳ Sơn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới.