Chủ động chống hạn, bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt lúa xuân

Thứ năm - 11/04/2024 04:13
(Hội NDNA) - Năm nào cũng vậy cứ vào tiết thanh minh, ít nhiều đều gặp thời tiết không thuận lợi, gió mùa đông bắc về kéo theo không khí lạnh, gây mưa nhỏ, trời âm u, nhiệt độ không khí xuống thấp gây ảnh hưởng nhiều ở thời kỳ lúa trổ, làm giảm năng suất lúa. Như năm nay, bắt đầu từ ngày 8/4 không khí lạnh đã tràn về gây gió to, mưa nhỏ và nhiệt độ không khí từ 37 – 390C những ngày trước đó, xuống còn 20 – 270C. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt có cơ hội phát sinh, phát triển mạnh ở thời kỳ cây lúa làm đòng, trổ bông, chín sữa.
Như vậy, từ nay đến khi lúa xuân trổ bông, chín sữa có 2 việc cần chủ động có biện pháp chỉ đạo thực hiện tốt, đó là:
 
benh dao on co bong gay hai tren cay lua xuan
Bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên cây lúa xuân
Thứ nhất:  Không để lúa thiếu nước từ khi trổ đến chín sữa. Như chúng ta đã biết, từ đầu năm lại nay trời chỉ có mưa phùn, sương mù và sau đó là nắng nóng đến sớm, kéo dài nhiều ngày. Vì vậy, nguồn nước ở 1.061 hồ đập thuỷ lợi lớn nhỏ và nhiều hồ đập thuỷ điện mực nước đã xuống thấp hơn TBNN từ 30 – 40%; nước sông Lam cũng chưa bao giờ cạn như bây giờ, khiến các trạm bơm dọc hai bên bờ sông phải ngừng hoạt động, nhất là các trạm bơm ở huyện Thanh Chương phải vất vả để nạo vét luồng lạch, nối dài ống hút mới có nước để bơm. Tại cống bara Nam Đàn, nước sông Lam chảy qua cống để đưa nước về tưới cho 19.000 ha lúa ở các huyện: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Vinh, Thị xã Cửa Lò hiện nay chỉ ở mức 0,25 – 0,30 m/1,15 m so với thiết kế. Vì vậy, dự báo ít nhất có khoảng 6.000 – 8.000 ha lúa có thể thiếu nước tưới vào giai đoạn lúa trổ bông, chín sữa. Trong đó, tập trung chủ yếu ở những vùng cuối kênh của các trạm bơm, các hồ đập nhỏ…

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiếu nước tưới vào giai đoạn lúa trổ bông, đề nghị các Công ty, Xí nghiệp thuỷ lợi cùng với các cơ sở sản xuất và bà con nông dân tìm mọi biện pháp để khắc phục, như: chỉ cần sử dụng nước tưới vừa đủ ẩm để tiết kiệm nước. Thực hiện chế độ tưới nước luân phiên ở tất cả các vùng. Trong đó, ưu tiên vùng cao, vùng xa, vùng cuối kênh tưới trước; vùng thấp, vùng gần tưới sau; lắp đặt thêm nhiều trạm bơm dã chiến, máy bơm dầu, sử dụng các phương tiện có thể giúp chống được hạn, như: gàu, guồng, máy bơm xách tay… để tận dụng hết nguồn nước từ trong ao, hồ, đầm đìa, kênh mương, sông cụt… tưới cho lúa.
 
benh lem lep hat gay hai thoi ky lua tro bong
Bệnh lem lép hạt gây hại thời kỳ lúa trổ bông
Thứ hai: Diễn biến thời tiết vừa qua như đã nói trên, rất có khả năng xuất hiện bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt trên bông lúa. Nếu chúng ta chủ quan, không có biện pháp, phòng chống kịp thời thì ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng lúa gạo.

Đối với bệnh đạo ôn cổ bông: Theo Chi cục trồng trọt và BVTV Nghệ An cho biết, trên đồng ruộng vừa qua đã có gần 2000 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá xuất hiện ở nhiều địa phương chưa được tổ chức phòng trừ triệt để. Chính đây là cái nền có sẵn để nấm bệnh đạo ôn tiếp tục tồn tại, phát sinh, phát triển vào thời kỳ lúa trổ gây ra bệnh đạo ôn cổ bông ở cây lúa.Bài học nhớ mãi, đó là vụ lúa xuân 2017, thời kỳ lúa trổ bông mưa nắng đan xen, cộng them vết bệnh đạo ôn có sẵn tồn dư trên lá lúa không được phòng trừ tiêu diệt hết.Vì vậy vụ lú xuân năm đó có 12.000 – 13.000 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn phá hoại nặng, làm giảm năng suất lúa nghiêm trọng.Vì vậy, vụ lúa xuân năm nay không thể chủ quan, xem nhẹ công tác phòng chống bệnh đạo ôn ngay từ bây giờ.Theo ông Hoàng Đức Ân – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hưng Nguyên cho biết, vụ xuân năm nay toàn huyện gieo cấy được 5.100 ha lúa.

Tuy được chăm sóc, bảo vệ tốt nhưng vẫn có hơn 300 ha lúa bị bệnh đạo ôn lá gây hại. Hiện nay lúa đã bắt đầu trổ bông, do thời tiết những ngày vừa qua có mưa nhỏ rải rác, xen lẫn nắng, ẩm độ không khí cao, chắc chắn không thể tránh khỏi bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên cây lúa. Vì vậy, UBND huyện đã báo cho các xã, HTXNN biết để chủ động phun thuốcphòng chống sớm trước khi có vết bệnh xuất hiện. Kinh nghiệm phòng chống bệnh đạo ôn cổ bông tốt nhất, hiệu quả nhất, đó là: Thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm, sử dụng thuốc đặc hiệu phun trừ ngay. Riêng trên diện tích lúa vừa qua đã bị bệnh đạo ôn lá thì nhất thiết phải phun thuốc phòng trước khi lúa trổ. Loại thuốc nên sử dụng để phun phòng chống bệnh đạo ôn là: Beam 75WP, Kabim 30WP, Filia 37EC, phun theo hướng dẫn ghi ở bao bì và chỉ mua thuốc ở các đại lý của các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thành, thị.

Đối với bệnh lem lép hạt: Loại bệnh này do nấm hoặc vi khuẩn gây ra ở thời kỳ lúa trổ bông đến chín sữa và thường xẩy ra vào những ngày trời có mưa phùn, mưa nhỏ, mưa kéo dài, ẩm độ không khí cao, sương mù nhiều. Ở nơi nào lúa bị nhiễm loại bệnh này ta sẽ thấy vỏ trấu và hạt gạo biến màu, những hạt lúa bị bệnh sẽ bị lép lửng, làm giảm cả năng suất và chất lượng lúa gạo.Biện pháp phòng chống bệnh lem lép hạt tốt nhất chỉ nên sử dụng các loại thuốc trừ bệnh phổ rộng để phun phòng là chính.Nếu khi đã thấy bệnh xuất hiện rồi, thì phun nhiều cũng không có hiệu quả. Loại thuốc sử dụng để phun nên dùng thuốc trừ nấm kết hợp diệt vi khuẩn, như: Azoxystrobin + Difenocona zole, Difenocona zole + Tricycla zole, Propicona zole… Phun theo hướng dẫn có ghi ở ngoài bao bì và nên phun hai lần vào thời kỳ lúa bắt đầu trổ và trổ được khoảng 10 – 15%.

Doãn Trí Tuệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay5,132
  • Tháng hiện tại358,824
  • Tổng lượt truy cập8,193,256
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây