NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cây mét mở hướng thoát nghèo cho người dân vùng cao
Thứ ba - 28/12/2021 02:131.0860
(Hội NDNA) - Từ nhiều năm nay cây mét đã gắn bó và trở thành cây thoát nghèo của đồng bào các dân tộc huyện miền núi Con Cuông, từng bước xây dựng cuộc sống ấm no và vươn lên làm giàu.
Gia đình chị Lô Thị Nhung ở bản Khe Rạn xã Bồng Khê có hơn 3ha đất đồi và hốc chõ trước đây trồng keo. Năm 2005, khi cây mét được giá, gia đình chị đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng mét. Theo chị Nhung, trồng mét không khó, chỉ cần chăm chỉ thì ngày nào cũng có thu nhập. Trồng một lần nhưng cho thu hoạch 30 - 40 năm. Nhờ cây mét mà gia đình đã có đồng tiền để trang trải cuộc sống, nuôi con cái ăn học, nhiều vật dụng đắt tiền cũng được mua sắm nhờ tiền thu nhập từ cây mét mà có.
Cũng từ vùng đất đồi núi, gia đình ông Nguyễn Đình Tâm ở thôn 2 - 9 xã Châu Khê, đã cải tạo trồng 2ha mét. Sau 5 - 6 năm trồng, mét của gia đình đã cho thu hoạch. Hiện nay giá mét bán tại vườn cây to 25 nghìn/cây, cây nhỏ từ 15 - 20 nghìn đồng/cây. Mỗi năm gia đình ông Tâm thu nhập 20 - 25 triệu đồng/ha/năm. Cái hay của cây mét là có thu nhập quanh năm, vừa thu hoạch măng mét và cây mét. Nhờ từ tiền bán cây mét mà gia đình có tích luỹ để mua các vật dung đắt tiền trong gia đình. Từ một trong những hộ khó khăn, nay nhờ trồng mét mà gia đình ông Tâm đã trở thành một trong những hộ khá giả của thôn.
Ông Nguyễn Đình Tâm-Thôn 2 - 9 xã Châu Khê - Con Cuông chia sẻ: “Cây mét cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với cây lúa, cây sắn cũng như các loại cây lấy gỗ như keo. Riêng gia đình tôi trồng 2 ha mét, do chăm sóc và khai thác đúng với quy trình nên mét cho thu hoạch quanh năm khoảng 4 - 6 ngày khai thác từ 300 - 400 cây mét. Đầu ra được các thương lái trực tiếp thu mua đem về xuôi bán nên người dân rất yên tâm”.
Bén duyên trên vùng đất đồi xã Châu Khê bắt đầu từ những năm 1997 và phát triển mạnh từ năm 2005, đến nay cây mét đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của bà con nông dân, giúp không ít hộ thoát khỏi cảnh đói nghèo và vươn lên làm giàu. Có thể khẳng định, cây mét giờ đây đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế đồi rừng ở một số thôn, bản của xã Châu Khê. Các thôn, bản có diện tích mét nhiều như: thôn 2/9, thôn Bãi Gạo, Khe Bu.
Ông Kha Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Châu Khê - Con Cuông cho biết: “Hiệu quả kinh tế từ cây mét có thể gấp 3 - 4 lần keo nguyên liệu. Chu kỳ phát triển của cây keo nguyên liệu phải mất 7 năm. Nếu đất tốt, có thể cho sản lượng 90 tấn/ha, tương đương với 60 triệu đồng/7 năm, trừ các chi phí đầu tư, lợi nhuận chỉ còn trên dưới 30 triệu đồng. Trong khi đó, từ năm thứ 6, mỗi năm, cây mét có thể cho nguồn thu trên dưới 20 triệu đồng/ha, lợi nhuận có thể đạt trên dưới 10 triệu đồng/ha/năm…".
Cây mét đã có mặt trên các cánh rừng của huyện miền núi Con Cuông từ rất lâu đời. Nhưng trước đây cũng chỉ được trồng manh mún nhỏ lẻ ở trong vườn của các hộ dân. Với chi phí đầu tư thấp, thích nghi rộng, ít sâu bệnh, tạo ra nguồn thu thường xuyên, ổn định. Chính vì vậy 10 năm trở lại đây, cây mét đã được người dân tộc Thái chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng mét, diện tích mét trên địa bàn huyện không ngừng tăng lên. Đến nay toàn huyện có gần 155 nghìn ha đất rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó có khoảng 3.000ha mét, chủ yếu tập trung ở các xã Lạng Khê, Bồng Khê, Chi Khê, Châu Khê, Đôn Phục… Cây mét nơi đây được trồng từ những năm 1980 và phát triển mạnh từ năm 2000. Do đầu ra tương đối ổn định nên diện tích mét không ngừng tăng lên.
Ông Lô Văn Lý - Trưởng phòng NNPTNT huyện Con Cuông cho biết: “UBND huyện Con Cuông có nhiều chính sách khuyến khích mở rộng diện tích mét. Xác định mét là cây thoát nghèo, giá cả có dao động nhưng sẽ ổn định vì có giá trị thiết thực trong đời sống nên huyện chủ trương giữ diện tích mét hiện có”.
Với đặc điểm dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong những năm qua, cây mét đã thật sự trở thành cây xóa đói, giảm nghèo ở huyện miền núi Con Cuông.