Không nên ăn vỏ hồng. Nếu ăn cả vỏ dễ hình thành sỏi trong dạ dày. |
Cứ vào độ tháng 9-10, nhắc đến những trái cây của mùa thu người ta lại không thể quên cái vị thơm ngọt, giòn giòn của trái hồng. Để làm chóng chín, hồng mòng thường được đem rấm. Cách rấm có thể dùng ánh sáng, khí nóng, trấu, cồn, thán khí hay êtilen để ép chín. Một cách khác là đem ngâm nước tro để trái hồng biến chất, mất vị chát. Loại hồng này gọi là hồng ngâm. Quả hồng có thể ăn tươi hay phơi khô. Hồng khô cần hai đến ba tuần phơi ngoài trời rồi sấy thêm trước khi thành phẩm. Tại Hàn Quốc, hồng khô được dùng cất rượu, làm giấm.
Theo Đông y quả hồng có vị ngọt, chát, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt khứ táo, nhuận phế tiêu đờm, nhuyễn kiên, chỉ khát sinh tân, kiện tì, trị lị, chỉ huyết… giúp giảm táo bón, đau nhức do bệnh trĩ hoặc các chứng bệnh như là xuất huyết, ho khan, đau họng, chứng huyết áp cao.
Quả hồng một trong các loại trái cây ít calo, chứa nhiều dưỡng chất như canxi và vitamin, trong đó có vitamin A và C có nhiều lợi ích cho sức khỏe được biểu hiện như: Ngăn ngừa ung thư bởi trái hồng chứa nhiều chất chống oxy hóa trong đó chứa chất chống ung thư giúp tăng cường khả năng chống lại các gốc tự do của cơ thể và bảo vệ cơ thể khỏi nhiều bệnh tật.
Trái hồng có hàm lượng vitamin A và vitamin C cao cũng như các hợp chất phenolic có thể ngăn ngừa các loại ung thư khác nhau. Song hàm lượng beta caroten cao, các hợp chất như sibutol và axit betulinic được nghiên cứu có tác dụng kháng ung thư. Song còn tăng cường khả năng miễn dịch vì nó chứa vitamin C. Trái cây này được biết là có lượng vitamin C cao, đáp ứng tới khoảng 80% nhu cầu hàng ngày. Vitamin C hỗ trợ kích thích hệ thống miễn dịch và tăng sản xuất bạch cầu. Các tế bào máu trắng rất cần thiết để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh nhiễm trùng và các yếu tố có hại từ bên ngoài.
Do đó, có thể ăn hồng thường xuyên để phòng ngừa và điều trị một số bệnh thông thường như cảm lạnh, cảm cúm, nhiễm trùng phổi, hen suyễn... Nó còn giúp giảm cân và nhờ có chất chống oxy hóa, nên chống lão hóa, hỗ trợ sức khỏe mắt vì giàu vitamin A, làm giảm mức cholesterol, giảm viêm, giảm huyết áp, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, giữ gan khỏe mạnh do đó giải độc gan. Làm đẹp da và tóc, chữa nấc, trị chứng tiêu chảy, trị viêm đường tiết niệu, xuất huyết đường niệu...
Tuy quả hồng là loại quả ưa thích của khá nhiều người vì nó có vị ngọt, dễ ăn, nhưng khi ăn chúng, cần lưu ý những điều cấm kỵ sau đây:
Không nên ăn lúc đói: Do quả hồng chứa khá nhiều tanin và pectin, nếu ăn lúc đói chúng sẽ kết tụ dưới tác dụng của axit dạ dày. Nếu những khối kết tụ này không xuống được ruột non thông qua môn vị, sẽ lưu lại trong dạ dày và hình thành sỏi trong đó. Nếu sỏi này không được đào thải ra ngoài theo đường tự nhiên, sẽ gây tắc nghẽn đường tiêu hóa, xuất hiện các triệu chứng như đau quặn bụng trên, nôn mửa, thậm chí nôn ra máu…
Không ăn vỏ hồng: Phần lớn tanin trong quả hồng đều tập trung ở phần vỏ, khi khử vị chát của hồng, không thể khử sạch toàn bộ tanin trong đó. Vì vậy, không nên ăn vỏ hồng. Nếu ăn cả vỏ dễ hình thành sỏi trong dạ dày.
Không ăn hồng cùng lúc với món ăn có cua: Trong Đông y, cua và hồng đều thuộc thực phẩm tính hàn, vì thế không thể ăn cùng nhau. Còn theo góc độ y học hiện đại, cua, cá, tôm giàu protein dưới tác dụng của tanin có trong hồng rất dễ dẫn đến kết tủa, hình thành sỏi trong dạ dày.
Người bị tiểu đường, tiêu chảy, bệnh dạ dày nên tránh ăn hồng, vì trong quả hồng chứa 10,8% carbohydrate, hơn nữa hầu hết là disaccharides và monosacarit đơn giản, do đó sau khi ăn rất dễ bị hấp thụ, khiến đường huyết tăng lên. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là những người kém kiểm soát đường huyết là vô cùng có hại.
Đặc biệt, những người bị tiêu chảy, cơ thể suy nhược, phụ nữ sau sinh và những người bị cảm lạnh không nên ăn; những người có chức năng dạ dày kém, viêm dạ dày mãn tính, khó tiêu, những người bị cắt dạ dày cũng không được ăn.
Không ăn hồng cùng lúc với thịt ngỗng: Bởi thịt ngỗng giàu chất đạm, protein chất lượng cao. Protein khi gặp tanin trong quả hồng, dễ ngưng tụ thành protein acid tannic, tích tụ trong dạ dày, trường hợp nặng có thể gây tử vong.
Không ăn hồng khi uống rượu: Hồng tính hàn, còn rượu vị cay hơi đắng, tính nóng có độc. Các loại rượu khi vào dạ dày sẽ kích thích bài tiết đường ruột, tanin trong quả hồng đi vào dạ dày sẽ tạo thành một chất sền sệt, dính nhầy, dễ kết hợp với cellulose tạo thành cục máu đông, vừa khó tiêu hóa vừa không thải ra ngoài, lâu dần sẽ gây tắc ruột.
BS. Hoàng Xuân Đại
Nguồn tin: cualo.vn
Ý kiến bạn đọc