Bà con nông dân cần biết khi sử dụng phân bón cho cây trồng
(Hội NDNA) - Trong sản xuất nông nghiệp (SXNN) bà con nông dân quen với cái loại phân đạm, lân, kali và đây là 3 loại phân hóa học hay còn gọi là phân khoáng hay phân vô cơ được dùng trong SXNN… Để sử dụng, phân bón có hiệu quả, bà con nông dân cần biết và nắm vững những nội dung sau đây.
Tác dụng của đạm, lân, kali và lưu ý khi sử dụng:
- Đạm: chỉ có tác dụng phát triển thân, lá. Vì vây chủ yếu dùng để bón thúc đậm cho cây lúa sau khi gieo cấy, bón thúc cho cây ăn quả sau mùa thu hoạch để cây tái đâm chồi nẩy lộc, bón thúc cho cây chè công nghiệp và một số cây khác sau mỗi lần thu hái đọt v.v…
Nhưng, nếu sử dụng bón quá nhiều, bón mất cân đối, nhất là cây lúa thì lá lúa sẽ có màu xanh đậm, bản lá to, lá dài ra, lá rất mỏng. Nếu gặp thời tiết âm u hoặc mưa kéo dài là cơ hội để bệnh đạo ôn gây cháy lá lúa tràn lan trên đồng ruộng. Trường hợp này thường xảy ra nhiều trong vụ xuân. Nếu bón đạm cho cây lúa khi đất khô hạn thiếu nước thì lúa sẽ chết ngay; nếu là cây trồng cạn như: cam, chanh, chè, mít, sắn, ngô… thì phải bón xa gốc, bón xong phải trộn đều đất và phân rồi lấp vùi phân lại và tưới nước vào. Nếu không làm đúng như vậy, rễ cây khi tiếp xúc với đạm dễ bị ngộ độc, rễ thối, lá và đọt cây bị chết héo khô dần. Trường hợp gặp trời rét, nhiệt độ dưới 180C thì không bón đạm, nếu bón cây sẽ héo và chết dần sau đó.
- Lân: Lân có tác dụng làm cho cây ra hoa, quả nhiều và sớm. Làm quả to và béo, làm tăng chất lượng quả ngon hơn. Lân là loại phân hòa tan chậm. Vì vậy phải bón lót cho tất cả các loại cây trồng trước khi gieo trồng. Bón thiếu lân thì năng suất cây trồng giảm, bón nhiều lân không gây tác hại cho cây trồng.
- Kali: Có tác dụng rất lớn đối với tất cả các loại cây trồng. Cây trồng được bón đủ và nhiều Kali sẽ giúp cây sinh trưởng phát triển khỏe, thân cây cứng, chống đổ tốt; ít sâu bệnh, chất lượng sản phẩm ngon hơn, tốt hơn. Khoai lang bón Kali củ ăn rất ngon và thơm; cam, chanh, chuối, mít… bón Kali ăn ngon, ngọt, thơm, vị đậm. Thuốc lá bón Kali tàn thuốc trắng, thuốc hút thơm.
Riêng cây lúa bón đủ Kali thân cây cứng, rất ít bị đổ, ít bị sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá. Kali bón cho cây lúa vào các thời kỳ: Bón thúc khi lúa đẻ nhánh, bón thúc khi lúa làm đòng. Trong đó đợt bón thúc trước khi lúa làm đòng 2 - 3 ngày cực kỳ quan trọng. Lần bón này giúp cây lúa trong giai đoạn phân hóa đông sẽ tạo điều kiện làm cho bông lúa dài thêm, số dẻ trên bông nhiều hơn, số hoa lúa trên mỗi bông tăng thêm và đặc biệt sẽ làm tăng tỉ lệ hạt chắc trên bông lúa. Nếu thiếu Kali thì trên mỗi bông lúa tỉ lệ lép sẽ cao lên và cuối mỗi bông lúa khi trổ ta sẽ thấy hiện tượng thoái hóa đầu bông.
Vì vậy, để có năng suất cây trồng cao phải bón phân cân đối.
Hiểu thế nào là bón phân cân đối:
Bón phân cân đối là bón phân dảm bảo có tỉ lệ đạm nguyên chất (N), lân nguyên chất (P2O5), Kali nguyên chất (K2O) tương đương nhau hoặc bằng nhau. Tùy theo nhu cầu của từng loại cây trồng khác nhau. Bà con nông dân nhớ rằng: Trong 1 kg đạm Urê chỉ có 46% đạm nguyên chất, 1 kg lân có 16% lân nguyên chất và trong 1 kg Clorua Kali (Kali màu vàng) có 60% nguyên chất. Như vậy muốn bón 1 kg đạm nguyên chất phải bón 2,17 kg Urê, muốn bón 1 kg lân nguyên chất phải bón 6,25 kg supe lân và muốn bón 1 kg Kali nguyên chất phải bón 1,6 kg Clorua Kali.
Phần lớn các loại cây trồng nhu cầu về phân bón: đạm, lân và Kali gần bằng nhau, có nghĩa là ti lệ phân bón nguyên chất thông thường là 1 kg N + 1 kg P2O5 + 1 kg K2O.
Riêng cây lúa qua nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy: tỉ lệ phân bón đạm, lân, Kali tốt nhất là 1 kg N + 0,7 - 0,8 kg P2O5 + 0,9 - 1 kg K2O. Với tỉ lệ này, khi ta bón 1 kg đạm Urê phải bón 2,9 kg supe lân và 0,7 kg Clorua Kali là tốt nhất, hợp lý nhất.
Đối với cây lúa, nếu bón phân cân đối như tỉ lệ nói trên thì cây lúa từ sau khi gieo cấy đến khi thu hoạch trên lá lúa luôn luôn có màu xanh - vàng - sáng (xanh là màu của đạm, vàng là màu của lân và sáng là màu của Kali). Nếu bón phân mất cân đối, bón nặng đạm, ít lân và thiếu Kali màu lá xanh đậm, sâu bệnh nhiều và lá lúa tàn lụi nhanh, trước khi bông lúa chưa chín hết.
Bón phân cân đối như nói ở trên, khi thu hoạch được bao nhiêu kg lúa ta sẽ thu hoạch được bấy nhiêu kg rơm, rạ, rễ, thân lúa (có nghĩa la thu hoạch được bao nhiêu lúa thì được bấy nhiêu rơm rạ).
Nên sử dụng dạng phân bón nào tốt nhất:
Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng bón phân mất cân đối gây ra hậu quả không mong muốn như: sâu bệnh, tỉ lệ lép cao, lúa đổ… là do bà con nông dân bón phân đơn (bón riêng rễ từng loại đạm, lân, kali) một cách tùy tiện, do không nắm vững ti lệ phân nguyên chất của từng loại và cách tính tỉ lệ bón phân cân đối.
Vì vậy, tốt nhất nên sử dụng dạng phân bón hỗn hợp NPK. Nhưng phân bón hỗn hợp NPK có nhiều loại, có nhiều doanh nghiệp sản xuất khác nhau và chất lượng cũng khác nhau, thậm chí chất lượng quá kém không khác gì phân bón giả.
Trong nhiều dạng phân bón hỗn hợp NPK hiện nay, theo chúng tôi bà con nông dân nên sử dụng loại phân bón NPK 16-16-8 và NPK 15-5-20 cho cây lúa, ngô, mía… NPK 3-9-6 cho cây lạc, đậu đỗ và NPK 13-13-13 cho cam, quýt, bưởi, dứa…
Vì sao nên sử dụng dạng phân NPK thay cho việc bón phân đơn như đã nói ở trên và điều quan trọng nữa là phân NPK khi sản xuất người ta đã tính toán tỉ lệ đạm, lân, Kali là bao nhiêu, bón cho loại cây gì là phù hợp.
Qua nhiều kết quả nghiên cứu và trong thực tế sản xuất trên đồng ruộng cho thấy đối với nhiều loại cây và nhất là cây lúa chỉ nên dùng loại phân NPK 16-16-8 để bón lót và NPK 15-5-20 để bón thúc. Vì sao vậy ? Nếu cộng tỉ lệ đạm (N), lân (P2O5) và Kali (K2O) của 2 loại NPK 16-16-8 và NPK loại 15-5-20 ta sẽ tổng số 31N, 21 P2O5 và 28 K2O và sẽ có tỉ lệ đạm, lân và Kali là 1-0,7-0,9. Đây là một tỉ lệ phân bón rất tốt cho cây lúa để đạt được năng suất cao nhất, ít sâu bệnh nhất. Mặt khác, nếu bà con nông dân bón 2 loại phân bón NPK 16-16-8 và NPK 15-5-20 sẽ giảm được trọng lượng khi vận chuyển. Vì 1 kg NPK loại 16-16-8 có giá trị hàm lượng dinh dưỡng gấp 2 lần 1 kg NPK loại 8-10-3 đang dùng phổ biến hiện nay và về kinh tế số tiền bỏ ra để mua 1 kg NPK loại 6-16-8 ít hơn số tiền bỏ ra để mua 2 kg NPK loại 8-10-3 là 1.400 - 1.500 đồng.