Nông nghiệp Việt Nam cần những bài học từ Israel

Chủ nhật - 26/04/2020 21:47
Với dân số khoảng 8,5 triệu người và diện tích phần lớn là sa mạc khô hạn, nhưng lâu nay Israel được cả thế giới biết đến là một quốc gia rất phát triển đặc biệt là về nông nghiệp công nghệ cao.
 
Dù điều kiện tự nhiên rất khó khăn nhưng nông nghiệp Isarel rất phát triển 
 

Hiện, Việt Nam đang là đối tác lớn nhất và là quốc gia đứng đầu có số lượng sinh viên tham gia chương trình thực tập sinh nông nghiệp tại Israel, với hơn 700 sinh viên tham gia mỗi năm, học viên về nông nghiệp chiếm 50%. Các sản phẩm về nông nghiệp Việt Nam xuất sang Israel bao gồm cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy hải sản với giá trị xuất khẩu đạt trên 670 triệu USD, và nhập khẩu của Việt Nam từ Israel chủ yếu các lại máy móc, công nghệ và các loại hạt giống giá trị khoảng 215 triệu USD.
Ở Israel, nông nghiệp là lĩnh vực mà 95% là khoa học và chỉ 5% lao động. Ngày nay, tuy chiếm chưa đến 2% dân số Israel, nhưng những nông trang (Kibbutz) sản xuất đến 12% lượng hàng hóa xuất khẩu của cả nước.

Sự trỗi dậy của Kibbutz một phần là kết quả của những đột phá trong công nghệ và nông nghiệp do các nông trang và trường đại học ở Israel thực hiện.

Ở Israel, có đến 80% số bò đều được đăng k‎‎ý trong danh sách đàn bò của Israel. Tất cả bò đều được đưa vào dữ liệu trên máy tính để quản lý, điều này giúp cho việc nắm bắt được phả hệ, lai lịch và sản lượng sữa cũng như các yếu tố khác liên quan đến mỗi con bò.

Với sự hỗ trợ của chính phủ, nông dân Israel đã học cách nuôi bò bằng cách sử dụng môi trường tự nhiên tốt hơn cho dù khí hậu khô cằn và tình trạng thiếu nước trầm trọng ở Israel. Các phương pháp bao gồm nuôi bò bằng thực phẩm tự nhiên tái chế, sử dụng nước tái chế để trồng thức ăn cho gia súc và sử dụng lại phân bò trong nông nghiệp.


Họ còn sử dụng máy đo cảm biến nhiệt nhằm theo dõi, cải thiện sức khoẻ và sinh sản của bò, và tăng hiệu quả trong quá trình vắt sữa. Công nghệ giám sát và sản xuất được quản lý bởi hai công ty của Israel là Afimilk và SCR, là những nhà tiên phong trong ngành công nghiệp chế biến sữa, nổi tiếng trên thế giới. Hiện giờ sản phẩm của họ đã được xuất khẩu đi khắp thế giới.

 
Israel cũng nổi tiếng với công nghệ tưới nhỏ giọt. Tưới nhỏ giọt là kỹ thuật tưới cung cấp nước vào rễ cây dưới dạng các giọt nước nhỏ ra chậm với lưu lượng không đổi nhờ các cơ chế đều tiết áp lực nước của các đầu nhỏ giọt gắn chìm trong ống dẫn hay lắp bên ngoài ống.

Công nghệ này của Israel giúp tiết kiệm 30-60% lượng nước tưới so với thông thường, nước và phân bón được chuyển đến bộ rễ tích cực, giúp cây hấp thụ tốt và hạn chế lãng phí phân bón và nước tưới.

 Israel đang dẫn đầu thế giới về tái chế nước thải, với hơn 70% lượng nước được tái chế, tỉ lệ gấp 3 lần quốc gia đứng thứ hai Tây Ban Nha.

Người Israel sử dụng phương pháp khử mặn đất, thậm chí nuôi cá ngay trên sa mạc cằn cỗi. Israel cũng là quốc gia duy nhất mà sa mạc đang được đẩy lùi.

Tuy nhiên ngoài câu chuyện về sử dụng công nghệ trong phát triển giống cây trồng, công nghệ tưới và tiết kiệm nước, Việt Nam cần học hỏi nhiều bài học khác để phát triển nông nghiệp một cách bài bản từ sản xuất tới bảo quản và tiêu thụ.

Đầu tiên là đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các công nghệ nông nghiệp mới, yếu tố được xem là quyết định của thành công. Theo báo cáo của Deloitte, Israel có tới 300 doanh nghiệp xuyên quốc gia tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Thứ hai, Nhà nước cũng nên thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngành công nghiệp hỗ trợ như giao thông, cơ khí thậm chí cả công nghiệp quốc phòng để tạo nền tảng phát triển cho nông nghiệp công nghệ cao. Tại Israel, chính phủ đã cử những nhân lực trẻ, trí tuệ nhất đi học và nghiên cứu trong quân ngũ, nơi có điều kiện tốt nhất để nghiên cứu công nghệ.

Khi xuất ngũ, các cựu quân nhân này được phép áp dụng kiến thức, bí quyết công nghệ và quan trọng nhất là tinh thần làm việc nhóm để khởi nghiệp trong các lĩnh vực dân sự, bao gồm cả nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ ba, cần đặt niềm tin vào nông nghiệp và đất đai, rằng nó có thể mang lại cơ hội tăng trưởng bền vững. Tại Israel, người ta nhen nhóm tinh thần trên trong toàn xã hội bằng cách nhân rộng những câu chuyện thành công tại địa phương. Ví dụ như các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầy cảm hứng của các sinh viên, doanh nghiệp FDI, những nhà khởi nghiệp trẻ - những người sẵn sàng từ bỏ nhung lụa để dấn thân, chiến đấu và thành công với nông nghiệp.
 

Loan Đào

Nguồn tin: hoinongdan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập81
  • Hôm nay9,224
  • Tháng hiện tại326,257
  • Tổng lượt truy cập14,980,151
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây