Nông dân Quỳnh Lưu năng động
Xã Quỳnh Lương là địa phương chuyên canh rau màu lớn nhất vùng bãi ngang của huyện Quỳnh Lưu. Người nông dân ở đây có nhiều kinh nghiệm thâm canh
rau màu, hàng năm cung ứng ra thị trường một lượng rau, củ, quả lớn. Ông Phạm Đình Hải ở xóm 5, xã Quỳnh Lương nói: Có truyền thống kinh nghiệm thâm canh rau màu, nên quanh năm địa phương đều có sản phẩm bán ra thị trường. Đối với gia đình tôi, trên diện tích 14 thước đất, mỗi năm gia đình quay vòng 3 - 4 vụ rau, thu lãi khoảng 40 triệu đồng.
Người trồng hành hoa ở vùng bãi ngang Quỳnh Lưu thu hoạch hành hoa. Ảnh: Xuân Hoàng
Chủ tịch Hội Nông dân xã
Quỳnh Lương, ông Lê Văn Thành cho biết: Địa phương có 185 ha đất màu, chuyên thâm canh rau, củ, quả các loại, trong đó có 20 ha đã được công nhận vùng sản xuất VietGAP. Mùa nào thức ấy, quanh năm vùng sản xuất rau đều có sản phẩm cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh, đời sống nông dân ngày càng ổn định.
Trên địa bàn xã có đội ngũ thương lái, chuyên thu mua rau cho bà con vận chuyển đi tiêu thụ khắp nơi trong cả nước, nên bà con yên tâm sản xuất. Nông dân bây giờ ngoài tìm tòi đưa các loại cây trồng mới vào sản xuất, còn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động, giảm chi phí đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông Lê Văn Thành - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Lương
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ngày càng phát triển về quy mô và hiệu quả trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Nhiều nông dân từ năng động, ý chí làm ăn, đã tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, được thị trường chấp nhận. Điển hình như sản phẩm
trứng gà thảo dược của nông dân Lê Văn Dương ở xã Quỳnh Bảng.
Mô hình chăn nuôi gà thảo dược của nông dân Lê Văn Dương, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Xuân Hoàng
Anh Dương cho biết: Được sự quan tâm của Hội Nông dân các cấp, qua tìm hiểu thông tin đa chiều, nhận thấy nuôi gà đẻ trứng thảo mộc có giá trị dinh dưỡng cao, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với gà thường, nên năm 2018, tôi đầu tư gần 4 tỷ đồng, chuyển sang nuôi gà thảo mộc đẻ trứng. Với quy mô 7.000 con gà mái đẻ, giống gà Ai Cập, mỗi tháng tôi cung ứng cho thị trường 60.000 quả trứng. Trứng gà thảo mộc chất lượng tốt, được người tiêu dùng tin tưởng. Tới đây tôi sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi, phấn đấu mỗi tháng cung ứng ra thị trường 130.000 quả trứng gà thảo mộc.
Được biết, hiện nay các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu xây dựng được 72 mô hình kinh tế trang trại, 200 gia trại chăn nuôi, trồng trọt mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Ngoài ra, nông dân trên địa bàn huyện còn mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm thẻ chân trắng với trên 400 ha mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, ngày càng xuất hiện nhiều gia đình hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi và trở thành những điển hình phát triển kinh tế tại địa phương.
Nâng cao kiến thức cho nông dân
Nhìn lại 5 năm qua cho thấy, để giúp hội viên, nông dân sản xuất hiệu quả, Hội Nông dân huyện Quỳnh Lưu đã đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hiểu rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo, khó khăn của người nông dân.
Hội còn liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ nông dân về kiến thức, kỹ thuật, giống và vật tư nông nghiệp, tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình điểm để giúp nông dân phát triển sản xuất đạt hiệu quả cao. Tổ chức các lớp dạy nghề, triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình để hội viên, nông dân học tập và nhân rộng...
Cán bộ Hội nông dân huyện Quỳnh Lưu tham quan mô hình sản xuất rau VietGAP tại xã Quỳnh Lương. Ảnh: Xuân Hoàng
“Vấn đề cốt yếu mà Hội đã xác định là đặc biệt quan tâm đến kiến thức cho hội viên. Khi hội viên có kiến thức thì mọi việc làm dễ thành công, nhất là trong phát triển kinh tế. Tiếp đó là làm tốt công tác phong trào, bởi khi phong trào của các cấp hội được khơi dậy, sẽ tạo sự hào hứng cho mỗi hội viên tham gia” Ông Nguyễn Hữu Viên - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Lưu.
Điểm mới trong 5 năm qua, Hội đã hướng dẫn thành lập 2 chi hội nông dân nghề nghiệp, 16 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 4 tổ hợp tác, 3 hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ. Từ đó đã tạo điều kiện nông dân giúp nhau về kỹ thuật chăn nuôi, gieo trồng, kỹ năng, kinh nghiệp canh tác, mua máy móc đưa cơ giới vào sản xuất. Thực tiễn đã minh chứng khi tổ hội nông dân nghề nghiệp là bà đỡ, là cầu nối cho nông dân tiếp cận phát triển kinh tế hộ, kinh tế hàng hóa ngày càng đa dạng phong phú.
Các cấp hội trên địa bàn huyện còn tích cực tham gia “Xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” bằng việc đóng góp, hiến hàng chục ngàn mét vuông đất, vật kiến trúc, công lao động để mở rộng, nâng cấp, bảo dưỡng hàng nghìn mét đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương nội đồng. Cán bộ, hội viên cũng tham gia các tiêu chí do mình làm chủ thể trong xây dựng nông thôn mới như: Bảo hiểm y tế, xây dựng gia đình văn hóa… góp phần đưa huyện Quỳnh Lưu đạt được nhiều thành quả trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nhiều gia đình hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi và trở thành những điển hình phát triển kinh tế tại địa phương. Ảnh: Xuân Hoàng