Sau nhiều năm vất vả mưu sinh nơi đất khách quê người, năm 2021 anh Hội quyết tâm về quê lập nghiệp, với số vốn tích góp từ những ngày làm thuê và vay mượn ngân hàng, ông bà nội ngoại, anh Bùi Đình Hội cùng vợ đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để thuê đất, mua sắm trang thiết bị và cây giống khởi nghiệp. “Tôi vốn là dân lao động, khi về quê tích góp được một số vốn, vợ lại là người làm thuê ở một trang trại nông nghiệp bên Nhật Bản nên cô ấy học hỏi được kỹ thuật và có kinh nghiệm trồng dưa chuột nên tôi đã bàn với vợ quyết tâm khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương...", anh Hội tâm sự. Hướng đầu tư ban đầu của vợ chồng anh Hội là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, với 2.500 m2 ban đầu, anh dành hết diện tích để xây dựng nhà lưới bắt đầu trồng dưa chuột Nhật theo mô hình VietGap. Việc trồng dưa chuột theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi quy trình chăm sóc cây như: theo dõi hồ sơ và nhật ký canh tác ở từng khâu; đất trồng phải cách ly khu vực bị ô nhiễm; rễ của dưa chuột yếu nên khi làm đất phải cày bừa kỹ cho đất tơi xốp. Sau khi trồng gần 2 tháng mỗi cây dưa chuột Nhật trung bình cho 4 đến 5kg/cây, mỗi quả nặng khoảng 350 – 400g, dưa giòn đặt ruột, rất thơm, giá bán ra thị trường giao động từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg cao gấp 4 lần so với thị trường, ước tính trừ mọi chi phí vườn dưa của anh Hội thu về được từ 25 triệu đồng/tháng.
Từ hiệu quả của mô hình trồng dưa chuột Nhật, cùng với sự khuyến kích hỗ trợ 200 triệu đồng từ UBND huyện, anh Hội đã mạnh dạn vay mượn số vốn hơn 3 tỷ đồng để đầu tư thêm công nghệ, mở rộng quy mô diện tích lên 5000 m2, chia làm 3 khu vực nhà lưới, áp dụng mô hình kỹ thuật tưới nhỏ giọt của Israel, điều kiển tự động qua điện thoại. Sau khi dự án hoàn thành, gia đình anh tập trung 2500m2 đất để trồng nho hạ đen. Đây là giống nho cho hiệu quả kinh tế cao, hạn chế sâu bệnh, đỡ tốn công chăm sóc, cho năng suất, chất lượng cao và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Sau gần 2 năm thực hiện mô hình, gia đình anh thu hoạch từ việc trồng nho đạt từ 250 đến 300 triệu đồng/năm.
Không dừng lại ở đó, nhận thấy nông sản vẫn còn nhiều nhu cầu, gia đình anh Hội đầu tư tiếp 1 khu vực trồng gối vụ các giống dưa lưới, dưa hấu dọc, cà chua. Với diện tích 2500m2 nhà màng, anh Hội trồng hơn 7.000 cây dưa lưới/vụ. Mỗi cây được trồng riêng trong từng túi bầu với giá thể xơ dừa đã qua xử lý. Để bảo đảm cây dưa phát triển đồng đều thì nguồn nước, phân bón đều được chuyển qua hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại theo công nghệ Israel giúp chất dinh dưỡng được hấp thụ tốt, đáp ứng từng giai đoạn sinh trưởng của cây.Vào thời điểm dưa lưới ra hoa, phải tiến hành thụ phấn, khi cây ra quả mỗi cây chỉ giữ lại một quả đẹp nhất để nuôi cho tới khi thu hoạch. Để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi quả cũng như phòng tránh dịch bệnh, phải thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh, tạo sự thông thoáng cho vườn. Mỗi vụ dưa lưới kéo dài từ 65 - 70 ngày; mỗi quả dưa đến kỳ thu hoạch có trọng lượng từ 1,2 - 2,0 kg. Dưa lưới sản xuất trong nhà màng có thể canh tác được 2 - 3 vụ/năm. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, hệ thống nhà màng đảm bảo nên cây dưa sinh trưởng và phát triển khá tốt, sản lượng dưa lưới thu hoạch đạt khoảng 7,5 tấn/vụ/2.500m2 nhà màng. Hiện nay sản phẩm dưa lưới đang được bán với giá từ 45 đến 50 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 170 triệu đồng/vụ (trên 500 triệu đồng/năm). Trên diện tích này, anh cũng tận dụng chuyển giao mùa để trồng thêm cà chua cho năng xuất cao.
Ngoài 5000m2 diện tích đất nhà màng, gia đình anh chị đã mạnh dạn đào ao, thả 3.000 con ốc bưu đen để tận dụng thức ăn là phế phẩm nông nghiệp, rau, củ quả trong vườn. Sau khi nuôi được 4-5 tháng, gia đình anh có thể bán thương phẩm cho các nhà hàng, quán ăn, người dân địa phương với giá bán hiện nay là 70.000đ/1kg. Gia đình anh cung cấp ra thị trường mỗi ngày từ 10 kg đến 20kg ốc bưu đen thương phẩm, trung bình mỗi tháng gia đình anh Hội có thu nhập gần 15 triệu đồng từ bán ốc thương phẩm. Với quy mô đầu tư như vậy, gia đình anh đã giải quyết cho địa phương từ 5-7 lao động, thu nhập từ 5 đến 8 triệu đồng/1 tháng. Bên cạnh đó, anh Hội còn là hội viên tích cực tham gia vào các hoạt động của Hội và phong trào xây dựng NTM, NTM nâng cao của địa phương
Chia sẻ với chúng tôi, anh Hội tâm sự “ Để tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn và từng bước góp phần đưa Nghi Hưng trở thành xã có điểm đến về nông nghiệp sinh thái, tôi mong rằng trong thời gian tới, các cấp, các ngành tạo điều kiện hơn nữa về nguồn vốn, cách tiếp cận thị trường để gia đình có thể mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết hướng tới nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ”.
Có thể nói thành công của mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của gia đình anh Hội là động lực để người dân trong vùng học hỏi, áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.