Tại cây sở hay tại người trồng?

Thứ tư - 18/09/2019 04:39
Từ những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng được triển khai khắp nơi. Riêng ở Nghệ An được phân bố chỉ tiêu trồng 100.000 ha rừng trong 10 năm, kể từ năm 1998 trở đi.

Một trong những cây trồng được ngành NN- PTNT tỉnh Nghệ An đưa xen vào dự án trồng mới 5 triệu ha rừng là cây sở với chỉ tiêu kế hoạch đưa ra là 6.000 ha, tập trung trồng ở các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành.

11-07-24_hinh_nh_cy_so
Sở vừa là cây công nghiệp, vừa là cây lâm nghiệp.
 

Sở là cây trồng lâu năm có tán lá rộng, phủ xanh đất trống đồi trọc rất tốt. Sau trồng 5- 6 năm thì cho quả thu hoạch. Quả sở ép lấy dầu ăn rất tốt, nhất là những người yếu ớt, sức khỏe kém, người mới ốm dậy. Dầu sở còn là nguyên liệu dùng trong các ngành công nghiệp khác.

Với hy vọng sẽ đưa cây sở trở thành cây trồng vừa phủ xanh đất trống, đồi trọc; vừa cho thu hoạch quả để làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến tinh dầu sở, cả 2 ý tưởng đó nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con nông dân ở các vùng miền núi Nghệ An.  

Nơi này chặt bỏ

Ở huyện Tân Kỳ, một trong những huyện được dự án chia chỉ tiêu trồng 1.000 ha cây sở. Phần lớn diện tích cây sở được trồng ở các xã Nghĩa Bình, Hương Sơn, Phú Sơn, Nghĩa Hành, Giai Xuân, Đồng Văn và Tiên Kỳ. Hôm nay đến các xã có trồng cây sở, nhiều bà con nông dân ở đây nói với chúng tôi "khổ vì sở".

Chúng tôi hỏi tại sao khổ vì sở? Anh Nguyễn Văn Vinh ở xã Nghĩa Bình nói: Là người đầu tiên hưởng ứng đưa cây sở vào trồng, và gia đình tôi đã trồng được 2ha trên đất đồi vệ từ năm 2002. Sau 5 năm trồng thì cây cho thu hoạch và bán quả sở, lúc bấy giờ giá chỉ có 4.000 đồng/kg. Rồi những năm sau đó, khi quả đã chín, gia đình thu hoạch về chẳng có ai đến hỏi thu mua và thế là hư hỏng hết, đổ đi mà thôi. Nghĩ là không có hy vọng gì từ cây sở này nên tôi quyết định chặt bỏ.

Không riêng gì gia đình anh Vinh, gia đình anh Nguyễn Văn Diên cùng ở xã Nghĩa Bình trồng được 1,5 ha cây sở, nhưng đến nay cũng chặt bỏ hết. Theo anh Diên, do không thể quản lý và chăm sóc tốt, nên cây sở thường bị kẻ gian chặt phá, hái trộm quả. Số quả thu hoạch được không nhiều, nhưng giá cả vừa quá rẻ 3.000 - 4.000 đồng/kg quả; vừa khó bán, do không có người thu mua.

Nghĩa Bình là xã đất rộng, người đông, rất có điều kiện để trồng cây sở trên quy mô lớn. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã, năm 2002 toàn xã đã trồng được 40 ha cây sở, với hy vọng sẽ giúp người dân phát triển kinh tế, giúp xóa đói giảm nghèo, giúp phủ xanh, đất trống đồi trọc… Nhưng đến hôm nay, từ hàng chục hộ có trồng cây sở, nay chỉ còn lại 8 hộ đang giữ lại 6 ha, những hộ khác đã chặt bỏ hết.

Nguyên nhân bà con nông dân chặt bỏ cây sở ởlà do quả hái về được nhiều, không có công ty, nhà doanh nghiệp nào đến ký hợp đồng mua bán, mà chỉ có mấy ông, bà thương lái đến ép cấp, ép giá rồi bán rẻ như cho, thế là bà con nông dân chán, chặt bỏ đi để trồng cây khác hy vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo ông Nguyễn Công Trung, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Tân Kỳ, từ năm 2002 huyện chủ trương trồng 1.000 ha cây sở thuộc dự án trồng mới 5 triệu ha rừng ở một số xã trong huyện nhằm mục đích phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Nhưng sau 1 - 2 năm thu hoạch, giá cả vừa quá thấp (3.000 - 4.000 đ/kg quả), vừa không ổn định, thậm chí không có tổ chức hoặc doanh nghiệp nào đứng ra ký kết hợp đồng thu mua cho bà con nông dân. Vì vậy, bà con nông dân tìm cách chặt bỏ sở để trồng cây khác. Đến nay, toàn huyện chỉ còn rải rác ở một số xã với diện tích khoảng 15 ha.

Còn tại huyện Nghĩa Đàn, cũng từ dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, toàn huyện năm đầu tiên (năm 2000) được giao chỉ tiêu trồng 1.000 ha cây sở. Trong số này riêng Lâm trường Nghĩa Đàn trồng 500 ha, còn lại 500 ha trồng rải rác ở một số xã.

Nghĩa Yên là xã có trên 500 hộ dân tham gia trồng với diện tích gần 500 ha cây sở, nhiều nhất huyện, có hộ trồng lên đến hơn 5 ha. Nhưng, có trồng mà không có chăm sóc và bảo vệ tốt, nên cây phát triển chậm, còi cọc. Thấy không có hy vọng, nhiều người dân lặng lẽ chặt bỏ dần để trồng sắn, keo và một số cây khác… Hay tại xã Nghĩa Long, trước đây cũng đã trồng được 60 ha, nay chỉ còn lại 20 ha…  

Nơi kia làm giàu

Trong khi nhiều xã ở huyện Tân Kỳ và ngay cả trong huyện Nghĩa Đàn cây sở đã và đang chết dần thì tại xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn cây sở lại được giữ nguyên vẹn và phát triển tốt. Gia đình bà Đào Thị Lượng là một trong số rất nhiều hộ dân ở đây tham gia trồng sở đầu tiên theo dự án 661. Diện tích cây sở gia đình nhà bà Lượng là 2 ha, được gia đình chăm sóc tốt, nên cây sở phát triển khỏe, ra hoa cho quả nhiều, trung bình mỗi năm cho thu hoạch 4 tấn hạt khô/ha.

Theo bà Lượng cho biết, trước đây giá bán chỉ được 3.000 - 4.000 đồng/kg, vài năm trở lại đây đột nhiên giá thu mua hạt sở tăng đột biến lên 25.000 đồng/kg, rồi lên 35.000 đồng/kg hạt khô. Nhờ đó, gia đình bà đã có thu nhập từ 2 ha cây sở ít nhất là 100 triệu đồng đến 160 triệu đồng/năm sau khi đã trừ hết các khoản chi phí. Đặc biệt từ khi trên địa bàn xã Nghĩa Lộc có một cơ sở thu mua và chế biến tinh dầu sở thì bà con ở đây càng yên tâm đầu tư thâm canh cây sở nhiều hơn.

Cũng tại Nghĩa Lộc có gia đình ông Nguyễn Duy Quang một nông dân rất say sưa và tin tưởng vào tương lai cây sở. Ngay từ năm 1998 gia đình ông đã trồng được 8 ha cây sở, nhưng cũng như bao gia đình khác, giá bán hạt sở vừa rẻ rúng, vừa bấp bênh đầu ra. Từ đó, ông Quang đi khắp nhiều nơi để tìm thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước.

Theo ông, tinh dầu sở rất quý hiếm, không có lý do gì mà bỏ nó được. Từ đó gia đình ông đã đầu tư mua máy móc, thành lập cơ sở thu mua và chế biến tinh dầu sở ngay tại quê hương ông và cũng thật may vài năm nay "cơn sốt" sở bùng lên, giá bán ra có thời điểm lên đến trên 40.000 đồng/kg hạt khô.

Nhưng gia đình ông chỉ thu mua hết hạt sở khô cho bà con nông dân để ép lấy tinh dầu, mỗi chai tinh dầu sở (750 ml) có giá bán từ 320.000 - 350.000 đồng. Ngoài việc ép lấy tinh dầu ra, khô dầu sở (bã xơ) còn là loại thức ăn tốt cho chăn nuôi lợn, gà… Theo ông Quang, cây sở nếu được đầu tư chăm sóc tốt, nhân rộng diện tích, sản lượng hạt sẽ nhiều lên. Trên cơ sở đó mở rộng quy mô chế biến tinh dầu, cùng với việc quảng bá giới thiệu tinh dầu sở sản phẩm sạch thương hiệu đặc trưng của Nghệ An có thể thực hiện được.

Còn theo ông Lại Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộc cho biết, toàn xã hiện đang có 265 ha cây sở, dân không chặt bỏ và được chăm sóc tốt. Đặc biệt vài năm gần đây giá bán hạt sở tăng lên cao do được xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc và hay nhất là ngay tại xã nhà lại có cơ sở thu mua và chế biến tinh dầu sở nên nông dân yên tâm sản xuất vừa nâng cao đời sống, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc tốt nhất hiện nay.

Thạc sĩ Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An cho biết, cây sở vừa là cây lâm nghiệp, có tán lá rộng, có tác dụng phủ xanh đất trống, đồi trọc, vừa là cây trồng lấy hạt để chế biến tinh dầu. Tinh dầu sở ăn rất tốt cho sức khỏe con người, bã khô dầu sở sử dụng để chế biến thức ăn chăn nuôi lợn, gà rất tốt.

Hiện Sở Khoa học và Công nghệ đang xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu tinh dầu sở và tiếp cận doanh nghiệp Nhật Bản giới thiệu sản phẩm tinh dầu sở của Nghệ An để xuất khẩu sang thị trường Nhật.

DOÃN TRÍ TUỆ

Nguồn tin: nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập73
  • Hôm nay21,642
  • Tháng hiện tại472,524
  • Tổng lượt truy cập15,613,406
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây