NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Huyện miền núi Nghệ An có trên 200 ha ngô bị sâu keo mùa thu tàn phá xác xơ
Thứ sáu - 13/09/2019 03:451.4170
Huyện Tân Kỳ có trên 691 ha ngô thu đông, nhưng có tới hơn 550 ha bị nhiễm sâu keo mùa thu, trong đó gần 200 ha bị nhiễm nặng.
Trên nhiều đám ngô đang giai đoạn 3-10 lá tại các xã Nghĩa Hoàn, Tân Phú, Nghĩa Thái... của huyện Tân Kỳ đang bị sâu keo mùa thu tàn phá xơ xác, không phát triển được.
Gia đình ông Quang ở xóm Lâm Xuân, xã Nghĩa Hoàn có hơn 1 sào ngô đang trong giai đoạn 10 lá. Tuy nhiên, khác với năm trước thì năm nay ngô bị loại sâu keo mùa thu phá hại đến mức trụi lá. Mặc dù gia đình ông Quang đã 2 lần phun thuốc BVTV nhưng chưa thấy hiệu quả. Ông cho biết, tận tay vạch đọt ngô ra vẫn thấy nhiều con sâu còn sống. Những đám ngô xung quanh cũng có hiện tượng tương tự.
Ông Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hoàn cho biết, địa phương có 33 ha ngô, thì có tới 26,5 ha bị nhiễm sâu keo mùa thu. Những diện tích ngô không bị nhiễm sâu keo mùa thu là do bà con trồng các giống ngô chuyển gen.
Theo số liệu của Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Tân Kỳ, toàn huyện có hơn 691 ha ngô thu đông, nhưng có tới trên 550 ha bị nhiễm sâu keo mùa thu, trong đó có gần 200 ha nhiễm nặng. Những địa phương có diện tích ngô nhiễm sâu keo mùa thu như: Nghĩa Hoàn 26,5 ha, Nghĩa Phúc 195 ha, Phú Sơn 40 ha, Tân An 20 ha...
Các giống ngô bị sâu keo mùa thu gây hại nặng là: L14, CP111, LVN10, CP3Q, NK4300, DK6919... Những diện tích ít bị nhiễm sâu keo mùa thu là những giống ngô chuyển gen.
Trước tình hình trên, Trạm Trồng trọt và BVTV huyện đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở 8 lớp tập huấn cho bà con nông dân cách phát hiện sâu và biện pháp phun thuốc hóa học trừ loại sâu này, nhưng tình trạng sâu keo mùa thu vẫn tiếp tục phá hại trên cây ngô.
Đặc điểm của sâu keo mùa thu: Sâu non có 6 tuổi, tuổi 1 - 2 cơ thể màu xanh nhạt - vàng nhạt là phổ biến. Khi sâu non phát triển tuổi 3 - 6 có màu nâu xám - nâu sẫm với các sọc dọc thân. Kích thước sâu non tuổi 1 dài khoảng 0,5 mm, lên tuổi 3 sâu non dài 6 - 9 mm; tuổi 6 dài 30 - 40 mm.
Trên trán sâu non tuổi lớn nhìn rõ hình chữ Y ngược màu vàng, mặt lưng màu đen với lông cứng dài. Trên mặt lưng, đốt bụng cuối có 4 đốm đen được sắp xếp thành hình vuông.
Triệu chứng của cây ngô bị sâu keo mùa thu phá hại: Sâu non tuổi 1 - 2 ăn biểu bì ở mặt dưới của lá non gây ra các vết hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng đặc trưng. Sâu non tuổi lớn hơn ăn khuyết lá, bẹ lá tạo thành các lỗ lớn.
Cách phòng trừ: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn ngô 3 - 6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy. Sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô diệt sâu non. Làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng ngô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu. Làm đất rồi phơi đất khô để ấu trùng, nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt.
Sử dụng các hoạt chất thuốc BVTV được phép sử dụng theo hướng dẫn của khuyến nông để phun trừ khi sâu đa số tuổi 1 - 3 (giai đoạn ngô 3 - 6 lá), phun sáng sớm hoặc chiều mát. Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng".
Có thể dùng biện pháp bẫy đèn, bã, bằng cách sử dụng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy đèn để diệt khi sâu trưởng thành.