NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Nông dân Nghệ An được mùa vụ vừng Hè thu
Chủ nhật - 16/07/2023 21:041.6810
(Hội NDNA) - Vừng là loại cây trồng thuộc nhóm nông sản thực phẩm rất được ưa chuộng, dễ tiêu thụ và là loại sản phẩm được sử dụng nhiều trong bữa ăn hàng ngày, nó còn là nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp thực phẩm, bánh kẹo. Ưu thế đặc biệt ở cây vừng là ngắn ngày, dễ trồng, đầu tư ít, chống chịu hạn rất tốt, ít bị sâu bệnh, cho thu nhập lên đến hàng chục triệu đồng/ha.
Được mùa, được giá vụ vừng hè thu
Vụ vừng hè thu năm nay toàn tỉnh gieo trồng gần 4000 ha, tập trung ở các huyện: Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Thị xã Cửa Lò, Hưng Nguyên…
Tại thời điểm này, bà con nông dân ở các địa phương đã và đang ra đồng thu hoạch vừng. Ông Dương Văn Năm – Giám đốc HTXNN Đông Thịnh, huyện Diễn Châu cho biết, vụ vừng hè thu năm nay HTXNN Đông Thịnh gieo trồng được 120 ha vừng. Giống vừng được gieo là các giống vừng đen, vừng vàng và một ít giống vừng V6 (vừng trắng của Nhật Bản). Tất cả diện tích vừng được bà con nông dân gieo trồng ngay sau khi thu hoạch lạc và rau màu vụ xuân khi đất còn đủ ẩm. Từ sau khi gieo xong vừng lại nay trời hầu như không có mưa, nắng nóng kéo dài, lại có thêm gió tây nam thổi mạnh, nên cây vừng vốn là cây chống chịu hạn hán và nắng nóng tốt vẫn bị ảnh hưởng về mặt sinh trưởng và phát triển. Vì vậy năng suất vụ vừng hè thu năm nay chỉ đạt được bình quân 43 – 45 kg/sào (8,6 – 9,0 tạ/ha). Nhưng, đổi lại, giá vừng bán tại nhà lên đến 45.000 – 50.000 đồng/kg, cao hơn các vụ vừng trước đây từ 5000 – 10.000 đồng/kg.
Ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng NN & PTNT huyện Diễn Châu cho biết: Vụ vừng hè thu năm nay toàn huyện gieo trồng được gần 2000 ha vừng, tập trung nhiều ở các xã: Diễn Trung 350 ha, Diễn Thịnh 300 ha, Diễn Hùng 200 ha, Diễn Thành 120 ha… năng suất vừng đạt bình quân từ 40 – 45 kg/sào (80 – 90 tạ/ha). Vừng là cây trồng chống chịu hạn và nắng nóng rất tốt. Đặc biệt vụ hè thu năm nay theo dự báo của ngành Khí tượng – Thuỷ văn là năm nắng nóng và hạn hán xẩy ra nghiêm trọng nên ngay từ đầu vụ UBND huyện chủ trương khuyến cáo bà con nông dân phát triển mạnh cây vừng trên các vùng đất cao cưỡng, vùng đất cát pha, thịt nhẹ ven biển (gọi là vùng đất bãi ngang). So với mọi năm thì năng suất vụ vừng hè thu năm nay không cao hơn, do nắng nóng và hạn hán quá nghiêm trọng, kéo dài và nhất là hoạt động của gió tây nam thổi quá mạnh, gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng và phát triển cây vừng trong suốt cả vụ sản xuất. Nhưng, đổi lại, giá vừng vụ hè thu năm nay được bán với giá cao từ 45.000 – 50.000 đồng/kg đối với vừng đen và 55.000 đồng/kg đối với vừng vàng, vừng V6, giá bán cao hơn các vụ vừng trước đây từ 7000 – 10.000 đồng/kg. Tính ra bình quân 1 ha vừng cho thu nhập trên dưới 45 triệu đồng/ha, mà chỉ cần đầu tư 10 kg vừng giống hết 450.000 đồng, 60 kg phân hỗn hợp NPK loại 15 - 5 – 20 hết 540.000 đồng, chưa kể công làm đất, chăm sóc, thu hoạch, phơi phong… Đúng là cây “làm chơi, ăn thật” như bà con nông dân ở xã Diễn Trung thường nói với nhau.
Tại vùng đất bãi ven sông Lam ở huyện Hưng Nguyên, bà Bá Thị Dung phụ trách phòng NN&PTNT của huyện cho biết: Thông thường như các năm trước đây, trên đất bãi ven sông Lam sau khi thu hoạch xong cây trồng vụ xuân, bà con nông dân ở đây tiếp tục gieo trồng chủ yếu cây ngô hoặc cây đậu xanh. Nhưng vụ hè thu năm nay ngành Khí tượng – Thuỷ văn dự báo là năm nắng nóng nhiều và hạn hán nghiêm trọng, nên UBND huyện chủ trương mở rộng diện tích trồng cây vừng bởi vừng vừa là cây có khả năng chống chịu hạn tốt, vừa ngắn ngày để cho thu hoạch sớm, phòng mưa to cuối vụ làm mất mùa. Kết quả vụ vừng hè thu năm nay toàn huyện gieo trồng được gần 400 ha vừng ở các xã vùng ven sông Lam. Trong đó tập trung nhiều ở xã Châu Nhân 80 ha, xã Long Lĩnh 30 ha và rải rác ở một số xã khác. Tuy gặp phải nắng nóng gay gắt và hạn hán kéo dài từ khi trồng đến thu hoạch, nhưng vẫn đạt được năng suất bình quân từ 9 – 10 tạ/ha. Từ kết quả này, vụ hè thu năm sau UBND huyện sẽ chỉ đạo các HTXNN mở rộng diện tích gieo trồng vừng lên quy mô lớn hơn, nhiều hơn là chắc chắn.
Kinh nghiệm về sản xuất vừng và bài học để lại
Vừng là cây dễ gieo trồng, thời gian sinh trưởng ngắn (trong vụ hè thu 65 – 70 ngày), đầu tư chi phí thấp, chống chịu nắng nóng và hạn hán có thể nói là số một trong các cây trồng nông nghiệp hiện nay. Vừng cũng chính là cây trồng bảo vệ đất, cải tạo đất rất tốt. Về hiệu quả kinh tế, vừng đem lại nhiều giá trị về dinh dưỡng cho con người và là cây trồng được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước. Người trồng vừng ở tất cả các vùng miền trong tỉnh, nhất là vùng các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Thị xã Cửa Lò… đều cho rằng, thu nhập từ cây vừng trong các vụ hè thu luôn luôn ở mức trên dưới 40 triệu đồng/ha, chỉ trong thời gian 65 – 70 ngày kể từ khi gieo trồng đến thu hoạch, rất ít có cây trồng nào đem lại hiệu quả cao như vậy.
Để cây vừng nhanh chóng trở thành cây trồng có diện tích được gieo trồng với quy mô lớn, hàng hoá nhiều, thực sự đem lại hiệu quả lớn thì ngay sau khi thu hoạch xong vụ vừng hè thu năm nay chúng tôi đề nghị UBND tỉnh, Sở NN&PTNT Nghệ An và các huyện, thành, thị cần tổng kết rút bài học kinh nghiệm sản xuất từ nhiều vụ vừng hè thu trước đây và nhất là vụ vừng hè thu năm nay để triển khai tổ chức tốt vụ vừng hè thu năm sau.
Về kinh nghiệm sản xuất cây vừng trong vụ hè thu ở Nghệ An nhiều năm qua, cho thấy kinh nghiệm có giá trị nhất, đó là:
Thứ nhất: Không còn nghi ngờ gì nữa, vừng là cây trồng chống chịu nắng nóng và hạn hán tốt nhất trong suốt cả mùa hè mùa nắng nóng,cây vừng vẫn sinh trưởng tốt, phát triển khoẻ, bởi thân, lá, quả, hạt cây vừng có chứa nhiều chất dầu và có nhiều lông tơ mọc phía ngoài thân, lá, hoa, quả. Đây là một ưu thế đặc biệt ở cây vừng, nếu gặp giá rét thì chất dầu co đặc lại làm tăng khả năng chống lại giá rét. Ngược lại gặp nắng nóng, nhiệt độ cao thì chất dầu loãng ra, làm giảm phát thải nước trong cây ra ngoài không khí.
Thứ hai: Kinh nghiệm của bà con nông dân ở huyện Diễn Châu cho biết: để cây vừng sau khi gieo hạt xong được mọc mầm nhanh và sau đó tiếp tục sinh trưởng, phát triển tốt ngay từ đầu vụ gieo trồng, người trồng vừng cần phải thực hiện tốt các biện pháp:
Trước khi đi ra đồng thu hoạch cây trồng vụ xuân (lạc, ngô, rau màu) để lấy đất gieo vừng thì cần chuẩn bị sẵn cho mỗi sào (500 m2) từ 4 – 5 lạng hạt vừng giống để gieo. Toàn bộ các cây trồng vụ xuân thu hoạch xong có thể tạm để ngay trên bờ ruộng. Sau đó lấy hạt giống vừng trộn với đất bột hoặc cát vãi đều lên trên mặt luống vừa thu hoạch xong cây trồng vụ xuân. Tiếp theo dùng bừa, bừa đi, bừa lại dọc luống 2 – 3 lần để vùi lấp hạt vừng vào đất. Làm được như vậy, vừa đảm bảo thời vụ gieo trồng càng sớm càng tốt, vừa làm ngay sau khi đất còn đủ ẩm để hạt giống dễ mọc mầm. Nếu gieo trồng chậm, gieo khi đất không còn đủ độ ẩm thì hạt giống vừng phải chờ khi nào có mưa xuống, đất có đủ độ ẩm mới mọc mầm được.
Thứ ba: Thu hoạch vừng hè thu tốt nhất khi có 80 – 85% số quả trên cây chín. Thu hoạch cắt cả cây từ dưới gốc lên đem về nhà ủ chín sinh lý tiếp 2 – 3 ngày, sau đó đem phơi đập nhẹ để tách hạt ra. Nếu để chín quá mới thu hoạch thì quả vừng sẽ nứt nẻ, làm hạt rơi xuống đất, năng suất vừng giảm nghiêm trọng.
Thứ tư: Để chủ động mở rộng diện tích gieo trồng cây vừng, vụ hè thu hay vụ xuân trong những năm tới, các cơ sở sản xuất nên tiến hành xác định rõ vùng đất cần được chuyển đổi sang gieo trồng cây vừng là những vùng đất cao cưỡng, vùng đất không có đủ nguồn nước tưới… như: Vùng đất cát pha ven biển, ven sông; Vùng đất dưới chân núi, đồi vệ… Xu thế thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên khả năng nắng nóng và hạn hán ngày càng gia tăng. Vì vậy, việc chuyển đổi cây trồng ở vùng đất khô hạn sang gieo trồng cây vừng là hướng đi hợp lý nhất, hiệu quả nhất.
Thứ năm: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp hiện nay theo hướng sản xuất hàng hoá, sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với biến đổi khí hậu… đang là một cuộc cách mạng nhằm làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp để đem lại hiệu quả kinh tế lớn hơn, bền vững hơn, việc làm này không hề giản đơn. Vì vậy, để năm sau cây vừng có thể trở thành cây trồng có quy mô diện tích lớn, sản lượng lớn, hiệu quả lớn, thì cần phải có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành nông nghiệp và Hội Nông dân đóng vai trò chủ yếu để vừa tổ chức chỉ đạo thực hiện, vừa vận động bà con nông dân hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây có hiệu quả cao nhất.