Chăm sóc và bảo vệ cây trồng trong mùa nắng nóng

Chủ nhật - 09/07/2023 20:36
(Hội NDNA) - Theo dãy số liệu lịch sử về nắng nóng và nhiệt độ không khí hàng tháng ở Nghệ An, thì tháng 6, 7 và 8 là 3 tháng có nền nhiệt trung bình cao nhất trong năm từ 300C trở lên. Riêng mùa hè năm nay có thể nói sẽ là năm có nắng nóng gay gắt, nhiệt độ không khí có nhiều ngày lên 40, 41, 420C, ẩm độ không khí xuống thấp dưới 50%, hạn hán xẩy ra nghiêm trọng, do hoạt động của ElNino đến sớm và kết thúc muộn.
Nắng nóng bao giờ cũng đi đôi với nhiệt độ không khí cao. Riêng ở Nghệ An trong mùa hè này nắng nóng còn đi kèm với hoạt động mạnh của gió Lào sẽ gây ra hạn đất và hạn không khí càng nghiêm trọng hơn. Hạn đất làm cho đất khô không còn khả năng cung cấp nước cho cây trồng, cây sẽ chết khô. Hạn không khí (ẩm độ không khí thấp) làm cho cây trồng khô héo nhanh, tàn lụi nhanh. Trong tất cả các loại cây trồng nông nghiệp, cây ngắn ngày, cây trồng theo mùa vụ, như: Lúa, ngô, khoai, rau màu các loại… là những cây trồng rễ chùm, rễ ăn cạn ở lớp đất mặt (lớp đất tầng canh tác), nên khi gặp hạn hán nặng, đất khô, cây sẽ chết nhanh, còn các loại cây lâu năm, cây thân gỗ có rễ cọc ăn xuống lớp đất sâu thì khả năng chống chịu hạn tốt hơn. Nguy cơ của nắng nóng và hạn hán rất nguy hại đối với sản xuất nông nghiệp nói chung, cây trồng nói riêng và nhất là cây trồng ngắn ngày. Vì vậy, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện mọi biện phápchăm sóc, bảo vệ cây trồng, như: che phủ đất, tưới nước giữ ẩm, hạn chế sốc nhiệt, làm mát cây…

Các huyện, thành, thị phối hợp với các công ty quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi, các chi nhánh điện, xây dựng lịch trình bơm nước, cấp nước thật cụ thể đối với từng cánh đồng lúa, hoa màu. Tránh tình trạng tranh dành nhau lấy nước để xẩy ra hậu quả nơi thừa nước, nơi thiếu nước, nơi cần chưa có, nơi có chưa cần…
 
chong han cho che
Nông dân xã Hùng Sơn (Anh Sơn) dùng hệ thống béc tưới tự động để chống hạn cho cây chè
Nếu nguồn nước tưới không đảm bảo đủ thường xuyên cho cây lúa và rau màu thì phải phân chia nguồn nước tưới sao cho hợp lý để cây trồng không bị thiếu nước gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển.

Trường hợp nguồn nước tưới quá ít ỏi, không thể tưới một lúc ngập trên mặt ruộng đối với cây lúa và tưới đậm đối với các loại cây rau màu thì chia nhỏ nguồn nước ra tưới ít lại, tưới nước láng trên mặt ruộng lúa và tưới nhẹ đối với các loại cây rau màu. Tưới như vậy đủ để giữ ẩm đất, cây trồng vẫn sinh trưởng phát triển tốt.

Thường xuyên nhắc nhở và khuyến khích người dân theo dói diễn biến của thời tiết thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: trên báo, đài, truyền hình… để có các biện pháp chống hạn phù hợp, kịp thời. Đối với sản xuất các loại cây rau màu, khuyến khích bà con nông dân lắp đặt hệ thống nhà lưới, khoan giếng bơm, lắp dàn phun tưới nước tự động cho cây trồng.

Tuyên truyền và nhân rộng những mô hình, những kinh nghiệm bảo vệ cây trồng có hiệu quả trong các mùa vụ gặp nắng nóng trước đây của nhiều hộ dân ở các vùng miền trong tỉnh, như: chủ động tích trữ nước trong ao hồ, trong đầm đìa, trong mương máng, trên những cánh đồng sâu trũng không gieo cấy hè thu; sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả thông qua biện pháp tưới nước nhỏ giọt, tưới phun kết hợp cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng qua hệ thống tưới. Nắng nóng kéo dài, cùng với hoạt động mạnh của gió Lào ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của các loại cây rau màu, nhất là rau ăn lá, rau gia vị. Với loại cây này rất cần nước để phát triển. Vì vậy, ngoài các biện pháp tưới nước như nói trên, cần lưu ý thêm: Tưới nước đầy đủ vào các buổi sáng sớm và chiều muộn khi mặt trời đã xuống núi, nhiệt độ giảm. Khi tưới nước cần bổ sung thêm một lượng phân bón cần thiết để giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt cho năng suất cao.

Đối với các loại cây ăn quả như: cam, chanh, bưởi đang thời kỳ quả non và cây công nghiệp, như: chè, mía… cần được tưới nước đủ ẩm hàng ngày, hoặc ít nhất 2 – 3 ngày/lần tưới. Không tiến hành cắt tỉa cành, không trồng cây trồng mới và không hái chè khi trời còn nắng nóng gay gắt. Đồng thời tận dụng rơm rạ, lá cỏ khô… tập tủ quanh gốc cây, vừa làm mát gốc, vừa hạn chế bốc hơi nước.

Với xu thế thời tiết ngày càng phức tạp, biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, nắng nóng và hạn hán đang có nguy cơ ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Vì vậy, ở những địa phương nào có diện tích đất cao cưỡng, thiếu nguồn nước tưới thì cần chủ động chuyển đổi sang trồng các loại cây chống chịu hạn tốt, như các cây: Vừng, đậu đỗ các loại, lạc, dưa hấu… Chẳng phải đi đâu xa để học tập kinh nghiệm trồng cây chống chịu hạn.Tại vùng đất bãi ngang ven biển Diễn Châu, mặc cho nắng nóng gay gắt, khô hạn nghiêm trọng, hơn 2000 ha cây vừng và một số diện tích lạc, dưa hấu phát triển rất tốt, đó là minh chứng để các địa phương khác học tập và làm theo.

Doãn Trí Tuệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập46
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm42
  • Hôm nay16,618
  • Tháng hiện tại327,915
  • Tổng lượt truy cập8,162,347
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây