Khả năng mùa đông ấm và những lưu ý trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp

Thứ tư - 07/12/2022 20:16
(Hội NDNA) - Mùa đông năm được dự báo ấm hơn các mùa đông trước đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra ngày càng phức tạp, khó đoán định. Vì vậy, chúng ta cần lắng nghe và theo dõi các dự báo về thời tiết của ngành khí tượng thủy văn để có kế hoạch và biện pháp tổ chức sản xuất tốt nhất, tránh né được thiệt hại do thời tiết gây ra, đó là cách xử lý hiệu quả nhất trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra hiện nay.
Một số biện pháp hạn chế do mùa đông ấm:

Mùa đông ấm, đồng nghĩa với việc các loại cây trồng, nhất là cây ngắn ngày (lúa, ngô, khoai, mía, lạc, vừng, đậu đỗ...) phát triển nhanh, thời gian sinh trưởng (TG-ST) rút ngắn lại, ra hoa kết quả sớm...
Dù là mùa đông ấm hay rét, nhưng các ngày tiết trong các mùa (xuân, hạ, thu, đông) vẫn diễn ra. Riêng trong vụ sản xuất vụ xuân ở các tỉnh từ Bắc Trung Bộ trở ra cần lưu ý ngày tiết thanh minh và cốc vũ có liên quan chặt chẽ với thời kỳ lúa trổ bông.

Ngày tiết thanh minh năm 2022, diễn ra vào ngày 5/4 dương lịch (ngày 1/3 âm lịch). Trước, sau ngày 5/4 thường xẩy ra gió mùa đông bắc đưa không khí lạnh về gây ra mưa, gió, rét đậm kéo dài 2 – 3 ngày và có thể dài hơn. Nhiệt độ không khí những ngày này thường dưới 200C, Nếu lúa gieo cấy sớm trổ vào những ngày này rất dễ xẩy ra hiện tượng hạt lúa trên cả bông lúa bị đen, do khi lúa trổ gặp mưa, rét làm thối hạt phấn làm cho cả hạt gạo và vỏ trấu bị đen, nên bà con nông dân gọi đó là lúa bầm ruồi. Vì vậy ông cha ta có câu “con đói thì con ăn khoai, chứ thấy lúa trổ giêng, hai mà mừng”. Nếu lúa trổ chậm lại vào tiết cốc vũ, là tốt nhất (tiết cốc vũ năm 2023 diễn ra vào ngày 20/4, ngày 20/3 âm lịch). Thời tiết những ngày tiết cốc vũ thường là những ngày nắng, ấm, ít có mưa, nhiệt độ không khí cao từ 250C trở lên, rất phù hợp với cây lúa ở thời kỳ trổ bông. Từ đó, chúng tôi đề nghị các cơ sở sản xuất và bà con nông dân thực hiện tốt các biện pháp:
 
nong dan nghe an cham soc lua xuan nam 2022 1
Bà con nông dân chăm sóc lúa xuân
Thứ nhất: Không nên gieo cấy sớm trước lịch thời vụ do ngành nông nghiệp tỉnh quy định đối với cây lùa trong vụ xuân 2023.

Cụ thể: Nhóm các giống lúa có TGST từ 135 – 140 ngày gồm các giống: Nếp 97, AC5, BC15, J02, Thái xuyên 111, Hương ưu 98... gieo mạ từ 05 – 10/01/2023, cấy từ 25 – 30/01/2023 (từ ngày 4 – 9/1/2023 âm lịch).
Nhóm các giống có TGST từ 130 – 135ngày gồm các giống: Hương thơm 1, Bắc thơm 7, Nếp 87, Nếp 98, DT80, Phú ưu 978, VT404, Nhị ưu 986, Long hương 8117, Hương ưu 98...gieo mạ từ 11 – 15/1/2023, cấy từ 1 – 5/2/2023 (từ ngày 11 – 14/1/2023 âm lịch).
Nhóm các giống lúa có TGST từ 125 – 130 ngày gồm các giống: VN20, TBR225, Bắc Thịnh, Thiên ưu 8, ADI 168, NA6, SL9, Kinh sở ưu 1588, Nhị Nương 2308, Việt Lai 20, Lai thơm 6... gieo mạ từ 16 – 20/1/2023, cấy từ ngày 6 – 10/2/2023 (từ ngày 16 – 20/1/2023 âm lịch).
Nếu gieo sạ (gieo thẳng) thì phải gieo chậm lại từ 5 – 6 ngày so với ngày gieo mạ đối với từng nhóm giống lúa nói trên.

Thứ hai: Mùa xuân ấm thường xẩy ra các hiện tượng sương mù nhiều vào buổi sáng sớm và chiều tối, ẩm độ không khí cao vào những lúc sương mù xẩy ra, nhưng lại rất thấp vào khoảng thời gian gần trưa và đầu giờ chiều. Hiện tượng thời tiết như thế này là cơ hội rất thích hợp cho bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, rầy nâu, sâu cuốn lá... phát triển mạnh gây hại cây lúa.

Vì vậy biện pháp tốt nhất để đề phòng những loại sâu bệnh nói trên trong vụ lúa xuân tới, đó là:
Không nên gieo cấy quá dày, chỉ nên gieo cấy ở mật độ trung bình từ 38 – 40 khóm/m2. Nếu đất tốt, thâm canh cao thì gieo cấy từ 36 – 38 khóm/m2, đất kém màu gieo cấy 40 – 41 khóm/m2, mỗi khóm cấy 1 – 2 tẻ. Nếu gieo sạ chỉ nên gieo từ 2 – 2,5 kg hạt giống/sào (500 m2). Gieo cấy mật độ nói trên vừa hạn chế sâu bệnh, vừa tiết kiệm hạt giống và tiết kiệm được cả chi phí phân bón không cần thiết do gieo cấy mật độ quá dày.

Thường xuyên thăm đồng phát hiện sớm các loại sâu bệnh gây hại trên cây lúa để tổ chức phòng trừ  ngay khi diện tích bị nhiễm sâu bệnh còn nhỏ. Riêng bệnh đạo ôn phòng trừ ngay khi mầm bệnh mới xuất hiện mới có hiệu quả, phòng trừ chậm khi mầm bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính hiệu quả rất thấp.
Các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh hiện nay trên thị trường tràn lan, thật giả lẫn lộn. Vì vậy không mua các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh bán tự do trôi nổi ở ngoài thị trường. Tốt nhất mua ở các công ty, đại lý, ky ốt... được Chi cục trồng trọt và BVTV giám sát và cấp chứng chỉ hành nghề để mua đúng thuốc và tư vấn kỹ thuật sử dụng thuốc đúng cách, đúng lúc, đúng nồng độ và đúng kỹ thuật.

Doãn Trí Tuệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập33
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm28
  • Hôm nay10,107
  • Tháng hiện tại260,820
  • Tổng lượt truy cập8,095,252
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây