NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Hội Nông dân Nghệ An: Đẩy mạnh phong trào thành lập chi, tổ Hội nghề nghiệp
Thứ hai - 16/03/2020 21:532.0420
(Hội NDNA) - Việc đổi mới mô hình chi, tổ hội theo địa bàn dân cư, xây dựng mô hình chi, tổ Hội theo nghề nghiệp là việc làm mới. Việc thành lập này không khó nhưng để duy trì hoạt động thì không dễ. Thời gian qua, Hội Nông dân Nghệ An đã xây dựng và thành lập mới nhiều chi tổ hội nghề nghiệp với mục đích đoàn kết, tập hợp các hội viên nông dân thuộc cùng một lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tổ chức các hoạt động nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Chi, tổ hội nghề nghiệp – Hướng đi mới hiện nay
Thực hiện Đề án số 24-ĐA/HNDTW năm 2016 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, Hội nông dân tỉnh đã khảo sát và xây dựng, thành lập mới nhiều chi, tổ hội dựa trên nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi và đảm bảo đạt được tiêu chí 5 cùng: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi. Đặc biệt, các chi - tổ hội đã xây dựng được nội dung sinh hoạt phong phú, thiết thực, trong đó bao gồm việc đi sâu vào trao đổi thông tin liên quan đến ngành nghề sản xuất kinh doanh; cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phòng trừ dịch bệnh, cách thức lập dự án sản xuất kinh doanh…Việc xây dựng các chi hội, tổ hội nghề nghiệp sẽ tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đây là một chủ trương thiết thực, phù hợp trong tình hình hiện nay.
Ngay sau khi nhận được đề án xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp của Hội nông dân tỉnh, Hội nông dân Thị xã Cửa Lò đã tiến hành triển khai xây dựng mô hình “Tổ hội nghề nghiệp chế biến nước mắm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” trực thuộc Chi hội Nông dân khối 7, phường Nghi Thủy (Thị xã Cửa Lò). Tham gia Tổ có 18 thành viên là các hộ sản xuất và chế biến nước mắm trong khối, hoạt động theo quy chế của tổ đề ra. Tổ hội nghề nghiệp chế biến nước mắm đảm bảo vệ sinh ATTP được thành lập nhằm tập hợp những hộ gia đình trên địa bàn Phường có cùng nghề chế biến nước mắm, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chế biến, giúp nhau tiếp cận các nguồn vốn vay, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hướng tới hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa, liên kết, giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững và làm giàu chính đáng trên quê hương, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Cùng lúc đó, Hội nông dân huyện Hưng Nguyên cũng thành lập “Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi lợn và thủy sản” tại xã Hưng Tiến với 34 hội viên tham gia, tổng nguồn vốn hỗ trợ là 400 triệu đồng. Huyện Thanh Chương thành lập “Tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả” tại xã Thanh Mỹ với 14 hộ tham gia, tổng nguồn vốn hỗ trợ 400 triệu đồng. tiếp đến là các huyện Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc,…
Trao đổi về vấn đề này, ông Đậu Thế Anh – Chủ tịch Hội nông dân phường Nghi Thủy chia sẻ: “Việc xây dựng các chi hội, tổ hội nghề nghiệp sẽ tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng trong việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đồng thời, việc đổi mới này sẽ góp phần đổi mới và thúc đẩy xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn, tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng gia trại, trang trại có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hóa lớn, tập trung”
Tiếp tục định hướng sản xuất
Trong thời gian tới, cùng với việc tăng cường tuyên truyền về “Xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp”, Hội nông dân tỉnh sẽ tiếp tục định hướng các tổ, hội nghề nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, phục vụ đủ cho người tiêu dùng. Mặt khác, đẩy mạnh đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc xây dựng mô hình, đồng thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp, hỗ trợ kịp thời. Cùng với đó, Hội nông dân tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất cho hội viên các tổ hội nghề nghiệp, tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất theo chuỗi giá trị. Việc hỗ trợ vốn cho các thành viên bên cạnh nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, hội tiếp tục phối hợp với các ngân hàng giúp tổ hội nghề nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Song song với việc định hướng, tuyên truyền Hội cũng đã tiến hành thảo luận và xây dựng kế hoạch về cách thức tổ chức sản xuất, xây dựng mô hình kinh doanh, dịch vụ nhằm nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm, giúp hội viên có công ăn việc làm, thu nhập ổn định xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững. Nhằm hướng đến tính hiệu quả tối đa của các mô hình kinh tế liên kết theo chuỗi giá trị. Qua đó, nhằm xây dựng mối quan hệ đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động, sản xuất kinh doanh và cuộc sống sinh hoạt của các hội viên.
Để các hoạt động của chi, tổ hội nghề nghiệp được phát huy hiệu quả cao thì việc lựa chọn, định hướng xây dựng mô hình ngành nghề phải phù hợp với địa bàn dân cư và thế mạnh của từng vùng miền. Khi các cơ sở hội được thành lập và đi vào hoạt động chính quyền địa phương ở cơ sở cần phải thực sự quan tâm, nhất là việc định hướng cho nông dân phát huy thế mạnh của lĩnh vực sản xuất ưu thế của địa phương để xây dựng các mô hình tổ hội nghề nghiệp đạt kết quả tốt. Một trong những khó khăn hiện nay trong việc xây dựng chi, tổ hội là nguồn vốn cho các mô hình tổ hội nghề nghiệp vay để đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân.
Mặc dù mới thực hiện chủ trương xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp nhưng bước đầu đã cho thấy những kết quả đáng ghi nhận rõ rệt về những đóng góp tích cực về các mặt xã hội cũng như trong phát triển kinh tế. Hiện nay, Tổ hội chăn nuôi lợn, gà và thủy sản ở xã Hưng Tiến Hưng Nguyên) đã tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động trên địa bàn, mà trước hết là các lao động trong gia đình, cho nguồn thu hàng ngày đảm bảo điều kiện sống của các thành viên. Riêng hộ gia đình anh Lê Quốc Tân, chi hội trưởng chi hội nghề nghiệp đã có tới hàng trăm con lợn và nuôi cá thương phẩm. Bình quân hàng năm cho thu nhập cao và ổn định.
“Việc thành lập chi, tổ hội này đã quây quần được các thành viên cùng có chung ý tưởng ngồi lại với nhau. Như một lẽ tự nhiên làm nghề chung với nhau thích sinh hoạt với nhau, việc này nó cũng đã thúc đẩy, ươm mầm tư tưởng hợp tác liên kết với nhau trong quá trình sản xuất theo giống chủ trương của Đảng nên được các cấp ủy rất ủng hộ. Trước mắt là ưu tiên, khuyến khích những nơi có nguồn lực, có khả năng và Hội sẽ giao các chỉ tiêu cụ thể để các mô hình của tổ hội hoạt động hiệu quả hơn” – Ông Nguyễn Quang Tùng, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh chia sẻ.