NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi
Thứ bảy - 19/02/2022 03:113.1780
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 19 đến 23/2/2022, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng trải qua đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Để hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân có thể áp dụng một số biện pháp phòng chống rét cho cây trồng và vật nuôi như sau:
1. Đối với lúa, cây rau, màu
- Che chắn cây trồng bằng nilon tránh mưa, rét, thực hiện biện pháp phòng, chống rét theo hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan khuyến nông.
- Với những diện tích thiệt hại nhẹ có thể khắc phục được: tăng cường các biện pháp chăm sóc, tưới nước, bón phân hữu cơ hoai mực, phân NPK để cây ra thêm rễ mới, sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu với điều kiện thời tiết.
Đối với mạ, lúa: không gieo mạ những ngày nhiệt độ dưới 15 độ C. Những ruộng mạ mới gieo bà con cần phải làm khum vòm phủ kín bằng nilon trắng cho mạ; luôn giữ ẩm đủ ẩm cho mạ bằng cách giữ nước ở rãnh (đối với mạ dược non); rắc tro bếp mục lên trên mặt luống để giữ ấm cho mạ. Những ruộng mạ đã lên xanh cần đưa nước vào ngập 1/3-1/2 cây mạ đối với mạ dược và tưới ẩm đối với mạ sân, đồng thời cũng cần phải che phủ kín bằng nilon trắng. Trước cấy 2-3 ngày phải mở hết nilon để mạ được tôi luyện với môi trường tự nhiên. Trong những ngày có sương muối giá buốt, bà con cần tưới nước trên mặt lá làm tan sương để tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng...
Đối với rau màu: Với diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch ngay. Đối với nhóm rau ăn lá cần che bằng nilon trắng để tránh mưa rét. Tưới đủ ẩm theo nhu cầu dinh dưỡng của từng cây trong những ngày rét đậm. Bón thêm phân kali, phân lân, giảm bón đạm, phun hoặc tưới một số chế phẩm sinh học như KH, PenacP… để cây khỏe mạnh tăng cường khả năng chống rét. Những ngày có sương muối giá buốt dùng thùng ô doa hay vòi bơm tưới, phun nước trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng xuyên qua…
2. Đối với vật nuôi
Không chăn thả rông gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại, mưa tuyết, không thả đàn gia súc trên núi cao, cần đưa đàn gia súc xuống khu vực thấp hơn, nuôi nhốt trong chuồng kín, tránh gió lùa.
Nếu bắt buộc phải thả gia súc thì thời gian tốt nhất để đưa gia súc ra ngoài là khoảng sau 8 giờ sáng. Gia súc cần được giữ ấm trước khi đưa chúng ra ngoài đặc biệt những gia súc yếu và còn non.
Che chắn chuồng trại, sử dụng những vật liệu có sẵn như bạt, phên nứa, bao tải... để che chắn tránh gió lùa, mưa hắt; tránh để nền trại ẩm ướt, lầy lội (sử dụng rơm, cỏ, lá chuối khô, bẹ ngô… khô để lót nền chuồng). Dự trữ chất đốt như củi, trấu, rơm rạ…, đốt lửa sưởi ấm cho trâu, bò, lưu ý chuồng trại cần có lỗ thoáng phía trên để lưu thông khí, tránh ngạt khí độc khi đốt lửa sưởi cho trâu bò; làm áo khoác ấm (tận dụng áo cũ, chăn cũ, bạt dứa…) cho trâu bò, nhất là con yếu và non; đối với gia cầm có thể dùng đèn sưởi ấm.
Thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm theo quy định, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý chất thải vật nuôi tránh dịch bệnh.
Chủ động dự trữ thức ăn thô xanh (rơm rạ, cỏ khô, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp…) từ trước và cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ; cần bổ sung thức ăn tinh (ngô, sắn, cám gạo…), muối khoáng, vitamin, cho uống nước ấm, thực hiện các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng theo hướng dẫn của cơ quan thú y, khuyến nông để tăng cường sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm.