Tuyên truyền kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt

Thứ hai - 31/08/2020 03:23
(Hội NDNA) - Để cung cấp tài liệu phục vụ sinh hoạt nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh biên soạn Đề cương Tuyên truyền kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt (14/10/1930 – 14/10/2020).
1. Sự ra đời của Nông hội đỏ- tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay

Vào đầu năm 1920, sau khi dập tắt các cuộc khởi nghĩa của nông dân, ruộng đất được tích tụ vào tay một số ít địa chủ Pháp, nhà chung, phong kiến, quan lại, địa chủ đã làm xã hội phân hóa mạnh mẽ, đời sống nông dân vô cùng nghèo nàn, đau khổ. Họ nhận rõ bộ mặt thực của kẻ thù dân tộc và kẻ thù giai cấp, từng bước giác ngộ chính trị, sẵn sàng ủng hộ, đi theo các phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì quyền lợi của người lao động.

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc- một số địa phương đã tập hợp nông dân dưới các hình thức như: phường lợp nhà, phường đánh cá, phường chung lúa… để nổi dậy đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Các tổ chức tiền thân của đảng đã tập hợp nông dân đoàn kết đấu tranh chống đế quốc cướp nước và đánh đổ tay sai. Tháng 11/1929, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung kỳ, Tổng Nông hội Nghệ An ra đời, do đồng chí Phan Thái Ất làm Bí thư. Cuối năm 1929, ở tỉnh Hà Đông, Đông Dương cộng sản Đảng đã thành lập tổ Nông hội đỏ. Tiếp theo đó, nhiều tổ chức Nông hội đỏ được thành lập ở Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương và các tỉnh Trung Kỳ, Nam Kỳ…

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong Sách lược vắn tắt của Đảng (được thông qua ngày 03/02/1930) đã nêu ra những vấn đề cơ bản đối với giai cấp nông dân: “Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến''; Đồng thời, Đảng nhấn mạnh ''Nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng". Dưới sự lãnh đạo của các Đảng bộ địa phương, các tổ chức Nông hội cấp cơ sở được hình thành ở Nam Kỳ, Trung Kỳ, đặc biệt là ở Nghệ - Tĩnh. Nông dân cả nước đã vùng lên đấu tranh cùng với công nhân giành thắng lợi từng bước. Chỉ tính từ tháng 5/1930 – 10/1930 cả nước có 53.000 hội viên nông hội.

Hội nghị lần thứ Nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp trong tháng 10/1930 tại Hương Cảng đã ra Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương và thông qua Điều lệ Tổng Nông Hội Đông Dương gồm 8 điều trong đó nêu rõ mục đích''Thống nhất hết thảy Tổng Nông Hội Đông Dương để tranh đấu bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân và để thực hiện cách mạng thổ địa''. Điều lệ Tổng Nông hội Đông Dương quy định: “Hễ Nông hội nào thừa nhận mục đích, Điều lệ và chịu thi hành những án nghị quyết của Tổng Nông hội Đông Dương và nộp hội phí thì được nhận làm hội viên”, trong đó trọng tâm là xây dựng tổ chức Nông hội, cơ sở của Nông hội là làng. Cũng tại hội nghị này Điều lệ Nông hội làng được thông qua. Mục đích là đoàn kết hết thảy bần và trung nông trong làng, liên hiệp với nông dân và công nhân các nơi trong nước để đấu tranh chống áp bức, bóc lột, bênh vực quyền lợi của nông dân và thực hiện cách mạng ruộng đất.

Sự ra đời của Tổng Nông hội Đông Dương đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam. Kể từ đây, giai cấp nông dân được Đảng cộng sản dẫn dắt đưa đường, đã cùng nhân dân cả nước đấu tranh giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, góp phần quan trọng viết nên những trang sử vẻ vang từ Xô Viết - Nghệ Tĩnh đến khởi Nghĩa Bắc Sơn; từ khởi Nghĩa Nam Kỳ đến khởi nghĩa Ba Tơ và cuối cùng đến thắng lợi của cách mạng tháng 8/1945, giành chính quyền về tay nhân dân.
Cùng với khí thế cách mạng sục sôi của cả nước, ngay từ năm 1929, dưới sự hướng dẫn của đồng chí Phan Thái Ất- Bí thư đầu tiên của Tổng Nông hội đỏ Nghệ An, giai cấp nông dân Nghệ An đã tập hợp nhau lại liên tiếp nổi dậy đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, đấu tranh đòi ruộng đất cho dân cày. Cao trào cách mạng 30- 31 ở Nghệ Tĩnh được mở đầu bằng cuộc biểu tình của hàng nghìn công nhân Vinh - Bến Thuỷ vào ngày 1/5/1930.

Tiếp đó là hàng nghìn, hàng trăm nghìn lượt nông dân của Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Thanh Chương, Anh Sơn, Quỳnh Lưu... đã nổi lên biểu tình chống địch khủng bố, đòi quyền lợi ruộng đất, đòi giảm sưu thuế. Lần đầu tiên trong lịch sử, các phong trào cách mạng của nông dân, công nhân đã đập tan bộ máy thống trị của thực dân - phong kiến lập nên chính quyền Xô Viết Công - Nông. Tuy chỉ tồn tại trong vòng 8 tháng nhưng “Xô Viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động”.

2. Hội tập hợp nông dân trong phong trào giải phóng dân tộc (1930 – 1945)

Ngày 20/3/1931, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về vấn đề chỉnh đốn Nông hội đỏ, trong đó khẳng định vai trò to lớn của Nông hội trong cách mạng, giai cấp nông dân “là một lực lượng chính của cách mạng”. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai, tháng 3/1931 nhấn mạnh:Cần phải đẩy mạnh việc tổ chức Nông hội làng, tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, đồng thời chỉ rõ: trong điều kiện địch khủng bố trắng, nông dân cùng các tầng lớp nhân dân đoàn kết đấu tranh, giương cao khẩu hiệu: chống sưu thuế, địa tô, chống nạn thất nghiệp, chống khủng bố trắng, chống cải lương lừa dối, chống chiến tranh….

Thực hiện Nghị quyết Trung ương hai, các tổ chức Nông hội được củng cố và trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh của nông dân. Tháng 6/1932 Trung ương Đảng đã khởi thảo Chương trình hành động nhằm khôi phục nhanh chóng phong trào cách mạng, đồng thời đề ra phương hướng đấu tranh và những biện pháp cụ thể phù hợp với tình hình mới. Chủ trương của Đảng nêu rõ: phải tận dụng mọi khả năng hợp pháp, nửa hợp pháp để tổ chức đấu tranh và phát triển tổ chức bí mật (Nông hội). Trên cơ sở Chương trình hành động của Đảng, Chương trình hành động của Nông hội ra đời bao gồm 10 điểm.

Để phù hợp với tình hình mới, tháng 3/1937, Nông hội đỏ được đổi tên thành Nông hội đã tập hợp, lãnh đạo nông dân hợp lực với công nhân và nhân dân lao động đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Tháng 5/1941, Mặt trận các đoàn thể lấy tên là cứu quốc, Nông hội có tên gọi là Việt Nam Nông dân cứu quốc hội “thu nạp hết thảy nông dân đến cả hạng phú nông, địa chủ muốn tranh đấu đuổi Pháp - Nhật''. Hội trở thành lực lượng to lớn của Mặt trận Việt Minh, tạo nên một lực lượng chính trị rộng lớn, áp đảo kẻ thù. Các tổ chức nông dân cùng với công nhân đã trở thành ''xương sống'' của Mặt trận.

Dưới sự lãnh đạo của Nông hội, nông dân đã đấu tranh chống thu thóc, chống nhổ lúa trồng đay, nhổ ngô trồng thầu dầu.... Từ năm 1943, với khẩu hiệu ''Đoàn kết toàn dân đánh đuổi Nhật - Pháp', Nông hội đã đưa nông dân tham gia vào các phong trào biểu tình chống Nhật, vũ trang đánh Nhật…Phong trào đấu tranh các tổ chức cứu quốc của nông dân càng phát triển mạnh mẽ, góp sức vào làn sóng khởi nghĩa từng phần đang nổi lên cuồn cuộn trong cả nước, làm tan rã từng mảng chính quyền cơ sở của phát xít, tay sai, tạo nên khí thế cách mạng sôi sục, đưa cả nước hừng hực bước vào cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công.

Ở Nghệ An, kết quả thắng lợi của phong trào nông dân- công nhân cũng như việc ra đời chính quyền Xô Viết đã làm cho bọn thực dân phong kiến hoang mang cực độ. Chúng ra lệnh cho quân lính ngày đêm lùng sục vào tận hang cùng ngõ hẻm bắn giết cộng sản, đốt phá làng mạc, nhà cửa, đàn áp các phong trào biểu tình. Để bảo vệ sự sống còn của nhân dân, Nông hội đỏ Nghệ An đã triển khai một chiến dịch chống đối mạnh mẽ dưới nhiều hình thức, đồng thời chỉ đạo nông dân tiến lên biểu tình chống đánh đập, đòi bọn cầm quyền cấp cơm gạo cho dân bị đói, đòi hào lý trả lại ruộng đất công,...
Cuộc tổng khởi nghĩa mùa thu năm 1945 thành công có một phần công sức lớn lao của nông dân trong tỉnh. Dưới ngọn cờ Việt Minh, giai cấp nông dân, Công nhân cùng các tầng lớp khác đã ào ạt tiến lên trong khí thế triều dâng thác đổ. Qua 12 ngày đêm (từ ngày 15/8 - 28/8/1945),13 cuộc khởi nghĩa ở khắp các huyện trong toàn tỉnh đã giành thắng lợi toàn vẹn.

Thành công vĩ đại của Cách mạng tháng Tám là một minh chứng cho tinh thần, khả năng và vai trò cách mạng to lớn của nông dân với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng thời, là một thắng lợi của sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng đối với các tổ chức của giai cấp nông dân, thể hiện sự gắn bó giữa Đảng với nông dân, nông dân với Đảng.

3. Hội Nông dân trong kháng chiến kiến quốc (1945 - 1975).

Trong điều kiện chiến tranh ngày càng lan rộng với mức độ gay go ác liệt hơn, nhiệm vụ kháng chiến càng đòi hỏi phải động viên toàn thể nông dân tham gia trên tất cả các mặt trận. Ngày 6/8/1949, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết thành lập Ban Nông vận trung ương.

Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ nhất (họp từ ngày 28/11/1949) đã chỉ rõ nhiệm vụ của Hội Nông dân cứu quốc là: Vận động nông dân tích cực tăng gia sản xuất, trực tiếp tham gia chiến đấu; tổ chức tốt phong trào đổi công giúp đỡ lẫn nhau trong tăng gia sản xuất, thiết thực đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ Hai, (tháng 5/1951) quán triệt nhiệm vụ Hội Nông dân trước yêu cầu nhiệm vụ đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tới toàn thắng.

Ở miền Bắc, với tinh thần ''Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng'', nông dân đã hăng hái tham gia xây dựng “Cánh đồng 5 tấn”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Trong các vùng địch tạm chiếm Nông hội tiến hành nhiều hình thức đấu tranh lên án hành động bắn phá, đốt hoa màu của địch; tranh thủ sản xuất, thu hoạch và cất dấu lương thực, thực phẩm ở vùng địch hậu phục vụ sự nghiệp kháng chiến. Nhờ vậy giai cấp nông dân và Hội Nông dân đã đóng góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ, (07/5/1954)và thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ (20/7/1954) mở ra thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam. Hoà bình được lập lại ở Đông Dương, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Ở miền Nam,Nông hội vừa tích cực tổ chức vận động nông dân chuẩn bị đấu tranh lâu dài, vừa khẩn trương tranh thủ thời gian củng cố sản xuất, ổn định đời sống. Ngày 21/4/1961, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập, đánh dấu sự phát triển của tổ chức nông dân, hàng ngàn cơ sở Nông hội cứu quốc được phục hồi trong thời gian Đồng khởi. Trải qua 2 kỳ Đại hội, Hội Nông dân Giải phóng miền Nam đã lãnh đạo nông dân liên tục nổi dậy giành quyền làm chủ trên nhiều địa bàn quan trọng tiến tới "Tổng tấn công" mùa Xuân năm 1975 giành trọn vẹn thắng lợi, đất nước thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà.

Hoà cùng bối cảnh chung của đất nước, sau khi giành chính quyền, Nghệ An phải đối mặt với muôn vàn khó khăn mới. Chính quyền cách mạng còn non trẻ phải cùng lúc đối phó với thù trong, giặc ngoài, đồng thời phải giải quyết hậu quả của nạn đói đầu năm 1945 để lại. Song, nông dân Nghệ An vẫn hăng hái thi đua, ban ngày tích cực tăng gia sản xuất, đêm đến lại chong đèn theo học các lớp bình dân học vụ; chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối phó với các âm mưu của giặc ngoại xâm.

 Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, thực hiện khẩu hiệu “mỗi người dân là một người lính”, nông dân khắp nơi trong tỉnh luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Với tinh thần “quân sự trên hết, tiền tuyến trên hết”, giai cấp nông dân đã động viên con em mình ra trận phục vụ tiền tuyến. Trong 9 năm kháng chiến, toàn tỉnh có hơn 80 nghìn người xung trận, 10.630 thanh niên xung phong, và 927.447 lượt người tham gia dân công hoả tuyến. nông dân cũng đã đóng góp 30 vạn tấn thóc, 1 vạn chiếc xe đạp thồ, 23 kg vàng, 350 nén bạc dành gửi ra mặt trận góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, chấm dứt gần một thế kỷ đô hộ của thực dân Pháp trên đất nước ta.

Chấm dứt chiến tranh, nông dân trong tỉnh lại bị chìm trong trận lụt lịch sử tháng 9/1954 làm 3000 ngôi nhà bị sập và cuốn trôi; hơn 1000 con trâu bò cày kéo bị chết; hơn 70.000 mẫu ruộng bị mất trắng, nhiều tuyến đê và hồ đập bị vỡ… Vừa khắc phục hậu quả thiên tai, vừa phục hồi vết thương chiến tranh trong thời kỳ chống Pháp, nông dân Nghệ An vẫn hăng say bồi dưỡng tư tưởng chính trị, tham gia diệt giặc dốt, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ở hậu phuơng, nông dân vừa là xã viên vừa là chiến sỹ, “vững tay bừa, chắc tay súng” chống trả quyết liệt với kẻ thù. Tại các trọng điểm giao thông: Hoàng Mai, Cầu Bùng, Cầu Cấm, Truông Bồn, Nam Đông... đường giặc phá dân đắp, cầu cống giặc đánh sập dân làm lại với quyết tâm “xe chưa qua nhà không tiếc”. Thực hiện khẩu hiệu “tất cả vì Miền Nam ruột thịt”, Hội ND Nghệ An đã tổ chức động viên lực lượng của mình phát triển sản xuất, bảo vệ hậu phương, cung cấp quân lương cho mặt trận. Những đóng góp to lớn ấy đã cùng với quân dân cả nước bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.
4. Hội Nông dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nông hội phát triển đều khắp, tích cực vận động nông dân đẩy mạnh phong trào thủy lợi, phát triển sản xuất, làm nghĩa vụ đối với Nhà nước, tăng cường đoàn kết trong nông dân, xây dựng chính quyền, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn.

Để phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đoàn kết nông dân lao động, đưa nông thôn nước ta tiến lên CNXH, ngày 27/9/1979, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 78 – CT/TƯ về việc tổ chức Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở.

Ngày 01/3/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 42 – QĐ/TW về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam.Tại phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14 tháng 10 năm 1930 làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.Ngày 20/5/1991, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 69 – CT/TƯ về việc Tổ chức kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/1991). Lần đầu tiên Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mít tinh kỷ niệm trọng thể 61 năm Ngày thành lập tại Thủ đô Hà Nội.

Kể từ năm 1988 đến nay, Hội Nông dân Việt Nam đã trải qua 8 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội là một mốc lịch sử quan trọng khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp nông dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I (1988) đến lần thứ VII (2018) của Hội Nông dân Việt Nam, giai cấp nông dân Việt Nam luôn khẳng định vị trí, vai trò to lớn của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vai trò, vị trí của giai cấp nông dân được thể hiện rất rõ là trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới.

Qua mỗi chặng đường lịch sử, công tác Hội và phong trào nông dân không ngừng phát triển, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện vai trò nòng cốt trong phong trào nông dân trong quá trình đổi mới của đất nước; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của hội viên nông dân; tăng cường liên minh với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức, làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc; mở rộng hợp tác quốc tế góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam, nhiệm kỳ 2018 – 2023, được tổ chức từ ngày 11 – 13/12/2018 đã xác định phương hướng chung của nhiệm kỳ 5 năm (2018-2023) là: Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của Hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. Hội Nông dân Việt Nam cần nắm chắc nguyên tắc liên minh công nông, tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng giải quyết tốt lợi ích thiết thân của hội viên, nông dân, luôn dựa vào nông dân, vì nông dân; kết hợp chặt chẽ phương pháp vận động,tuyên truyền miệng với phương pháp tổ chức có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh; vận động hội viên, nông dân thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển và nâng cao chất lượng hội viên.

Với mục tiêu tổng quát “Phát huy truyền thống cách mạng, nông dân Nghệ An đoàn kết, sáng tạo, chủ động hội nhập; xây dựng tổ chức hội vững mạnh; chăm lo đời sống vật chất tinh thần của nông dân”; sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018-2023, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh nhà đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Các cấp hội tập trung đổi mới, đa dạng phương thức tuyên truyền vận động để tập hợp hội viên.Chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân để gắn kết hội viên với tổ chức hội. Ban Chấp hành Hội nông dân tỉnh đã ban hành Đề án số 03ĐA/HNDT về việc “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm bắt tư tưởng, kiến nghị, đề xuất của hội viên nông dân trong giai đoạn hiện nay”, Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy các cấp triển khai thực hiện Kết luận số 61 KL/TW, ngày 03/12/2009 về việc thực hiện Đề án “Nâng cao vai trò trách nhiệm của tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng giai cấp nông dân và tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020”, Quyết định số 673 QĐ/TTg, ngày 10/5/2011“Về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011- 2020”. Tập trung chỉ đạo việc thành lập tổ hội Nông dân nghề nghiệp, chi hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác; chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, rà soát nâng cao chất lượng tổ chức hội và hội viên nông dân, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội các cấp, tăng cường các hoạt động tư vấn, đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao KHKT, các hoạt động dịch vụ hỗ trợ vốn, vật tư sản xuất giúp nông dân.

Phát huy truyền thống, thành tích đạt được; thiết thực chào mừng 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam và các ngày lễ lớn của đất nước năm 2020, trong thời gian tới các cấp Hội trong tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục, kịp thời phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của nông dân và các nghị quyết của Hội đến đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân. Cung cấp thông tin về thị trường, giá cả nông sản, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, các sản phẩm công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để nông dân lựa chọn và ứng dụng, thay đổi tư duy sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Chú trọng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân để cùng tháo gỡ kịp thời, báo cáo với cấp uỷ và cùng chính quyền có biện pháp giải quyết.

- Tập trung nhiệm vụ củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở hội, chất lượng hội viên. Triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Hội nghị lần thứ Ba, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng Hội. Tăng cường trách nhiệm của BTV hội cơ sở trong việc định hướng nội dung sinh hoạt chi hội. Đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng tổ chức hội, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tính đa dạng, phong phú ngành nghề nông thôn.

- Tăng cường các hoạt động tư vấn, hướng dẫn thành lập tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ hợp tác do Hội chủ trì hướng dẫn thành lập.Thực hiện có hiệu quả Đề án Hội Nông dân tham gia phát triển tổ hợp tác giai đoạn 2019- 2023 của Ban Thường vụ Hội ND tỉnh.

- Vận động nông dân tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường. Mỗi cơ sở hội tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng một vườn chuẩn nông thôn mới; tiếp tục xây dựng và chăm sóc “Hàng cây nông dân ơn Bác”. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn.

- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phối hợp cho nông dân vay phân bón, vật tư nông nghiệp, đảm bảo chất lượng, giá cả. Chú trọng hoạt động tư vấn, hướng dẫn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tích cực vận động các cá nhân, tổ chức ủng hộ xây dựng, phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân; khuyến khích phong trào nông dân góp vốn tương trợ, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, giảm nghèo.

Tập trung nâng cao chất lượng công tác dạy nghề, chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân, đảm bảo hiệu quả, sát định hướng phát triển của từng địa phương. Khuyến khích các cấp hội năng động, sáng tạo triển khai các hình thức tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân.
BAN THƯỜNG VỤ HỘI NÔNG DÂN TỈNH

Tuyên Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập57
  • Hôm nay12,770
  • Tháng hiện tại325,327
  • Tổng lượt truy cập15,466,209
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây