Giải pháp phòng trừ sâu keo mùa thu

Thứ ba - 08/09/2020 05:47
(Hội NDNA) - Năm 2019, sâu keo mùa thu xuất hiện, gây hại rất lớn diện tích ngô trên địa bàn tỉnh, thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trên 1.400 ha bị sâu keo mùa thu gây hại, trong đó có khoảng 200 ha bị nhiễm nặng. Các địa phương, người dân cần sớm có kế hoạch phòng, trừ để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Sâu keo mùa thu gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau như: Họ hoà thảo, họ cà, họ bầu bí, họ hoa thập tự. Tuy nhiên, cây ký chủ chính của chúng là cây ngô, cây lúa và các cây cỏ họ hoà thảo khác. Mức độ thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra trên ngô khi không tiến hành các biện pháp phòng trừ lên đến trên 50% sản lượng ngô.

Sâu keo mùa thu là một loài đa thực khó phòng trừ, để phòng trừ sâu keo mùa thu hiệu quả cần áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, cụ thể như sau: Một trong các nguyên tắc đầu tiên của biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm, phòng trừ kịp thời và  áp dụng các biện pháp sau đây:

1. Biện pháp canh tác

Đối với những vùng chủ động nước có thể luân canh ngô - lúa ngay sau vụ ngô, làm đất kỹ để diệt trừ nhộng trong đất. Làm đất, phơi khô để ấu trùng, nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt; Làm sạch cỏ dại xung quanh vùng trồng ngô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu; Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn ngô 3-7 lá để kịp thời ngắt ổ trứng tiêu hủy trước khi phát triển thành sâu non. Ngoài ra, trồng sớm hoặc sử dụng giống chín sớm, thu hoạch sớm giúp ngô tránh được mật độ sâu keo cao vào thời kỳ cuối mùa. Ở những vùng đã từng bị sâu keo mùa thu gây hại nặng chọn giống ngô có khả năng kháng, chống chịu sâu keo mùa thu cao (NK 7328 Bt/GT, NK 4300 Bt/GT, NK 66 Bt/GT, NK 6101 Bt/GT, 8639S, 6919S, 99558S, …) để gieo trồng nhằm giảm mức độ thiệt hại, giảm chi phí sản xuất do phải áp dụng các biện pháp khác phòng chống sâu keo mùa thu, đặc biệt với khu vực miền núi có địa hình khó khăn, nơi khan hiếm nước để phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

2. Biện pháp thủ công

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt là ở giai đoạn ngô 3-6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy.

3. Biện pháp sinh học

Hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học để bảo vệ thiên địch của sâu keo mùa thu.

Biện pháp sinh học đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới để phòng trừ sâu keo mùa thu. Một số loài kẻ thù tự nhiên của sâu keo mùa thu được áp dụng trong phòng chống sâu keo mùa thu như ong ký sinh sâu non. Nhiều vi sinh vật bao gồm: Virus, nấm, động vật nguyên sinh, tuyến trùng và một số loài vi khuẩn có thể ký sinh trên sâu keo mùa thu.... Sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu keo mùa thu từ vi khuẩn đối kháng như: Bacillus thuringiensis và các hoạt chất có nguồn gốc sinh học như Spinetoram …

Phòng trừ bằng biện pháp sinh học có tác dụng chậm, nhưng an toàn với môi trường không gây ra tính kháng thuốc cho sâu hại, nên trong quá trình sử dụng người sản xuất cần kiên trì.

4. Biện pháp bẫy, bả

Bẫy bả, bẫy đèn: Sử dụng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy đèn diệt trưởng thành.

Bẫy cây trồng: Trên cánh đồng trồng ngô trồng một số diện tích cỏ voi, ngô nếp sớm hơn thời vụ chung để dẫn dụ trưởng thành đến đẻ trứng. Sử dụng bẫy diệt trưởng thành, ngắt ổ trứng và phun trừ sâu non trên các diện tích bẫy cây trồng.

5. Biện pháp hóa học

Biện pháp hóa học có thể kiểm soát sự bùng phát của sâu keo mùa thu, nhưng nếu chúng ta lạm dụng thuốc BVTV hóa học dễ dẫn đến sự kháng thuốc và nhờn thuốc của của loài sâu này đã khiến biện pháp này không còn hiệu quả. Vì vậy, biện pháp hóa học là biện pháp cuối cùng khi đã áp dụng các biện pháp trên không hiệu quả. Tuy nhiên, để khống chế loài sâu này khi mật độ đạt cao vượt ngưỡng kinh tế thì biện pháp hóa học là cần thiết. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ khi mật độ sâu non tuổi 2-3 (mật độ sâu non 3-4 con/m2 hoặc tỷ lệ hại > 20% số cây, triệu trứng hại là các vết nhỏ li ti màu trắng trên lá).

Có thể sử dụng thuốc thương phẩm trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam như: V.K 16WP, 32WP; Vi-BT 16000WP, 32000WP; Comazol 16000 IU/mg WP; Delfin WG 32 BIU; Thuricide HP, OF 36 BIU; Aickacarb 250SC; Match 050EC; Obaone 95WG; Radiant 60SC… liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì.

Lưu ý: Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng và luân phiên sử dụng các hoạt chất khác nhau để tránh sâu nhờn thuốc, kháng thuốc. Phun ướt đều lá và phun vào nõn cây ngô.

Sâu keo mùa thu là loài đa thực có thể gây hại trên lúa nên khi đi thăm đồng, nông dân cần chú ý kiểm tra trên ruộng lúa nếu phát hiện có sâu keo mùa thu gây hại cần phòng trừ kịp thời.

Nếu có khó khăn trong quá trình phòng trừ sâu keo mùa thu hại ngô, người sản xuất cần liên hệ với cán bộ khuyến nông và cán bộ Trồng trọt và BVTV để được hướng dẫn phòng trừ kịp thời

 

Hương Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tin đọc nhiều
Thư viện ảnh
unnamed.jpg Hàng cây nông dân ơn Bác của Hội Nông dân phường Nghi Thủy,... Hàng cây Nông dân ơn Bác xã Hưng Lộc, thành phố Vinh Hàng cây nông dân ơn Bác của Hội Nông dân xã Châu Nhân,... xd2-17.jpg
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập97
  • Hôm nay13,963
  • Tháng hiện tại206,161
  • Tổng lượt truy cập7,675,614
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây