NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Nuôi ốc bươu đen làm giàu
Thứ ba - 29/10/2019 04:521.7930
Chị Nguyễn Thị Thắng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương. Gia đình chị chủ yếu làm nông nghiệp nên kinh tế cũng không mấy khá giả. Với ấp ủ luôn muốn vươn lên phát triển kinh tế để làm giàu trên mảnh đất mình sinh ra, tháng 4 năm 2016 chị Thắng ra miền Bắc nghiên cứu, học tập và mua 15 triệu đồng giống ốc bươu đen về nuôi và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau gần 4 tháng nuôi trên diện tích 1.500m2 ao chị đã thu hoạch lứa đầu tiên được 3 tạ ốc thương phẩm. Nhờ có thức ăn đầy đủ, ốc sinh trưởng nhanh, cứ sau khoảng 4 tháng lại thu hoạch 1 lứa ốc. Trong năm 2018 chị đã thu hoạch khoảng 1 tấn ốc bươu đen, với giá bán ra 80.000đ/1kg. Bên cạnh đó chị còn bán ốc giống 300.000đ/1kg. Chị Thắng chia sẻ: Con ốc vứt đâu cũng sống được miễn là có nguồn nước sạch, chúng hầu hết không mắc các dịch bệnh gì. Ốc thích nghi tốt với điều kiện sống trong ao, hồ đất hoặc bể xi măng. Thức ăn chủ yếu của ốc là các loại cây cỏ có sẵn trong tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp như: Cỏ, bèo tấm, bèo lục bình, lá sắn, xơ mít, rau củ, cà chua... Ngoài ra, có thể cho ốc ăn thêm cám gạo, ngô để thúc đẩy ốc tăng trưởng nhanh hơn. Thức ăn xanh rất quan trọng nếu chỉ bổ sung bằng thức ăn gạo thì sức tăng trưởng của ốc sẽ chậm so với 50% thức ăn xanh + 50% thức ăn tự chế thì ốc phát triển rất nhanh.. Chị cho biết thêm: Nuôi ốc khó nhất là kỹ thuật cho ốc ngủ đông vì ốc chịu rét rất kém, nếu không biết cách thì ốc có thể bị chết. Sau 2 năm nuôi và nghiên cứu chị đã rút ra được nhiều kinh nghiệm là cứ đến tháng 11 hàng năm là phải tát cạn ao, thu hết loại ốc khác, riêng ốc giống thì gom lại đưa vào bể xi măng. ( Lưu ý: bể phải dày bùn; đắp đất, trồng cỏ kín xung quanh; mặt nước thả bèo, sau đó dùng nilon che mạ phủ kín toàn bộ bể.). Đến tầm tháng 4 năm sau. Khi khí hậu ấm lên bắt đầu thả ốc xuống ao, lúc này ốc sẽ sinh sôi nảy nở rất nhanh. Để gây ốc giống, sau khi ốc đẻ trứng bỏ vào rổ nhựa nhỏ sau đó đặt vào chậu nhựa lớn, đổ nước vào, phía dưới có rổ nhựa nhỏ có lót kê 1 chiếc bát để tránh trứng ốc bị ngập nước; mỗi chậu nhựa như vậy chị Thắng đặt 4 rổ nhỏ. Chậu trứng ốc được để ở nơi có nhiệt độ mát, sau 20 ngày trứng ốc nở và bò xuống nước...Nước trong ao nuôi có độ sâu 1m trở lại, mật độ thả 150con/m2. Độ 10 ngày tháo 2/3 nước, thay nước mới vào ao. Xung quanh bờ ao dọn dẹp sạch sẽ, tránh chuột làm tổ ăn hết trứng ốc. Cứ 3-4 ngày cho ốc ăn một lần. Trong quá trình nuôi phải tránh để ốc bươu vàng xuất hiện, bởi ốc bươu vàng sẽ phát triển nhanh át mất ốc bươu đen.
Cùng với việc nuôi ốc chúng ta có thể thả thêm một số loại cá nhưng trừ các loại cá Trắm, cá trầu, cá chép, cá dơi trắng, chuột, những loại này nó sẽ ăn ốc. Thời gian nuôi ốc từ giai đoạn trứng đến giai đoạn ốc thương phẩm là hơn 3 tháng . Nếu muốn giữ làm ốc bố mẹ thì cần nuôi kéo dài thêm 2 tháng nữa. Thời gian thu hoạch ốc thường rải rác trong năm do gối vụ, tập trung nhất là từ tháng 4-9. Gia đình chị nuôi ốc kết hợp cá các loại, Hoa Lan nên mỗi năm cho thu nhập 300 triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, gia đình chị Thắng sẽ mở rộng thêm diện tích nuôi, tạo nguồn ốc giống để cung cấp trong và ngoài huyện. Ông Hà Văn Tân: Chủ tịch Hội Nông dân xã Giang Sơn Tây cho biết: Chị Thắng là một hội viên năng động, dám nghĩ, dám làm, luôn đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tích cực tham gia hoạt động công tác hội. Mô hình Nuôi ốc Bươu đen là một mô hình khá hiệu quả, không cần vốn nhiều nhưng lại đem lại nguồn thu nhập ổn định. Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hội viên trong toàn xã học tập, hỗ trợ lẫn nhau về giống, kỹ thuật chăm sóc để từng bước nhân rộng mô hình nuôi ốc phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình và địa phương.