NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cây chuối rừng xóa đói giảm nghèo ở bản Mông
Thứ năm - 05/03/2020 04:062.3260
(Hội NDNA) - Những năm gần đây cây chuối rừng được nhiều hộ nông dân ở bản Lưu Thông xã Lưu Kiền huyện Tương Dương đưa về trồng để thu hái Lá bán tăng thêm thu nhập. Mô hình này đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, giúp người Mông xóa đói giảm nghèo.
Bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền là nơi định cư của gần 54 hộ đồng bào Mông sinh sống. Địa hình chủ yếu là đồi núi, khó khăn về canh tác các loại cây trồng. Theo lời trưởng bản Vừ Giông Nênh, thời gian đầu đến khai hoang lập bản, cuộc sống người Mông bản Lưu Thông gặp nhiều khó khăn. Người dân tin cán bộ, tin Đảng xuống định cư ở đây để tránh xa những hủ tục, từ bỏ trồng cây thuốc phiện. Nhưng làm sao người dân có đất để sản xuất để họ không bỏ bản, không di cư.
Việc đưa cây chuối ở rừng về trồng ở bản là một thành công, phù hợp với thổ nhưỡng, địa hình địa phương, góp phần xóa đói cho đồng bào dân tộc Mông bản Lưu Thông. Rừng chuối rừng có vai trò quan trọng đối với môi trường; vì chúng có tác dụng giữ nước, giữ độ ẩm cho không khí và cho đất, chống xói mòn.
Là người đi đầu trong việc đưa cây chuối rừng về trồng ở bản từ năm 2016. Anh Vừ Nỏ Lử cho biết “Gia đình tôi khi mới trồng chuối chỉ nghĩ là trồng để lấy cây cho lợn ăn. Nhưng, sau đó thấy lá chuối bán dễ và được giá, nên tôi quyết định mở rộng diện tích trồng loại cây này. Hiện gia đình trồng 01ha chuối rừng, một năm thu hái là từ 3 đến 5 lần, mỗi lần từ 4 triệu đến 5 triệu đồng và mỗi năm khoảng 20 triệu đồng. Nhờ trồng chuối rừng mà gia đình có của ăn của để, mua sắm được các vận dụng trong gia đình”.
Chuối rừng là loại cây rất dễ trồng và chăm sóc và dễ bán. Thời gian trồng khoảng 3-4 tháng là cho thu hoạch và thời gian thu hoạch lại kéo rất dài sau một lần trồng. Hầu hết các bộ phận của chuối rừng đều được sử dụng. Thân cây chuối non bóc hết bẹ bên ngoài, lấy phần non bên trong nấu ăn thay rau rất ngon. Hoa chuối rừng làm nộm được coi là món ăn, đặc sản. Củ chuối sau khi cạo bỏ vò ngoài, thái nhỏ có thể nấu canh hay xào ăn. Các loài chuối rừng đều là những vị thuốc dân tộc khá quen thuộc. Lõi thân chuối giã nát làm thuốc cầm máu chữa vết thương. Vỏ quả chuối rừng đã chín vàng, phơi khô, thái nhỏ, sắc nước uống chữa đau bụng, tiêu chảy. Quả chuối hột ngâm rượu, thân chuối có thể tận dụng làm thức ăn cho chăn nuôi cho lợn, trâu, bò.
Trước đây, người Mông ở Lưu Thông chủ yếu trồng cây công nghiệp như: xoan, mét và các loại. Hiện nay, bản có 54 hộ thì có 20 hộ trồng chuối; diện tích khoảng 15 ha.Trong mấy năm trở lại đây, nhờ đưa chuối rừng về trồng trong vườn nhà mà đời sống của người dân tại bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền đã thoát nghèo, nhiều gia đình có thêm nguồn thu nhập.
Ông Vừ Giông Nênh, chi hội trưởng Hội Nông dân bản Lưu Thông cho biết: Trong các năm 2017- 2019 loại chuối rừng này đã được nhiều hộ dân ở bản trồng để hái lấy Lá bán cho thương lái với giá từ 3000/1kg (lá tươi) trở lên và có những thời điểm lên đến 6500/1kg (lá tươi). Mỗi năm đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho các hộ trồng chuối. Qua trao đổi với anh chúng tôi càng thấy rõ được lợi ích của việc trồng chuối mang lại cho người Mông nơi đây. Chuối rừng sống được trên các diện tích đất bạc màu.Trồng chuối rừng vừa bảo vệ môi trường, phù hợp với người nông dân nông thôn, miền núi nới quỹ đất ít, không có đất để thực hiện các loại mô hình khác.
Mô hình trồng chuối rừng ở bản Lưu Thông giúp phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống xói mòn. Nhờ trồng chuối góp phần xóa đói giảm nghèo, cuộc sống của người ổn định, bản làng khởi sắc, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của bản, của xã./.