NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Tổ Hội nghề nghiệp-nơi kết nối các hoạt động và chia sẻ kinh nghiệm của Nông dân
Chủ nhật - 27/10/2019 21:301.1380
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân huyện Thanh Chương đã tập trung nâng cao chất lượng hoạt động chi, tổ Hội, hội viên và xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh. Tuy nhiên, do trong cùng một chi hội, thôn, xóm, bản có nhiều hội viên nông dân tham gia ở nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau, nên việc xây dựng nội dung sinh hoạt tổ chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thu hút sự tham gia của tất cả hội viên. Vì vậy, việc đổi mới mô hình tổ chức chi hội, tổ hội theo mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp là yêu cầu cần thiết hiện nay.
Trên cơ sở Đề án xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các văn bản hướng dẫn của Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo và tập trung xây dựng điểm các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp tại các xã, thị trấn. Để xây dựng thành công các tổ hội nghề nghiệp tại cơ sở, Hội Nông dân các xã, thị đã tổ chức rà soát, lựa chọn, vận động những hội viên, nông dân cùng sản xuất một loại giống, cây, con… hay cùng kinh doanh, cùng làm dịch vụ một nhóm ngành, nghề, lĩnh vực, có những điểm chung về sử dụng tư liệu sản xuất, công cụ lao động, về phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, về thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản hàng hóa … hình thành theo nhóm từ 15 đến 30 người để đăng ký vào tham gia sinh hoạt trong một tổ hội, gọi chung là “Tổ hội nghề nghiệp”.
Bước đầu Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo và ra mắt “Tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả” tại xã Thanh Mỹ, Thanh Hòa; “Tổ hội nghề nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè công nghiệp” tại xã Hạnh Lâm, Thanh Mai. Hoạt động của các Tổ hội này dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, phối hợp hoạt động vì vậy thu hút được các hội viên có cùng sở thích, cùng đam mê để bàn bạc, trao đổi các lĩnh vực mà họ quan tâm. Tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả xã Thanh Mỹ, với các hoạt động tuyên truyền, tập huấn khoa học kỹ thuật cho hội viên, tổ chức xây dựng mô hình kinh tế tập thể của hội với gần 02 ha táo và ổi trên địa bàn được các hội viên chăm lo và duy trì một cách nề nếp. Tổ hội nghề nghiệp của hội Nông dân xã Thanh Hòa nổi bật với các hoạt động trong xây dựng vườn mẫu, mở rộng diện tích trồng cam và các loại cây ăn quả, bàn các giải pháp nâng cao chất lượng quản lý sử dụng quỹ hỗ trợ nông dân trong sản xuất và chăn nuôi tại địa phương. Các tổ hội nghề nghiệp tại xã Hạnh Lâm, Thanh Mai lại lựa chọn hướng đi phù hợp với điều kiện của địa phương mình, đó là sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè. Với mong muốn để nâng cao hiệu quả kinh tế của cây chè, tổ Hội đã cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận trong công tác sản xuất, thu mua và quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường để nâng cao giá trị cho cây chè trong thời gian tới. Cùng với các hoạt động chuyên đề theo sở thích của các thành viên thì trong quá trình thảo luận và thông qua quy chế, các tổ hội cũng rất quan tâm đến các nội dung về xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình làng nghĩa xóm; tích cực tham gia các hoạt động của Hội và việc thực hiện nghĩa vụ công dân; đồng thời cùng thống nhất thực hiện góp vốn, góp quỹ để hỗ trợ các thành viên trong tổ hội đầu tư vào sản xuất hoặc giải quyết những vấn đề khó khăn đột xuất của hội viên. Tin tưởng rằng với chủ trương đúng đắn của Trung ương Hội, sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ hội nghề nghiệp sẽ tiếp tục được hình thành từ các cơ sở để góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân, đa dạng hóa mô hình tập hợp nông dân, tạo sự gắn kết giữa các hội viên nông dân với nhau, tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, các ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng gia trại, trang trại có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hóa lớn...và cũng thông qua đây để tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng trong việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tại các địa phương.