NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Phong trào “may áo ấm cho trâu, bò” của Hội Nông dân Quỳ Châu
Thứ năm - 22/12/2022 23:137700
(Hội NDNA) - Trước diễn biến phức tạp của thời tiết khắc nghiệt, để nhằm hạn chế thiệt hại nhỏ nhất cho hội viên, BTV Hội Nông dân huyện Quỳ Châu chỉ đạo ở cấp hội 12 xã, thị trấn triển khai chủ động phòng chống đói rét cho vật nuôi.
Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Quỳ Châu đã chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, vận động hội viên nông dân che chắn chuồng trại, chuẩn bị thức ăn cho trâu bò.
Phong trào “may áo ấm cho trâu, bò” bằng bạt
Theo diễn biến của thời tiết hiện nay, thực hiện chỉ đạo của BTV Hội Nông dân huyện về phòng, chống rét cho vật nuôi, BTV Hội Nông dân xã Châu Tiến đã tuyên truyền cho hội viên nông dân để biết, bên cạnh đó cán bộ, hội viên cũng thực hiện phong trào “may áo ấm cho trâu bò” tặng cho các hộ chăn nuôi chưa đảm bảo được chuồng trại hợp lý trên địa bàn xã.
Theo ông Sầm Đức Hoài - Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Tiến cho biết: “Thực hiện chủ trương của Hội Nông dân huyện Quỳ Châu về tăng cường các hoạt động phòng, chống đói rét cho vật nuôi. Hội Nông dân xã đã tổ chức triển khai tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho một số bà con chăn nuôi trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét cho vật nuôi. Bên cạnh đó Hội đã triển khai hoạt động trao tặng bạt che chắn chuồng trại cho một số hộ chăn nuôi có khó khăn, với hơn 200m bạt trao tặng cho hội viên”.
Tại Thị trấn Tân Lạc, BTV Hội Nông dân thị trấn đã phối hợp với UBND cùng với Chi hội Nông dân khối Hoa Hải triển khai công tác tuyên truyền về phòng, chống đói rét cho trâu, bò và triển khai phong trào may áo ấm. Hội đã hỗ trợ, trao tặng 30 bộ áo ấm cho các hộ hội viên tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi trâu bò khối Hoa Hải.
“Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo phát động Hội Nông dân các cấp tiếp tục triển khai hoạt động may "áo ấm" cho trâu, bò để phòng tránh rét. Đồng thời, trong ngày 20/12Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã trực tiếp đến trao cho các hộ dân vật tư chống rét cho vật nuôi tại hai xã Châu Hoàn và Diên Lãm để may chiếc "áo ấm" cho trâu, bò chống rét. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã trao trên 600 chiếc "áo ấm" bằng bạt, trên 300m bạt che chắn chuồng trại với tổng số tiền trên 21 triệu đồng” - ông Sầm Trung Kiên – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳ Châu cho biết.
Chủ động tăng cường phòng chống đói rét cho vật nuôi
Cùng với phong trào “may áo ấm cho trâu, bò”, BTV Hội Nông dân huyện cũng chỉ đạo Hội Nông dân 12 xã, thị trấn thực hiện các biện pháp hỗ trợ hội viên chủ động tăng cường phòng chống đói rét cho vật nuôi như: Gia cố chuồng trại, che chắn, đảm bảo chuồng đủ ấm, không bị gió lùa; thường xuyên dọn sạch phân rác và nền chuồng luôn khô ráo tránh ẩm ướt, rải rơm rạ cho trâu, bò nằm tăng độ ấm; Dự trữ chất đốt; Dự trữ và bảo quản các loại thức ăn, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp: rơm rạ, cây lạc, cỏ khô; chế biến thức ăn ủ chua, rơm ủ urê; trồng cỏ voi, ngô dày... Chuẩn bị thức ăn tinh khoáng, vitamin để cung cấp đủ cho gia súc trong những ngày giá rét.Chăm sóc nuôi dưỡng. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho trâu, bò.
Chủ động thực hiện các biện pháp chống rét như: Tu sửa chuồng trại, tập cho trâu, bò sáng đi ăn, chiều cho về chuồng, không thả rông trong đồi núi, làm giảm sức khỏe vật nuôi, giảm sức đề kháng vật nuôi ảnh hưởng đến khả năng chống chọi với thời tiết; Chất độn chuồng, che chắn tránh gió, cung cấp thức ăn và nước uống tại chuồng; tuyệt đối không thả rông tự do ngoài đồng, bãi chăn thả, trên rừng qua đêm; đốt lửa chống rét, mặc áo chống rét, vệ sinh chuồng trại...Trong những ngày rét đậm, rét hại trâu, bò thường xảy ra bệnh cước chân, biểu hiện thấy da chân bị sưng phù, nứt nẻ, có hiện tượng bị xung huyết. Trường hợp bị bệnh nặng lớp biểu bì ở chân có chảy dịch màu vàng, tạo vết loét gây nhiễm trùng, nếu không điều trị kịp thời bị hoại tử làm cho con vật bị què, nặng hơn có thể bị kế phát các bệnh truyễn nhiễm khác. Do đó kịp thời phát hiện và báo cho cán bộ thú y xã để điều trị kịp thời.
Phòng chống đói rét và dịch bệnh đối với lợn cần phải cho chuồng trại vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, không để đọng phân, nước thải trong chuồng; che kín xung quanh, không để gió lùa; làm chuồng úm đối với lợn con đang theo mẹ. Không rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày mưa rét nhiệt độ xuống dưới 120C. Cho uống đủ nước sạch, ấm, bổ sung thêm các Vitamin tổng hợp, men tiêu hoá trộn vào nước uống, thức ăn theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Khẩu phần ăn đảm bảo đầy đủ, cân đối chất dinh dưỡng đối với từng loại lợn, tuổi lợn. Thực hiện tốt quy trình vệ sinh thú y chăn nuôi an toàn sinh học và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh cho đàn lợn như: Dịch tả lợn, Tai xanh, Lở mồm long móng…
Đối với phòng chống đói rét và dịch bệnh đối với gà và các loại gia cầm khác:Chuẩn bị đầy đủ phên, bạt để che chắn, chống gió lùa; bổ sung thêm bóng điệnđể sưởi ấm cho gia cầm.Mật độ chuồng nuôi hợp lý trong mùa đông đối với gà đẻ, gà thịt.Đảm bảo thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi của gà; cho uống đủ nước sạch, ấm và bổ sung thêm đường Gluco, các loại Vitamin tổng hợp, men tiêu hoá để nâng cao khả năng chống bệnh cho gia cầm.Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thay chất độn chuồng. Định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh như.
Bên cạnh các biện pháp phòng, chống đói rét, các hộ chăn nuôi cũng cần phải theo dõi sát sao tình trạng đàn vật nuôi của gia đình và báo cáo cho chính quyền UBND xã, Hội Nông dân các xã, thị trấn để kiểm tra, xử lý kịp thời khi vật nuôi có biểu hiện suy kiệt, xuất hiện triệu chứng bệnh do ảnh hưởng của giá rét.