Không thể phát triển nông nghiệp với tư duy 'Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống'

Thứ ba - 26/05/2020 22:06
Đó là khẳng định của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp &PTNT Việt Nam Hồ Xuân Hùng tại Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc xác định cây, con chủ lực của tỉnh Nghệ An” diễn ra sáng 26/5.
Chuyển tư duy phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao

Ông Hồ Xuân Hùng - cho rằng, cần chuyển hẳn tư duy phát triển một nền nông nghiệp toàn diện sang tư duy phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao trên nền tảng hiệu quả kinh tế theo tín hiệu thị trường. Từ đó mới có thể tập trung đầu tư khai thác lợi thế vùng sinh thái và phát triển nông sản chủ lực hiệu quả.
 
Làm được vậy, nguồn lực đầu tư, nhất là khâu chủ trương mới có thể tập trung mở rộng.
 
Đây không phải là vấn đề mới nhưng không dễ áp dụng và đòi hỏi quyết tâm cao khi nằm trong thực trạng chung của cả nước, nông nghiệp Nghệ An cũng chưa thoát khỏi tư duy “phát triển một nền nông nghiệp toàn diện".
 

Ông Hồ Xuân Hùng đề nghị Nghệ An cần mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất. Ảnh: Lâm Tùng

Tại hội thảo, ông Hồ Xuân Hùng cũng nêu ra nhiều giải pháp cần được ưu tiên triển khai trong sản xuất cây, con chủ lực. Trong đó, tập trung đầu tư cho khâu giống (cả cây và con) vì đây là khâu quyết định. Tư duy nông nghiệp ngày nay không thể là “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” được nữa, mà phải là “nhất giống”, giống thế nào thì yêu cầu phân bón, nước và công chăm bón thế đó.  Đồng thời, cần kiên trì chính sách thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị dưới sự dẫn dắt của doanh nghiệp đầu đàn có ứng dụng công nghệ cao.  

Tỉnh cũng cần soát lại chính sách tổ chức tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực, không chỉ ở khâu chế biến, bảo quản mà ngay cả khâu xây dựng thương hiệu, xúc tiến, quảng bá sản phẩm và kết nối mạng thị trường trên phạm vi toàn tỉnh, vùng và quốc gia.  Đặc biệt, phải đơn giản, sát thực và hiệu quả hóa chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp  tham gia vào sản xuất, theo hướng hỗ trợ trực tiếp vào những nội dung, chương trình phục vụ cộng đồng, khu vực liên quan sản xuất và dịch vụ sản xuất. Đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản chủ lực.
 

Nuôi trồng thủy sản là lĩnh vực Nghệ An cần tập trung đẩy mạnh trong phát triển ngành thủy sản. Ảnh: Phú Hương

Cần bổ sung tiêu chí xã hội và môi trường

Ông Hồ Xuân Hùng cũng khuyến nghị cần bổ sung tiêu chí xã hội và môi trường khi phát triển cây, con chủ lực. Cụ thể, khi đề xuất lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, bên cạnh chú trọng về nhóm tiêu chí kinh tế và nhóm tiêu chí về sản phẩm, Nghệ An cần bổ sung nhóm tiêu chí xã hội và môi trường, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường hội nhập hiện nay.  Ví dụ: Về tiêu chí xã hội phải bao hàm chỉ tiêu sản phẩm chủ lực, phải thu hút số đông lao động, đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động và có mức thu nhập trung bình. Cần phải tính thêm tỉ lệ hộ dân tham gia vào sản xuất sản phẩm chủ lực. Bên cạnh đó, sản phẩm chủ lực ấy phải thân thiện với môi trường và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Ngoài ra, Nghệ An cần có tiêu chí phân biệt rõ: Sản phẩm có tính truyền thống, đặc trưng đang phù hợp với nhu cầu ngày một tăng của thị trường; sản phẩm mới được xác lập trên địa bàn và dự kiến sản phẩm chủ lực tương lai. Từ đó tạo cơ hội cho nhà đầu tư nâng cao mở rộng hoặc đầu tư mới phù hợp với chiến lược phát triển của tỉnh. Ví dụ, có thể dự báo sản phẩm quả bơ, hiện diện tích kế hoạch năm 2020 mới chỉ là 60 ha, nhưng sau 10 năm nữa có thể trở thành sản phẩm chủ lực được không? 
 

Mô hình trồng chanh không hạt cho hiệu quả cao tại Đô Lương. Ảnh tư liệu Hữu Hoàn

Hay quả chanh có múi, hiện tại còn chưa có thống kê trong danh sách sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà, nhưng đã nổi tiếng trên thị trường miền Bắc. Hiện chanh đang được trồng phân tán, tận dụng, nếu có sự đột phá để thành chanh không hạt và trồng tập trung ở diện tích lớn đất vườn, đồi ở các huyện Nghi Lộc, Nam Đàn, Hưng Nguyên và một số huyện vùng bán sơn địa, núi thấp… thì sẽ ra sao, nhất là khi nhu cầu đang tăng. 

"Đến cuối năm 2019, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Nghệ An vẫn chiếm 19 - 20% tỷ trọng GDP tỉnh nhà. Tuy không lớn, nhưng trên bình diện chung Nghệ An vẫn là tỉnh nông nghiệp, vẫn còn tới 42% lao động nông nghiệp và hơn 85% cư dân sống ở nông thôn. Theo tôi, trong vòng vài chục năm nữa lợi thế so sánh của tỉnh so với cả nước vẫn là nông nghiệp (nông - lâm - ngư). Vì vậy, Nghệ An cần tranh thủ cơ hội, nhất là sau khi đã xác lập được những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, cùng với những sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh có chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển nhanh tạo đột phá ngay trong 5 - 10 năm đầu này", ông Hồ Xuân Hùng chia sẻ.

Phú Hương

 Tags: Nông nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập129
  • Hôm nay8,934
  • Tháng hiện tại359,036
  • Tổng lượt truy cập15,012,930
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây