Ông Nguyễn Hữu Ðợi sinh ngày 1-1-1927 tại làng Ðông Yên, xã Quỳnh Hồng. Từ 1964 - 1978 ông là Phó Chủ tịch, Chủ tịch rồi Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu. Năm 1979-1983 ông Ðợi là trưởng ban khai hoang. Năm 1984-1990 là chủ tịch hội nông dân tỉnh Nghệ An. Ông mất ngày 10-10-1996.
Khi hỏi bất cứ ai biết về Nguyễn Hữu Đợi, ai cũng kể về ông như là một giai thoại, một người có “tư duy đi trước thời đại”. Rất nhiều chuyện kể về Ông, về những đóng góp của Ông cho sự phát triển của Quỳnh Lưu, cho nền nông nghiệp của tỉnh.
Trong thời kỳ làm lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu Ông đã chỉ đạo lãnh đạo huyện và đưa trở thành một địa phương có sự phát triển vượt bậc nhờ tư duy nhạy bén và đi trước thời cuộc của mình.
Tuyến đường mang tên Nguyễn Hữu Đợi được bắt đầu từ quốc lộ 48B đến trung tâm hành chính TX Hoàng Mai). Ảnh Hữu Viên
Ông là người đầu tiên phát triển nghề nuôi hươu ở Quỳnh Lưu và đưa việc nuôi hươu như một ngành kinh tế. Chính nhờ nuôi hươu mà suốt thời gian người dân ở Quỳnh Lưu có đời sống kinh tế phát triển nhất nhì tỉnh.
Quỳnh Lưu cũng là nơi đầu tiên làm hè thu và làm vụ đông ở Nghệ Tĩnh.
Nhưng có lẽ đóng góp lớn nhất cho nền nông nghiệp và góp phần đưa ông trở thành con người của giai thoại là câu nói " thay trời đổi đất, sắp đặt lại giang sơn" của ông. Dưới sự chỉ đạo, tổ chức, vận động của ông, huyện Quỳnh Lưu đã vận động gần 2.100 hộ dân từ các xã Quỳnh Bá, Quỳnh Thuận, Sơn Hải, An Hòa, Quỳnh Lương, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Dị, Quỳnh Văn… di dân lên các xã miền núi của huyện là Ngọc Sơn, Tân Sơn, Quỳnh Châu, Quỳnh Tam, Tân Sơn, Quỳnh Thắng, Tân Thắng, Quỳnh Trang, Quỳnh Tân; vận động gần 1.000 hộ dân Quỳnh Lưu di dân lên vùng kinh tế mới ở các huyện miền núi phía Tây Nghệ An như Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thái Hòa và cả nhiều hộ dân đi vào Tây Nguyên để xây dựng kinh tế mới… Phong trào này đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo của những vùng rừng núi phía Tây Nghệ An và giải quyết khó khăn trong đời sống của nhiều hộ nông dân khác.
Ông Nguyễn Hữu Đợi chính là người đã xây dựng nên đồng muối Quỳnh Thuận với những con đê dài, những ô thửa, cầu cống chính quy, xóa bỏ tính manh mún, đưa sản lượng muối lên cao vọt. Ngày nay nhiều bà con vẫn gọi nơi đây là đồng muối ông Ðợi...
Đóng góp rất lớn mang tầm vóc thời đại của ông cho nền nông nghiệp tỉnh nhà. Ông là người đã lãnh đạo, chỉ đạo và cho xây dựng những công trình thủy lợi mang tầm vóc thời đại, tầm cỡ quốc gia. Đến nay, những công trình đó vẫn còn nguyên giá trị sử dụng. như hồ Vực Mấu, đập nước 3/2 (thuộc xã Tân Sơn), đập nước An Ngãi, kênh tiêu Bình Sơn… Đặc biệt, công trình hồ chứa nước Vực Mấu nằm trên vùng thượng nguồn sông Hoàng Mai, có trữ lượng đến 75 triệu m3 nước, là công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh được xây dựng trong thế kỷ XX, chỉ do huyện Quỳnh Lưu thiết kế và thi công.
Ông Nguyễn Hữu Ðợi có những đóng góp lớn cho sự phát triển của nền nông nghiệp tỉnh nhà. Ông đã trở thành một giai thoại để lại tiếng thơm cho thế hệ mai sau.