Vật tư đầu vào tăng, trong khi giá bán bấp bênh khiến nhiều nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mặc dù mướt mồ hôi cả ngày ngoài ruộng, tháng này qua tháng khác nhưng vẫn… không đủ sống.
Người trồng lúa đang có thu nhập thấp nhất trong làm nông nghiệp hiện nay, chỉ được 70.000 đồng mỗi ngày |
Trồng lúa mỗi ngày được… 70.000 đồng
Những ngày này, về vùng trồng lúa ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, nhiều nơi người dân cho biết, do nhiều nguyên dân khiến cho chi phí sản xuất không ngừng tăng còn đầu ra thì không ổn định khiến tình hình sản xuất ngày càng khó khăn.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trần Văn Đảo (ở xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) nói: “Ở địa phương này, chi phí sản xuất không ngừng tăng, cụ thể giá dầu đã hơn 19.000 đồng/lít, thuốc trừ sâu tùy theo loại cũng tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/chai. Gia đình tôi có 5.000m2 trồng lúa, nếu may mắn được mùa thì sau khi trừ tất cả chi phí, tiền lời thu được tối đa 700.000 đồng/1.000m2. Tức là mất gần 4 tháng trời nhưng cả gia đình 4 người chỉ thu lời được 3,5 triệu đồng”.
Anh Trần Văn Nam, cùng địa phương cho hay, tình hình sản xuất lúa ngày càng không được thuận lợi, nhất là sâu bệnh gây hại. Vì vậy, người dân phải tốn rất nhiều chi phí để phun thuốc. “Ngày nào tôi cũng mướt mồ hôi ngoài ruộng nhưng thu nhập chỉ đủ sống nếu tiết kiệm trong chi tiêu” - anh Nam chia sẻ.
Thu nhập của nông dân ĐBSCL tăng chậm nhất nước Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu thể chế và thị trường nông nghiệp mới công bố cho thấy: Thu nhập các hộ nông thôn ở hai vùng chuyên canh sản xuất và thương mại hóa nông sản lớn nhất cả nước, có lợi thế cao về nông nghiệp là Tây Nguyên và ĐBSCL lại không cao hơn nhiều so với các nông dân của các vùng nông thôn kém phát triển kinh tế như trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung. Đáng lo ngại hơn là tốc độ tăng thu nhập của ĐBSCL chậm nhất cả nước, ở mức chưa đến 5%/năm, nên thu nhập của nhóm hộ nông thôn vùng này đã xếp sau ĐBSH từ 2010 trở lại đây. |
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Văn Thành (ở xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) ngao ngán nói: “Gia đình tôi có gần 3ha đất trồng lúa, ở vụ 3 vừa rồi sau khi thu hoạch tôi phải đi làm thuê để trả tiền phân, thuốc”.
Theo anh Thành, ở khu vực của anh, nhiều thanh niên không còn mặn mà với cây lúa, họ chọn cách bỏ lên các thành phố lớn để làm công nhân, vì ít nhất sẽ không lo thiếu nợ. Nông dân làm lúa hiện nay còn theo kiểu “hên xui”, bởi không thể quyết định được giá cả.
Không chỉ ở Trà Vinh, Vĩnh Long, nhiều người dân trồng lúa ở các địa phương khác vùng ĐBSCL cũng than phiền về mức thu nhập thấp. “Nông dân làm lúa khổ trăm bề, vụ hè thu thì lo lúa đổ ngã, vụ đông xuân thì lo giá cả bấp bênh. Do trồng lúa 3 vụ không sống nổi nên tôi chỉ canh tác 2 vụ, thời gian còn lại thì xuống giống đậu xanh hoặc cây màu khác để cải thiện thu nhập” - ông Quỳnh Mát, người có hơn 40 năm gắn bó với cây lúa ở xã Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho hay.
Nuôi cá tra, trồng mía khó trăm bề
Ngoài cây lúa, vài năm trở lại đây, người nuôi cá tra vùng ĐBSCL cũng khốn đốn do giá cả luôn ở mức thấp. “Các xã viên trong HTX đang gặp nhiều khó khăn do giá cá tra giảm mạnh. Hiện, giá cá tra chỉ khoảng 20.500 đồng/kg. Với mức giá giảm này, các doanh nghiệp không muốn đến mua, hẹn đi hẹn lại mãi rồi không đến bắt cá luôn” - ông Nguyễn Hữu Nguyên - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) thủy sản Khánh Hòa (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cho biết.
Chủ nhiệm HTX thủy sản Khánh Hòa cho hay, HTX có 18 hộ dân tham gia nuôi cá tra với tổng diện tích 50ha, hiện nay 18 hộ vẫn còn nuôi nhưng diện tích giảm đi rất nhiều, thay vì trước đây 1 hộ có đến 10 ao nuôi thì hiện nay mỗi hộ chỉ có dưới 5 ao.
Theo HTX Đại Thắng (xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), thời gian qua, giá cá xuống thấp làm người dân trong HTX “ai nấy cũng buồn rầu”. Do không biết giá cả thời gian tới ra sao nên người dân nơi đây chỉ biết nuôi cầm chừng.
Về cây mía, liên tiếp 3 năm qua, người dân ĐBSCL đều gặp cảnh thua lỗ. Theo đó, một số nhà máy sản xuất đường rơi vào tình trạng ngừng hoạt động, nhiều diện tích mía phải chuyển đổi sang cây trồng khác. Chẳng hạn như Hậu Giang, trước đây, khi vào vụ thu hoạch mía, tỉnh này có đến 3 nhà máy đường hoạt động, với tổng công suất ép gần 9.000 tấn mía/ngày đêm. Tuy nhiên, vụ mía này, chỉ còn có một nhà máy hoạt động, với công suất ép 3.500 tấn mía/ngày đêm, khiến lượng mía tồn trên ruộng còn rất cao.
Ông Lý Út Nhiều cùng ở ấp Long Sơn 2, xã Long Thạnh cho biết, gia đình ông có tổng cộng 2.000m2 trồng mía. Diện tích mía trên đã quá thời gian thu hoạch hơn một tháng và bị ngập nước do ảnh hưởng của đợt triều cường vừa qua. Rất may, ông đã kiếm được thương lái bán với giá 400 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, ông thua lỗ khoảng 6 triệu đồng.
Ông Trần Văn Tuấn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp cho biết: “Do nhiều nguyên nhân khác nhau, mùa thu hoạch 2019-2020, tỉnh chỉ còn có một nhà máy đường nằm ở huyện Phụng Hiệp của Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ hoạt động, với công suất ép 3.500 tấn mía/ngày, đêm, khiến lượng mía tồn trên ruộng lớn” - ông Tuấn nói.
(Còn nữa)
Cần liên kết sản xuất “Hiện nay, nếu sản xuất lúa đơn thuần thì phải 4ha trở lên thì hộ dân mới đủ nuôi được gia đình 4 người. Nhưng hiện nay, sản xuất lúa quá khó khăn, lợi nhuận giảm phân nửa so với trước đây. Do đó, để đủ sống, hộ dân phải có sự liên kết, hợp tác để giải quyết được bài toán giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng”. Ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Ổn định thị trường “Chúng tôi chỉ mong Thủ tướng và các bộ ngành quan tâm, có biện pháp ổn định thị trường, nâng được giá lúa. Đừng để nông dân phải chịu tình trạng giá lúa ngày càng giảm giảm, trong khi vật tư nông nghiệp ngày càng tăng”. Anh Nguyễn Văn Thành (xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long)
Nông dân đang “cô đơn” trên đồng “Điều kiện thời tiết trong mấy năm gần đây ngày càng cực đoan, ảnh hưởng rất lớn đến người trồng lúa. Trong khi hệ thống đê bao, thủy lợi ở nhiều nơi chưa hoàn thiện, dẫn đến nhiều khó khăn cho nông dân trong canh tác; thị trường nhiều bất ổn. Từ đó dẫn đến nông dân khó làm giàu từ cây lúa. Để người nông dân không phải “cô đơn” trên cánh đồng của mình”. Ông Trần Văn Ngỗ (xã Vĩnh Thanh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) Xóa tình trạng cò lúa ép giá “Chúng tôi rất mong Thủ tướng và các bộ ngành cần nghiên cứu có giải pháp hoàn thiện hệ thống thủy lợi để phục vụ ở vùng chuyên cây lúa. Bên cạnh đó, tình trạng cò lúa, thương lái ép giá nông dân trong thời điểm thu hoạch rộ vẫn còn, cần có giải pháp hạn chế tình trạng này để người nông dân yên tâm sản xuất”. Ông Quỳnh Mát (xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. |
Ngọc Quyên - Đặng Huỳnh
Nguồn tin: danviet.vn
Ý kiến bạn đọc