Theo đó, lĩnh vực trồng trọt có 14 thủ tục hành chính, trong đó 1 thủ tục hành chính là chuyển đổi đất lúa do địa phương chịu trách nhiệm giải quyết. “Việc Luật Trồng trọt ra đời và chúng ta hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Trồng trọt sẽ tạo ra một bước chuyển mới trong việc quản lý trong lĩnh vực trồng trọt, bao gồm giống cây trồng và canh tác” - ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đánh giá.
Theo ông Cường, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ NN&PTNT, tất cả các cơ chế, chính sách về mặt thủ tục hành chính đều phải đơn giản, minh bạch hóa và giảm bớt các thủ tục hành chính, đồng thời giao doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình. Với định hướng như vậy, nhiều thủ tục và quy trình đã được đơn giản hóa, giảm thiểu thời gian, chi phí và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp.
Đơn cử, trước đây, để công nhận một giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh phải trải qua rất nhiều khâu như: khảo nghiệm tác giả, khảo nghiệm sản xuất, rồi khảo nghiệm cơ bản, sau đấy được Cục Trồng trọt cho phép sản xuất thử; Sau khi sản xuất thử thì mới được công nhận chính thức. Còn trong quy định mới của Luật Trồng trọt và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, việc công nhận giống chỉ cần khảo nghiệm diện hẹp và diện rộng – hai khảo nghiệm này có thể tiến hành song song và một khảo nghiệm bắt buộc nữa là khảo nghiệm kiểm soát đối với những sâu bệnh chủ yếu, quan trọng, ví dụ trên cây lúa là đạo ôn, rầy nâu, bạc lá…
“Sau khi các cơ quan, tổ chức cá nhân là chủ của giống cây trồng khi thực hiện khảo nghiệm diện rộng, diện hẹp và khảo nhiệm có kiểm soát đủ điều kiện được công nhận là giống thì Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) sẽ ban hành một quyết định công nhận lưu hành, trong đó ghi rất minh bạch tất cả các đặc điểm của giống, thời gian tăng trưởng, năng suất, biện pháp canh tác, khả năng chống chịu với sâu bệnh (rầy nâu, đạo ôn, bạc lá…). Tất cả các thông tin này rất rõ ràng, minh bạch. Các tổ chức, cá nhân chủ sở hữu giống cũng chỉ được quảng cáo trong phạm vi đã được ghi trong giấy chứng nhận” – ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, việc đổi mới cách thức quản lý cũng như đơn giản, minh bạch hóa trong việc công nhận giống cây trồng theo quy định mới đã góp phần giảm thời gian, chi phí khi giống mới được công nhận. Trước đây, trung bình một giống cây ngắn ngày được công nhận ít nhất mất từ 3 đến 3 năm 6 tháng, nay thời gian này có thể rút ngắn đáng kể.
Liên quan đến lĩnh vực giống cây trồng, ngày 15.11, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 17/2019/TT-BNNPTNT ban hành danh mục loài cây trồng chính, bao gồm: lúa, ngô, cà phê, cam, bưởi, chuối. Danh mục loài cây trồng chính được rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp với từng thời kỳ phát triển. Việc ban hành quy định này sẽ góp phần tạo điều kiện để quản lý, kiểm soát việc sản xuất giống đáp ứng nhu cầu sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng giống các cây trồng chính tại Việt Nam.
Hiện nay, trồng trọt là lĩnh vực sản xuất quan trọng, góp phần nâng cao cuộc sống cho nông dân và gia tăng giá trị xuất khẩu. Tính trong 11 tháng, nhóm nông sản chính đã đóng góp 17 tỷ USD và là lĩnh vực có đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của ngành NN&PTNT.
Khương Lực
Nguồn tin: danviet.vn
Ý kiến bạn đọc