Bộ NNPTNT báo cáo khẩn Thủ tướng về nguồn cung thịt lợn

Thứ sáu - 20/12/2019 03:50
Bộ NN&PTNT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cung ứng thực phẩm cuối năm 2019 và đầu năm 2020, trong đó trọng tâm là tình hình nguồn cung thịt lợn.

Trước đó, ngày 17/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương báo cáo Thủ tướng về tình hình giá thịt lợn, bình ổn giá cuối năm. Phó thủ tướng phê bình và yêu cầu Bộ NN&PTNT “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong chậm báo cáo, thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng giao”.

Hiện còn khoảng 25 triệu con lợn

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, hết năm 2019, dự báo hầu hết các đối tượng vật nuôi khác năm 2019 đều phát triển tốt. Sản lượng thịt hơi các loại cả năm 2019 ước đạt khoảng 5,0 triệu tấn, giảm 6,2% so với năm 2018. Trong đó, đàn bò tăng 2,4%, sản lượng thịt 350 ngàn tấn (tăng 4,4%); sữa đạt khoảng 1,1 triệu tấn (tăng 10%); đàn gia cầm tăng 13,5%, sản lượng thịt ước đạt 1,26 triệu tấn (tăng 15%) sản lượng trứng ước đạt 14,0 tỷ quả (tăng 12%).

bo nnptnt bao cao khan thu tuong ve nguon cung thit lon hinh anh 1
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đi kiểm tra công tác tái đàn lợn tại Phú Thọ ngày 18/12. Ảnh: K.Lực

Riêng chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) làm giảm đáng kể số đầu con và sản lượng so với 2018. Sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018 (bao gồm giảm khoảng 9.0% do thiệt hại bị bệnh DTLCP và gián tiếp do chưa tái đàn).

Hiện nay, tổng đầu lợn theo báo cáo của các tỉnh hiện còn khoảng 25 triệu con, trong đó đàn nái là 2,7 triệu con; đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà còn 109 nghìn con. Cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn.

Các doanh nghiệp lớn có chuỗi sản xuất thịt lợn như Công ty C.P, Masan, Mavin… đã và đang mở rộng hàng trăm điểm bán thịt lợn chất lượng, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố (Hà Nội, Ninh Bình, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh,…) để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Về dự trữ các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu các tháng cuối năm, bao gồm cả thực phẩm của các địa phương trọng điểm: Thành phố Hà Nội (đã bố trí nguồn kinh phí 31.200 tỷ đồng) và TP. Hồ Chí Minh (đã bố trí nguồn kinh phí 102.891 tỷ đồng) đang tổ chức triển khai kế hoạch dự trữ thực phẩm phục vụ nhu cầu các tháng cuối năm và phục vụ Tết nguyên đán.

Nhiều địa phương khác cũng đã tổ chức dự trữ các nguồn thực phẩm cho nhu cầu cuối năm và Tết Nguyên đán như: Tỉnh Bắc Giang đã tổ chức dự trữ 20.000 tấn thịt lợn; tỉnh Phú Thọ ước tính sản lượng thịt lợn đạt 10.000 tấn từ nay đến Tết âm lịch so với nhu cầu của địa phương là 7.000 tấn cho 3 tháng trước và sau Tết âm lịch.

Giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất

Trong công văn, Bộ NN&PTNT khẳng định đã rất chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 793/QĐ-TTg và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ.

 bo nnptnt bao cao khan thu tuong ve nguon cung thit lon hinh anh 2

 

bo nnptnt bao cao khan thu tuong ve nguon cung thit lon hinh anh 3
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT chỉ đạo thúc đẩy chăn nuôi gia cầm, gia súc và thủy sản. Ảnh: K. Lực

Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, việc tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh của Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đã thu hút cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Do đó, đã giảm thiệt hại ở mức thấp nhất có thể (lũy kế từ đầu tháng 02/2019 đến ngày 18/12/2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 8.526 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5.957.460 con với tổng trọng lượng là 342.802 tấn, chiếm khoảng 9.0% tổng trọng lượng lợn của cả nước).

Đáng chú ý dịch bệnh đã giảm mạnh từ tháng 6/2019 đến nay. Cụ thể, có 6.020 xã (chiếm 71% tổng số xã có dịch) thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày. Tỉnh Hưng Yên và Hải Dương đã hết dịch và 21 tỉnh, thành phố khác có trên 85% số xã đã qua 30 ngày. Dự báo hết tháng 12/2019, số lợn buộc tiêu hủy là khoảng 50 nghìn con, giảm 67% so với tháng 11/2019 và giảm 96% so với tháng 5/2019 (tháng cao điểm, buộc phải tiêu hủy hơn 1,27 triệu con lợn).

Bộ đã chủ trương phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm và thủy sản với tổng sản lượng các loại thực phẩm tăng hơn 400.000 tấn so với năm 2018, một phần phục vụ cho tăng trưởng, một phần bù đắp thiếu hụt do bệnh DTLCP.

Cùng với đó, nhiều địa phương đã chủ động chỉ đạo tái đàn có kết quả và đã có thịt lợn cung cấp cho thị trường. Người chăn nuôi đặc biệt quan tâm, biết cách áp dụng có hiệu quả các biện an toàn sinh học và vệ sinh phòng bệnh.

Đến nay, cả nước đã có 860 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh và hàng chục doanh nghiệp chăn nuôi lớn bảo đảm an toàn sinh học nên lợn không mắc bệnh DTLCP.  

Còn các doanh nghiệp thì tập trung nhiều nguồn lực đầu tư giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà, hiện vẫn còn khoảng 109.000 nghìn (90%) chưa bị dịch bệnh.

Bộ đã tổ chức 8 hội nghị tổng kết, phổ biến để nhân rộng các mô hình gia trại, trang trại, doanh nghiệp và tỉnh áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm tăng cường sức đề kháng, do đó hạn chế hoặc không bị nhiễm bệnh DTLCP.

Tổng cục Thống kê nhận định, nguồn cung thịt lợn thiếu hụt khoảng 200.000 tấn, đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo ngành công thương và các địa phương tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác trong dịp Tết Canh Tý tới đây; Có kế hoạch cho nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia có Hiệp định song phương về xuất, nhập khẩu thịt lợn để cân đối việc thiếu hụt thịt lợn trong nước và hài hòa lợi ích giữa các bên.

Đồng thời, tổ chức triển khai nghiên cứu các giải pháp hệ sinh thái phòng chống dịch bệnh, trong đó đang tập trung vào các giải pháp an toàn sinh học có kết quả tốt; nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh bước đầu có kết quả khả quan và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh và nghiên cứu sản xuất vắc xin DTLCP.

Trong ngày 19/12, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP đã có Công văn số 13/BCĐDTLCP gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tái đàn trong chăn nuôi lợn; Bộ NN&PTNT đã gửi công văn chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP); đồng thời có công văn gửi các doanh nghiệp chăn nuôi về việc chăn nuôi tái đàn lợn.
 

DTLCP là bệnh rất nguy hiểm đối với lợn, vi rút DTLCP có khả năng tồn tại rất lâu trong môi trường và trong các sản phẩm của lợn, hiện chưa có vắc xin, chưa có thuốc điều trị; vì vậy giải pháp quan trọng nhất hiện nay là áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn.

Khương Lực

Nguồn tin: danviet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập133
  • Thành viên online1
  • Khách viếng thăm132
  • Hôm nay12,283
  • Tháng hiện tại329,316
  • Tổng lượt truy cập14,983,210
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây