NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Kịp thời bón phân và phòng chống sâu bệnh cho lúa Xuân hiện nay
Thứ hai - 22/02/2021 02:462.3720
(Hội NDNA) - Vụ lúa Xuân năm 2021 toàn Tỉnh gieo cấy trên 90.500ha lúa, vượt kế hoạch đề ra hơn 500ha. Quan sát trên đồng ruộng hiện nay ở một số địa phương thuộc các huyện: Hưng Nguyên, Diễn Châu, Yên Thành… tất cả các trà lúa, giống lúa đều phát triển khỏe và đã chuyển sang giai đoạn đẻ nhánh sớm, một số diện tích lúa đã xuất hiện vết bệnh đạo ôn, bọ trĩ, rầy nâu và nhất là ốc bươu vàng có mật độ khá cao (8 - 12 con/m2) ở vùng sâu trũng và 5 - 7 con/m2 ở vùng đất cao vàn.
Để vụ lúa Xuân năm nay đạt được mục tiêu năng suất cao, ít bị sâu bệnh phá hoại và đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Ngay từ bây giờ tất cả các địa phương chỉ đạo bà con nông dân sớm ra đồng bón phân thúc cho lúa đẻ nhánh và kịp thời phòng trừ sâu bệnh hại khi mới xuất hiện trên cây lúa.
Bón phân thúc sớm
Thời tiết nắng ấm, cây lúa phát triển nhanh, lúa đẻ sớm. Để giúp cây lúa đẻ nhanh, đẻ sớm, đẻ tập trung và có được số nhánh đẻ hữu hiệu thành bông cao, hoàn toàn lệ thuộc vào lần bón phân thúc đợt 1 sau khi cấy (lần bón này gọi là bón thúc lúa đẻ nhánh).
Loại phân cần bón lúc này là đạm và kali. Đạm giúp cây lúa phát triển thân, lá. Kali cùng với đạm giúp cây lúa đẻ nhánh nhiều, đẻ tập trung, cứng cây, chống đổ và hạn chế các loại sâu bệnh phá hoại.
Số lượng cần bón thúc cho lúa lúc này trung bình mỗi sào 4 – 5 kg đạm urê + 2-3kg kali. Riêng trên đất ruộng là đất cát pha, thịt nhẹ thì chia ra 2 lần bón, mỗi lần bón cách nhau 7 – 8 ngày, vì loại đất này giữ nước và giữ phân kém.
Thời gian bón càng sớm càng tốt, vì lúa đã bước vào giai đoạn đẻ nhánh và nên bón vào buổi chiều. Nếu gặp trời mưa và rét dưới 18oC thì dừng lại chưa bón.
Chủ động phòng chống sâu bệnh
Hầu như không có vụ lúa Xuân nào không có diện tích lúa bị các loại sâu bệnh gây hại. Trung bình mỗi vụ lúa Xuân ở Nghệ An có ít nhất từ 5000 – 7000ha lúa bị hại nặng, nhiều nhất lên đến 11000 – 12000ha. Sản lượng lúa bị thiệt hại do sâu bệnh phá hoại trong các vụ lúa Xuân hàng năm chiếm tỉ lệ khoảng từ 8 – 10%.
Hiện tại trên đồng ruộng tỉnh ta đã xuất hiện một số loại sâu bệnh hại cần được kiểm tra, thăm đồng để phát hiện sớm, phòng trừ ngay khi mới xuất hiện.
Theo ông Hoàng Đức Ân – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hưng Nguyên cho biết: Do thời tiết những ngày vừa qua trời âm u kéo dài, sương mù nhiều nên một số diện tích lúa ở các xã như: Hưng Thịnh, Hưng Phúc, Hưng Thắng… đã xuất hiện bệnh đạo ôn trên lá lúa. Ngoài bệnh đạo ôn ra còn có bọ trĩ, ốc bươu vàng phá hoại lúa hầu như cánh đồng nào cũng có với mức độ khác nhau. UBND huyện đã có thông báo đến từng xã để tổ chức phòng trừ và cử cán bộ kỹ thuật xuống xã hướng dẫn cách phòng trừ từng loại sâu bệnh cụ thể ngay khi sâu bệnh mới xuất hiện.
Tại huyện Diễn Châu, theo ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Hiện tại trên địa bàn huyện Diễn Châu đã xuất hiện bệnh đạo ôn lúa ở một số xã như: Diễn Phú, Diễn Lợi, Diễn Lộc,… Ngoài bệnh đạo ôn ra còn có bọ trĩ, rầy nâu và nhất là ốc bươu vàng xuất hiện ở hầu hết các xã với mức độ ít nhiều khác nhau mà thôi.
Để kịp thời ngăn ngừa và chủ động phòng chống tốt các loại sâu bệnh hại trên lá Xuân hiện nay. Đề nghị các địa phương và bà con nông dân cần thực hiện tốt mấy biện pháp sau đây:
Một: Thường xuyên lội ruộng, thăm đồng để kiểm tra tận ruộng, xem xét cụ thể từng khóm lúa để xác định trên cây lúa đã và đang bị loại sâu bệnh gì gây hại. Từ đó xác định biện pháp phòng trừ hợp lý và kịp thời khi sâu bệnh mới xuất hiện.
Hai: Khi tiến hành phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng để đem lại hiệu quả cao, chống lãng phí và bảo vệ môi trường không bị ô nhiễm nặng. Nguyên tắc 4 đúng bao gồm: sử dụng đúng thuốc, phun đúng thời điểm, phun đúng liều lượng sử dụng và phun đúng kỹ thuật.
Riêng sử dụng thuốc để phun, chỉ nên mua thuốc ở các trung tâm dịch vụ nông nghiệp ở các huyện để đề phòng mua phải thuốc chất lượng kém hoặc thuốc dởm, thuốc giả và nên dùng các loại thuốc đặc hiệu để phun hiệu quả phòng trừ sẽ cao hơn.
Cụ thể: Nếu xác định đúng là bệnh đạo ôn thì nên phun ngay khi bệnh mới xuất hiện ở quy mô nhỏ và tỉ lệ vết bệnh chưa nhiều, loại thuốc nên sử dụng có thể một trong ba loại sau: Fuji – one, Beam hoặc Filia, phun theo hướng dẫn có ghi ở ngoài bao bì.
Nếu xác định trên ruộng đã có bọ trĩ, sâu cuốn lá thì nên dùng thuốc Regant để phun, giá vừa rẻ, vừa nhanh có hiệu quả. Phun theo hướng dẫn có ghi ở ngoài bao bì. Nếu xác định đã có rầy nâu, rầy lưng trắng mới xuất hiện ở trong các bẹ lúa thì tốt nhất dùng bassa để phun theo hướng dẫn có ghi ở ngoài bao bì thuốc. Nhưng nếu mật độ rầy còn ít, chưa gây ra cháy lúa thì có thể dùng dầu ma dút, dầu hỏa trộn với cát, nâng mức nước trong ruộng lên, sau đó dùng cát đã trộn với dầu quăng rải đều trên mặt nước nơi có con rầy trú ẩn. Rầy sẽ chết hết do dầu bám vào da gây ngạt thở mà chết.
Nếu là ốc bươu vàng thì biện pháp sử dụng thuốc hóa học lúc này kém hiệu quả, dễ gây độc hại cho người, gia súc và cả môi trường. Vì vậy, tốt nhất là dùng biện pháp thủ công như: bắt ốc bằng tay, ốc đem về nhà đập lấy ruột để làm thức ăn rất tốt cho gà, vịt, lợn. Dùng tay bóp dập nát trứng ốc có màu vàng dính bám vào gốc lúa, cây cỏ ven bờ. Dùng lưới vợt ngăn các dòng nước chảy để gom ốc lại khi ốc di chuyển theo dòng nước mà diệt. Đào các hố nhỏ và cạn rải rác bên mép ruộng, bỏ vào đó lá chuối, lá sắn, lá khoai lang… để ốc bò vào ăn, rồi gom ốc lại mà diệt.
Ba: Đề phòng nguy cơ bùng phát sâu bệnh có thể xảy ra trong những tháng ngày sắp tới. Đề nghị Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành, thị cần khẩn trương phân công và giao nhiệm vụ cho cán bộ kỹ thuật xuống các cơ sở sản xuất cùng với cán bộ kỹ thuật ở địa phương trực tiếp ra đồng kiểm tra, đánh giá phân loại các trà lúa, giống lúa tốt, xấu, kém để có biện pháp chăm sóc, bón phân hợp lý. Đồng thời qua kiểm tra, thăm đồng để phát hiện các loại sâu bệnh gây hại và hướng dẫn bà con nông dân biết cách phòng trừ kịp thời, hiệu quả.