Hưởng ứng chương trình “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024, Hội Nông dân huyện Anh Sơn đã chọn đảm nhận công trình trồng tre, mét chống xói mòn, sạt lở dọc sông Lam.
Trước đó, trên địa bàn huyện Anh Sơn xảy ra tình trạng xói mòn, sạt lở ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh. Nếu kè bằng bê tông thì chi phí lên đến cả nghìn tỷ. Do đó, trồng tre dọc bờ sông là phương án khả thi nhất để giữ đất, bảo vệ làng, bảo vệ các công trình dân sinh. Tre là giống có chi phí thấp, ít công chăm sóc, có sức sinh trưởng mạnh mẽ. "Các thế hệ cha ông chúng tôi từng trồng tre để ngăn sạt lở dọc hai bên sông, vì tre rất dễ sống, rễ nhiều nên giữ đất tốt”, ông Nguyễn Đình Cả, xóm trưởng xóm 1, xã Lạng Sơn cho biết.
Hưởng ứng phong trào phát động của Hội Nông dân huyện, từ đầu tháng 2 đến nay, nông dân các xã: Tào Sơn, Lạng Sơn, Đỉnh Sơn, Thạch Sơn, Long Sơn… đã trồng hàng nghìn gốc tre dọc bờ sông Lam chống sạt lở.
Ngoài số tre tổ chức Hội chuẩn bị, nhiều gia đình hội viên còn đào gốc tre trong vườn mang đi trồng. Không khí trồng tre như ngày hội làng, bà con người đào hố, người đưa tre xuống, người trồng, người tưới…
Dự kiến trong vòng 1 năm, các xã, thị trấn sẽ hoàn thành việc trồng tre chống xói mòn toàn tuyến Sông Lam chảy qua địa bàn huyện Anh Sơn.
Đồng chí Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh tham gia trồng tre chống sạt lở cùng nông dân xã Long Sơn (Anh Sơn)
Đồng chí Nguyễn Quang Tùng, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Mỗi mùa nước lũ, lòng sông lại bị phá rộng ra, ăn sâu vào đất sản xuất. Trồng tre chi phí thấp, dễ làm, là giải pháp bảo vệ hiệu quả đất sản xuất nông nghiệp, công trình giao thông, thủy lợi. Đây cũng là phương án quan trọng nhằm chỉnh trị dòng sông ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, ổn định đời sống, sản xuất của người dân. Sau mô hình trồng tre chống sạt lở của nông dân huyện Anh Sơn, chúng tôi sẽ triển khai nhân rộng ra nhiều địa phương khác”.