Tăng kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

Thứ bảy - 17/07/2021 22:28
Trong 2 ngày 8 và 9/7, tại Hà Nội, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản và nắm tình hình hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân các tỉnh, thành phố...

Ông Nguyễn Xuân Định – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN dự và chủ trì tại điểm cầu T.Ư Hội.

Nâng cao năng lực cán bộ hội

Tại hội nghị, lãnh đạo Hội ND 63 tỉnh thành phố đã tập trung thảo luận các nhóm vấn đề về việc triển khai hoạt động hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trong điều kiện phòng, chống dịch Covid - 19 theo tinh thần chỉ đạo của Công văn số 2777, ngày 10/5/2021 của Ban Thường vụ T.Ư Hội.

Tăng kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Định – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.H

Hội nghị thảo luận tình hình hoạt động của các Trung tâm Hỗ trợ nông dân; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay cũng như khó khăn trong quá trình thực hiện 2 nội dung hoạt động trên và đề xuất các giải pháp hoạt động trong thời gian tới.

Theo lãnh đạo Hội ND các tỉnh, thành, thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ các tỉnh, thành hội đã có nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân với nhiều hình thức đa dạng. Cụ thể: Các trung tâm đã mở nhiều lớp tập huấn KHKT, dạy nghề để nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân; xây dựng nhiều mô hình sản xuất phát triển kinh tế; phối hợp với các doanh nghiệp uy tín cung ứng vật tư đầu vào như phân bón, giống cây trồng, vật nuôi; thức ăn gia súc…


"Một nội dung hết sức quan trọng nữa là các trung tâm cần phối hợp tổ chức xây dựng các mô hình trang trại, mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ… để kết nối nông dân sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị nông sản".
Phó Chủ tịch Hội NDVN Nguyễn Xuân Định


Bên cạnh đó, các trung tâm còn tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, triển lãm để kết nối, nâng cao các hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản. Gần đây, một số trung tâm đã sáng kiến thành lập câu lạc bộ để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong hoạt động.

Đáng chú ý, trước tình hình các nông sản có nguy cơ bị ùn ứ do dịch Covid-19, Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn được T.Ư Hội giao làm đầu mối đã kết nối với Hội ND các tỉnh, thành hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Thông qua 121 gian hàng do Hội ND các tỉnh, thành quản lý và hơn 700 gian hàng do Hội ND các tỉnh, thành tham gia hoạt động, các cấp Hội ND đã kết nối tiêu thụ gần 100.000 tấn nông sản cho nông dân.

Tại điểm cầu Hội ND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Nghệ An cho biết: Hàng năm, Trung tâm Hỗ trợ nông dân - Hội ND tỉnh tổ chức 30-40 lớp đào tạo nghề ngắn hạn, 35 - 45 lớp tập huấn KHKT; phối hợp với 5 doanh nghiệp cung ứng 15.000 tấn phân bón mỗi.

Đánh giá cao hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, Chủ tịch Hội ND tỉnh Nghệ An cho biết: "Hiện Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh có 5 cửa hàng nông sản. Thông qua việc hỗ trợ nông dân trên các lĩnh vực từ sản xuất đến kinh doanh đã làm năng động hơn đội ngũ cán bộ hội nông dân tỉnh; anh em cán bộ hội đã nắm bắt kịp thời giá cả nông sản cũng như đời sống hội viên nông dân. Hoạt động này của Hội được các cấp chính quyền ghi nhận; đánh giá cao; từ đó nâng cao vai trò, vị thế tổ chức Hội".

Khẳng định vai trò, vị thế tổ chức Hội ND

Với hệ thống hơn 20 cửa hàng nông sản thời gian qua, Hội ND tỉnh Ninh Bình đã trực tiếp kết nối tiêu thụ trên hơn 100 tấn nông sản cho nông dân trong tỉnh và các tỉnh, thành bạn trong cả nước.

Ông Đinh Hồng Thái - Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình cho biết: Hội ND tỉnh đã huy động chuỗi cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh tham gia hỗ trợ địa điểm, nhân lực để giới thiệu, kết nối tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid -19, các điểm tiêu thụ nông sản đều được trang bị đầy đủ các thiết bị phòng dịch: Khẩu trang, dung dịch khử khuẩn, găng tay, đảm bảo khoảng cách giữa người bán và khách hàng. Quá trình triển khai được cán bộ, hội viên nông dân, nhân dân đồng tình hưởng ứng, cấp ủy chính quyền cơ sở ghi nhận.
 

Linh hoạt phương thức hỗ trợ
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN, lãnh đạo Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh triển khai dưới nhiều hình thức linh hoạt như: Tổ chức đăng ký mua trực tiếp, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng; trưng bày, đóng gói và bày bán tại cửa hàng nông sản của Hội, qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, trang fanpage, website của Hội... đã thực sự tạo nên một hiệu ứng tích cực, góp phần giới thiệu và tiêu thụ nông sản hiệu quả.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của tổ chức Hội, đến nay, các cấp Hội ND trong tỉnh Nghệ An đã quảng bá, giới thiệu và hỗ trợ tiêu thu nông sản cho hội viên, nông dân được 3.065 tấn quýt PQ huyện Nghĩa Đàn, và Quỳ Hợp; hơn 1.000 tấn rau củ các loại cho nông dân Nghệ An. Bên cạnh đó, các cấp Hội ND Nghệ An cũng đã hỗ trợ tiêu thụ chéo gần 100 tấn nông sản gồm cam sành Hà Giang, mận hậu Sơn La, Lào Cai; hành tím cho nông dân Sóc Trăng...
Ông Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Nghệ An

Tạo việc làm sau đào tạo nghề
Trong 5 năm qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân, Hội ND tỉnh Hải Dương đã trực tiếp tổ chức hơn 200 lớp đào tạo nghề (thời gian từ 2 - 3 tháng/lớp) cho hơn 6.000 học viên là nông dân, hơn 1.000 lớp tập huấn, bồi dưỡng khoa học, kỹ thuật cho hơn 68.000 người, trong đó có 169 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Trong thời điểm các trung tâm đều đang gặp nhiều khó khăn thì Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hải Dương vẫn hoạt động hiệu quả. Bởi trung tâm đã đưa lớp học tới tận khu vườn, đồng ruộng hay khu chăn nuôi của người dân. Thay vì các học viên ngồi trong lớp học với những cách truyền thụ cũ, nay các giảng viên về tận xã để mở lớp và dạy học.
Điểm nhấn đáng chú ý của Hội ND Hải Dương là song song với thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, các cấp Hội đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tìm kiếm việc làm, thành lập mô hình liên kết sản xuất...
Bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương


Ngoài ra, Hội ND 30 tỉnh thành trong cả nước đã kết nối tiêu thụ hơn 470 tấn hành tím Sóc Trăng. Tại điểm cầu Sóc Trăng, ông Lý Hoàng Minh - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, nên tình hình tiêu thụ hành tím trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng gặp rất nhiều khó khăn. Sản lượng hành tím trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng tồn đọng trên 50.000 tấn, nếu không tiêu thụ kịp thời sẽ gây hư hỏng, thiệt hại kinh tế cho người sản xuất. Với tinh thần hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng dịch Covid-19, Ban Thường vụ Hội NDVN đã ban hành Công văn số 2798 đề nghị Hội ND các tỉnh thành tích cực hỗ trợ tiêu thụ hành tím cho hội viên nông dân tỉnh Sóc Trăng.

Để góp phần đồng hành cùng nông dân trong việc kết nối, tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh, thành phố; giữa các vùng và liên vùng trên cả nước; nhiều đại biểu có chung ý kiến là đề nghị Ban Thường vụ T.Ư Hội ban hành nghị quyết, chương trình hoặc đề án về kết nối tiêu thụ nông sản giữa Hội ND các tỉnh, thành phố; trước mắt là tiêu thụ nông sản trong nước, từng bước xây dựng các chuỗi liên kết, sản xuất và xuất khẩu theo tiêu chuẩn của thị trường, tiến tới xuất khẩu nông sản...

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Xuân Định đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao Hội ND các tỉnh, thành ở 6 cụm thi đua và Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn T.Ư Hội đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân, nhất là tiêu thụ nông sản cho nông dân vùng dịch.

Trên cơ sở các ý kiến phát biểu, đề xuất của các đại biểu, Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Định nhấn mạnh trong thời gian tới Trung tâm Hỗ trợ Nông dân các tỉnh, tùy tình hình thực tế, tổ chức tốt một số hoạt động hoạt động trọng tâm. Đó là: Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ hội viên, nông dân. Theo đó, không chỉ tổ chức tập huấn về KHKT mà chúng ta cần tập huấn các kiến thức về hội nhập quốc tế, kỹ năng xúc tiến thương mại, tư vấn vân xây dựng thương hiệu… Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; tổ chức hội nghị, hội thảo đầu bờ; tổ chức tốt các hoạt động đầu vào; cung ứng hàng thiết yếu chất lượng cao cho hội viên nông dân.

Đồng thời, các trung tâm cần làm tốt việc tổ chức các dịch vụ đầu ra, xây dựng kế hoạch tiêu thụ nông sản theo thời điểm mùa vụ và cả thường xuyên; tổ chức các cuộc tham quan, trao đổi kinh nghiệm, trải nghiệm nông nghiệp nông thôn… 

Thu Hà

Nguồn tin: danviet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập173
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm157
  • Hôm nay52,766
  • Tháng hiện tại498,196
  • Tổng lượt truy cập12,061,841
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây