Lịch sử ra đời của Nông dân Việt Nam

Thứ ba - 06/10/2020 23:21
(Hội NDNA) - Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020), cùng nhìn lại sự ra đời của tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân Việt Nam.
Đầu năm 1930, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc) đã nêu ra những vấn đề cơ bản đối với giai cấp nông dân “Đảng ta phải đoàn kết được đại đa số nông dân, phải dựa vững vào nông dân nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến”. Phải tập hợp nông dân vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đấu tranh giành độc lập tự do và thực hiện cách mạng ruộng đất. Nhận thức rõ vai trò to lớn của giai cấp nông dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, ngày 14/10/1930 Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thông qua Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay). Nghị quyết đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, sự trưởng thành, lớn mạnh của phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Về danh nghĩa Hội Nông dân Việt Nam chưa được thành lập nhưng các tổ chức Nông hội vẫn hoạt động dưới hình thức Nông hội đỏ, tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay.
Đời sống kinh tế của bà con nhân dân ngày càng khởi sắc.
 
dai hoi 7 hnd
Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ II, tháng 3 năm 1931 nhấn mạnh: Cần đẩy mạnh việc tổ chức Nông hội làng, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, vận động nông dân cùng các tầng lớp nhân dân đoàn kết, đấu tranh chống sưu thuế, địa tô, thấp nghiệp, khủng bố trắng… Thực hiện chủ trương của Đảng, các tổ chức Nông hội được củng cố dưới nhiều hình thức như: Hội cấy, hội hiếu hỷ, phường đi săn, nhóm học quốc ngữ… trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh của nông dân.

Thực hiện cuộc vận động cách mạng giải phóng của dân tộc, từ năm 1941, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, nông dân các dân tộc, từ miền xuôi đến miền ngược nô nức tham gia vào các đoàn thể của Việt Minh. Trong đó, Hội Nông dân Cứu quốc là lực lượng to lớn, chiếm đại đa số trong các tổ chức Cứu quốc ở nông thôn, tạo nên một lực lượng chính trị rộng lớn, cùng với công nhân trở thành xương sống của Mặt trận. Năm 1941-1942, dưới sự lãnh đạo của Nông hội, nông dân đã đấu tranh chống thu thóc, chống nhổ lúa trồng đay, chống nhổ ngô trồng thầu dầu…

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), phong trào kho thóc Nhật giải quyết nạn đói, đã lôi cuốn hàng triệu nông dân dứng lên đấu tranh trực diện với kẻ thù. Qua phong trào đấu tranh, các tổ chức Cứu quốc của nông dân ngày càng phát triển mạnh mẽ, bước vào cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8/1945 thành công. Sau cách mạng tháng 8/1945, trong điều kiện chiến tranh ngày càng lan rộng với quy mô, mức độ gay go, ác liệt, nhiệm vụ kháng chiến đòi hỏi phải động viên toàn thể nông dân tham gia trên tất cả các mặt trận, với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, nông dân cả nước đã hăng hái tham gia phong trào thi đua ái quốc, sản xuất lập công, đề cao chiến sỹ do Đảng và Chính phủ phát động. Hội Nông dân các vùng tạm chiến đã tiến hành nhiều hình thức đấu tranh như bám rộng đất, làng xóm để sản xuất, lên án hành động bắn phá, đốt hoa màu, tranh thủ sản xuất, thu hoạch và cất giấu lương thực, thực phẩm vùng địch hậu trong cả nước để đảm bảo nhu cầu đời sống của nhân dân và đóng góp cho Nhà nước, phục vụ sự nghiệp kháng chiến. Phong trào cách mạng của giai cấp nông dân và Hội Nông dân đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của các chiến dịch. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ năm 1954 đã mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam. Hòa bình lập lại ở Đông Dương, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
 
bch hoi nd tinh khoa ix
Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Nghệ An khóa IX chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh.

Ngày 21/4/1961, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập và là thành viên của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ViệtNam. Sự ra đời của Hội là mốc lịch sử đánh dấu sự phát triển của tổ chức Hội Nông dân, mà trên thực tế hàng ngàn cơ sở Nông hội Cứu quốc ở các khu, tỉnh, huyện và xã được phục hồi sau đồng khởi. Phong trào nông dân miền Nam đã góp phần quan trọng trong việc phát triển thế trận chiến tranh du kích, đánh địch, bảo vệ vùng giải phóng, vùng căn cứ và là lực lượng chủ yếu trên mặt trận sản xuất, bảo đảm đời sống và cung cấp hậu cần cho bộ đội. Đồng thời, phong trào nông dân đã góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miềnNamthống nhất đất nước.

Ngày 27/9/1979, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 78-CT/TƯ về việc tổ chức Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam. Bộ Chính trị đã quyết định thành lập tổ chức thống nhất của nông dân lao động cả nước, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, lấy tên là: Hội Liên hiệp Nông dân tập thể ViệtNam. Chỉ thị của Ban Bí thư khẳng định Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam là tổ chức quần chúng rộng rãi của nông dân lao động trong cả nước, Hội có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết nông dân để giáo dục, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hội kết nạp tất cả nông dân hăng hái phấn đấu vào con đường làm ăn tập thể xã hội chủ nghĩa, theo nguyên tắc tự nguyện. Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam được thành lập có ý nghĩa chính trị to lớn, lần đầu tiên trong lịch sử giai cấp nông dân cả nước có tổ chức thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.

Ngày 01/3/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quyết định số 42-QĐ/TƯ về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam. Tại phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14/10/1930 làm ngày kỷ niệm thành lập Hội Nông dân ViệtNam. Ngày 20/5/1991, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 69 về việc kỷ niệm 61 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/1991). Lần đầu tiên Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mít tinh kỷ niệm trọng thể 61 năm ngày thành lập Hội tại Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng. 90 năm đồng hành cùng đất nước, với truyền thống cách mạng vẻ vang, lòng yêu nước nồng nàn, sáng tạo, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù trong lao động sản xuất, tuyệt đối trung thành với Đảng, giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam được tôi luyện, không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Với nhiều tên gọi khác nhau từ Nông hội đỏ đến Hội Nông dân Việt Nam ngày nay, dù ở bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, Hội Nông dân cũng luôn là tổ chức đại diện thể hiện vai trò, trung tâm, nòng cốt tập hợp giai cấp nông dân, tổ chức các phong trào nông dân, góp phần làm nên những thắng lợi huy hoàng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Hồng Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập264
  • Hôm nay41,716
  • Tháng hiện tại667,568
  • Tổng lượt truy cập16,542,158
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây