Di chúc của Bác Hồ thể hiện tình cảm đặc biệt với nông dân

Thứ hai - 18/05/2020 00:23
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá: Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tình cảm đặc biệt, sự chia sẻ sâu sắc với giai cấp nông dân.

Nhân dịp 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019), chúng tôi xin giới thiệu bài viết của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với nhan đề "Vấn đề nông dân trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh":

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tình cảm đặc biệt, sự chia sẻ sâu sắc với giai cấp nông dân. Trong bản Di chúc viết tháng 5/1968, Người dành một đoạn nói về giai cấp nông dân Việt Nam. Sau khi tuyên dương công lao to lớn và lòng trung thành vô hạn của nhân dân nói chung, “đồng bào nông dân” đối với Đảng và Chính phủ trong kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ nói riêng, Người căn dặn cần phải thực hiện miễn thuế nông nghiệp cho nông dân: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi đẩy mạnh sản xuất”.

Tình cảm với của Người với nông dân, nông nghiệp, nông thôn còn được thể hiện một cách độc đáo, đi trước một bước so với đương thời. Khi mất muốn về vùng nông thôn, làm ngôi mộ giữa rừng cây của nhân dân trồng. “Sau khi tôi qua đời… tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi… Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn… Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm… Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.

Thực hiện Di chúc của Người, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (5/4/1988) đã giao lại quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh cho người nông dân, đảm bảo lợi ích chính đáng và thúc đẩy người nông dân hăng hái tăng gia sản xuất để ích nước, lợi nhà.

Với Nghị quyết Trung ương 5 khóa VII (1993), chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn được phát triển thành chủ trương công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, nằm trong quá trình tổng thể của công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Tháng 4/1996, Luật Hợp tác xã được ban hành, khẳng định: Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tự chủ, tự nguyện, do xã viên cùng góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của pháp luật. Hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo nguyên tắc xã viên tự nguyện gia nhập, quản lý dân chủ và bình đẳng, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi, kết hợp lợi ích của xã viên và của hợp tác xã.

Quyết định số 199/2001/QĐ-TTg, ngày 28/12/2001 thực hiện từ năm 2002 việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ nghèo, giảm 50% số thuế nông nghiệp phải nộp của các đối tượng khác.

Hội nghị lần thứ 5 khoá IX (3-2002) ra Nghị quyết Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Nghị quyết xác định: Kinh tế tập thể là một thành phần kinh tế lớn, quan trọng của nước ta; kinh tế hợp tác và hợp tác xã chỉ là hai loại hình kinh tế sản xuất kinh doanh của thành phần kinh tế tập thể. Nghị quyết thống nhất nhận thức: “Phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn phải trên cơ sở bảo đảm quyền tự chủ của kinh tế hộ, trang trại, hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ, trang trại phát triển”. Chủ trương này là bước đổi mới căn bản trong nhận thức của Đảng về kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết cũng khẳng định quan điểm xây dựng các hợp tác xã nhiều hình thức hợp tác đã được nêu ra trong Luật Hợp tác xã (1996), thay vì chỉ có một hình thức hợp tác sản xuất nông nghiệp và một phần thủ công nghiệp như trước đây. Từ nhận thức đó, Nghị quyết đã sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách: tăng cường cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật về hợp tác xã (có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước); giao đất cho hợp tác xã nông nghiệp xây dựng trụ sở, làm cơ sở sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tài chính - tín dụng; hỗ trợ khoa học - công nghệ; hỗ trợ tiếp thị và mở rộng thị trường; hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Hội nghị Trung ương 5, khóa IX ra Nghị quyết “Về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010”. Nghị quyết đưa ra định nghĩa hoàn chỉnh về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn công nghiệp chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, trước hết là công nghệ sinh học, đưa thiết bị, kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường. 

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X Về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (5/8/2008) đã khẳng định người nông dân là chủ thể của quá trình xây dựng nông nghiệp, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Nâng cao vai trò chủ thể của nông dân không đơn thuần là cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con, mà đây còn là vấn đề mang tính chiến lược, nhằm xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trước mắt tập trung vào việc không ngừng cải thiện đời sống mọi mặt của nông dân và tăng cường phát huy dân chủ trên địa bàn nông thôn.

Những điểm căn cốt của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đánh dấu sự đổi mới quan trọng trong nhận thức, tư duy của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nghị quyết đã đề ra các quan điểm, mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp toàn diện, cơ bản cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; kịp thời điều chỉnh những nội dung chưa hợp lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt về cơ chế chính sách, tạo động lực cho nông nghiệp, nông thôn Việt Nam phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nguyễn Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập195
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm191
  • Hôm nay33,879
  • Tháng hiện tại692,824
  • Tổng lượt truy cập16,567,414
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây