Hội Nông dân Nghệ An phải thể hiện rõ hơn vai trò thúc đẩy sự thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân thích ứng với điều kiện mới

Thứ năm - 28/09/2023 23:56
(Hội NDNA) - Sáng 28/9, tại TP. Vinh, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Nghệ An lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028 long trọng khai mạc. Ban Biên tập trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu chỉ đạo Đại hội của đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.
z4734838581310 ebfaffc2d33e64e92314c4efd4b2c832
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Nghệ An lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Kính thưa đồng chí Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam!

Thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội! Thưa quý vị đại biểu!


Hôm nay, tôi cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất vui mừng tới dự Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028 - sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của toàn thể cán bộ, hội viên nông dân trên quê hương Bác Hồ kính yêu! Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi trân trọng gửi tới các vị đại biểu khách quý và 304 đại biểu chính thức của Đại hội những lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Chúc đại hội thành công tốt đẹp.

Thưa toàn thể các đồng chí!

Tỉnh ta có diện tích đất nông nghiệp lớn tốp đầu của cả nước, khoảng 1,48 triệu ha, hội tụ đầy đủ các vùng địa lý, cư dân nông thôn chiếm trên 80% dân số toàn tỉnh và có truyền thống, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong nền kinh tế của tỉnh và là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu của tỉnh. Thực tế thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp rất tích cực vào thành tựu chung của tỉnh, là trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế. Diện mạo vùng nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống của Nhân dân được nâng lên, môi trường ngày càng được chú trọng bảo vệ.

Trong những kết quả đó, có vai trò đóng góp trực tiếp, rất quan trọng của các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh. Thông qua việc triển khai sáng tạo, có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động như: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng, phát triển mô hình kinh tế”... đã phát huy vai trò chủ thể, khích lệ nông dân nỗ lực sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Minh chứng là, trong 5 năm qua, đã có 150.000 lượt hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi, với hàng trăm mô hình kinh tế tiêu biểu; toàn Hội đã đóng góp trên 3.500 tỷ đồng, hiến trên 930.000 m đất, tham gia trên 1,5 triệu ngày công xây dựng nông thôn mới… Qua đó, góp phần quan trọng đưa Nghệ An là địa phương tiêu biểu của cả nước có cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, 309 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới; là địa phương đứng tốp đầu toàn quốc về chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Qua các phong trào, tổ chức Hội Nông dân ngày càng được củng cố và phát triển với trên 55.000 hội viên được kết nạp mới trong nhiệm kỳ; nhiều tấm gương tiêu biểu của nông dân Nghệ An trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được tôn vinh, khen thưởng. Nhân dịp này, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và thành tích xuất sắc của cán bộ, hội viên Hội Nông dân tỉnh đã đạt được trong nhiệm vừa kỳ qua.

Thưa toàn thể các đồng chí!

Báo cáo chính trị và các ý kiến tham luận được trình bày trước Đại hội đã nêu khá đầy đủ, thẳng thắn những tồn tại, hạn chế trong công tác Hội và phong trào nông dân của tỉnh nhiệm kỳ qua; xác định cụ thể, chi tiết các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ mới. Đồng chí Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng vừa có bài phát biểu chỉ đạo Đại hội quan trọng và sâu sắc, chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm mà Hội Nông dân tỉnh cần tập trung quán triệt, thực hiện trong thời gian tới. Tại diễn đàn trọng thể hôm nay, tôi nêu và nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ để Đại hội chúng ta cùng thảo luận, quyết định.

Thứ nhất: Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao là 1 trong 5 lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua, một số nơi sản xuất còn manh mún, hiệu quả chưa cao; người nông dân còn luôn phải lo lắng với nghịch cảnh “được mùa mất giá”, thu nhập còn bấp bênh.

Mục tiêu giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế nhưng phải tăng được giá trị sản xuất là một thách thức không nhỏ. Để nâng cao hiệu quả canh tác, để người nông dân thực sự giàu lên trên đồng đất của mình, nhất thiết phải đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển kinh tế nông nghiệp.

Theo đó, Hội Nông dân tỉnh phải thể hiện rõ hơn vai trò thúc đẩy sự thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân thích ứng với điều kiện mới. Đó là tư duy hợp tác, liên kết trong sản xuất, sẵn sàng đi cùng nhau để đi được xa hơn; liên kết với doanh nghiệp để dẫn dắt hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo ý của mình. Đó là tư duy về sản xuất an toàn, bền vững, biết nghĩ đến sức khỏe của người khác, không làm tổn thương lợi ích chung của cộng đồng; là lối nghĩ, cách làm ăn lớn, lâu dài, chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia cho một số nông sản có thế mạnh gắn với chỉ dẫn địa lý, hướng tới thị trường xuất khẩu để đạt giá trị cao hơn. Cùng với đó, thường xuyên sát cánh hỗ trợ người nông dân về vay vốn, tập huấn, đào tạo nghề, cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất, như mấy ngày vừa qua, lượng mưa lớn ở khu vực phía Tây của tỉnh đã gây ngập úng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sản xuất của nhân dân mà chúng ta đều phải tập trung để khắc phục. Hội cần chú ý hỗ trợ người nông dân nâng cao khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin, Internet, công nghệ số để có thể dễ dàng bước chân ra khỏi lũy tre làng, tìm hiểu thị trường, học tập kinh nghiệm sản xuất bên ngoài, đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng nhanh hơn, nhiều hơn, xa hơn, hiệu quả hơn trên sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng online, giúp người nông dân bớt chân lấm, tay bùn, trở thành lực lượng sản xuất chuyên nghiệp, năng động, văn minh và hiện đại.

Thứ hai: Tỉnh ta tiếp tục xác định, xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu đặt ra, đến năm 2030 toàn tỉnh có 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15% xã đạt nông thôn mới nâng cao. Từ những bài học thành công trong quá trình thực hiện chương trình nông thôn mới thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò “trung tâm, nòng cốt cho công cuộc xây dựng nông thôn mới”, khơi dậy mạnh mẽ sức dân, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên làm giàu trong cán bộ, hội viên nông dân. Quan tâm vận động, đồng hành, hỗ trợ để mỗi hội viên trở thành một nhân tố tích cực trong phát triển kinh tế hiệu quả, xây dựng tình làng, nghĩa xóm; mỗi hộ gia đình có một khu vườn đẹp; mỗi ngõ xóm đảm nhận thực hiện một công trình “đường quê sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”, mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có chất lượng sẽ góp phần làm cho những vùng quê tỉnh ta yên bình, hài hòa, bản sắc, đáng sống, hiện thực hóa mục tiêu lớn về phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Thứ ba: Đại hội cần phân tích, đánh giá rõ nét hơn yếu tố đa dạng, đặc thù các vùng địa lý của tỉnh để xác định các nhiệm vụ, giải pháp đồng hành, hỗ trợ hiệu quả người nông dân trong phát triển sản xuất cũng như xây dựng tổ chức Hội. Với khu vực miền Tây rộng lớn chiếm hơn 83% diện tích và hơn 36% dân số toàn tỉnh, có thế mạnh về phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc. Thời gian qua, những nương chè, ruộng lúa, vườn cam, vườn mận, vườn hồng, tổ dệt thổ cẩm của người nông dân đã trở thành tài nguyên và là điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Du lịch nông nghiệp, nông thôn bước đầu được thúc đẩy ở nhiều địa phương như huyện Con Cuông, Quế Phong, Nghĩa Đàn, Thanh Chương.. trở thành một hướng đi mới, giàu tiềm năng ở tỉnh ta. Hội Nông dân cần nắm bắt cơ hội này và dành sự quan tâm thỏa đáng để tiên phong, hỗ trợ, kết nối, đồng hành với hội viên nông dân của mình trong quá trình phát triển đó.

Với vùng trung du, quan tâm hỗ trợ hội viên phát triển chuyên canh cây công nghiệp gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu; cây ăn quả đặc sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, trang trại gắn với xử lý tốt môi trường. Với vùng đồng bằng, ven biển tích cực động viên hội viên phát triển các vựa hoa màu đạt tiêu chuẩn về chất lượng phục vụ các đô thị và du lịch; đồng hành, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững gắn với chế biến... Từ cách tiếp cận này, hình thức, phương thức sinh hoạt của Hội cũng phải được tổ chức sáng tạo, linh hoạt, phù hợp, ưu tiên hình thành các nhóm, tổ, đội, hợp tác xã sản xuất theo ngành, nghề, địa bàn.

Ở góc độ khác, với tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp của tỉnh ta như hiện nay, lực lượng lao động trong lĩnh vực này sẽ tăng lên nhanh chóng, ước tính năm 2025 sẽ tăng thêm khoảng 100 - 130 ngàn lao động, ngược lại, lực lượng lao động nông nghiệp sẽ dịch chuyển dần sang phi nông nghiệp và có xu hướng già hóa. Đại hội cần dành sự quan tâm thỏa đáng phân tích sâu kỹ vấn đề này để có giải pháp thích ứng hiệu quả, nhất là việc hỗ trợ chuyển đổi nghề, trang bị kỹ năng nghề, cách thức tổ chức hoạt động, tập hợp hội viên...

Thứ tư: Tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn; nhất là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; xóa đói, giảm nghèo bền vững, các chương trình, dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn;… Thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội; động viên hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Nắm chắc, hiểu sâu tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của hội viên.

Năm là: Thường xuyên quan tâm, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ làm công tác Hội Nông dân có tính kế thừa, bản lĩnh vững vàng; sâu sát, gần gũi với hội viên; hiệu quả trong tham mưu; khéo léo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Quan tâm tôn vinh, khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình tiêu biểu để truyền cảm hứng cho nhiều hội viên khác tự tin, vươn lên khẳng định mình. Tôi đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tập trung các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống nông dân, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các cấp Hội trong tỉnh hoạt động có hiệu quả. Thưa toàn thể các đồng chí! Một nhiệm vụ quan trọng của Đại hội là bầu ra Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa X và Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028.

Tôi đề nghị các đại biểu Đại hội nêu cao trách nhiệm, phát huy dân chủ, sáng suốt lựa chọn những đồng chí thật sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, uy tín tham gia Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa mới. Đồng thời, lựa chọn, bầu ra những đại biểu ưu tú, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, tiếng nói của hơn 499 ngàn cán bộ, hội viên quê hương Bác Hồ để tham dự, đóng góp vào thành công của Đại hội Hội Nông dân Việt Nam.

Nhân dịp này, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi trân trọng cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ quý báu của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sự ủng hộ tích cực của Hội Nông dân các địa phương trong cả nước; mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành nhiều hơn nữa của các đồng chí dành cho tỉnh Nghệ An cũng như công tác công Hội và phong trào nông dân của tỉnh trong thời gian tới. Phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo của giai cấp nông dân trên quê hương Xô Viết anh hùng, quê hương Bác Hồ kính yêu, tin tưởng Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Nghệ An lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028 sẽ thành công tốt đẹp, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Nghệ An tiếp tục đạt được những dấu ấn mới, đóng góp tích cực, hiệu quả vào công cuộc phát triển và hội nhập của tỉnh nhà. Với niềm tin đó, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ tỉnh tặng Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Nghệ An lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028 bức trướng: Hội Nông dân Nghệ An "Đoàn kết - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển".

Lê Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập39
  • Hôm nay31,961
  • Tháng hiện tại328,289
  • Tổng lượt truy cập16,202,879
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây