NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Nông dân Anh Sơn phấn khởi bí xanh vụ đông được mùa được giá
Thứ hai - 10/02/2020 21:252.2770
(Hội NDNA) - Những năm gần đây, ngoài trồng bí xanh trên diện tích đất màu, đất vệ, bà con nông dân huyện Anh Sơn đã chuyển đổi diện tích đất bãi sang trồng cây bí xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vụ đông năm nay bí xanh trên đất bãi được mùa, năng suất đạt 3 tấn/sào và cho thu nhập trên 180 triệu đồng/ha/vụ.
Chúng tôi về xã Đức Sơn khi bà con nông dân đang vào mùa thu hoạch bí. Những cánh đồng bãi Sông Lam trước đây chủ yếu là ngô thì nay xen vào đó là màu xanh mướt của bí. Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương phù hợp với đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây bí xanh, từ năm 2016 đến nay, gia đình anh Nguyễn Bá Việt ở thôn 8 xã Đức Sơn đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích 9 sào đất bãi sang trồng loại cây này. Nhanh tay cắt những quả bí dài, căng tròn anh Việt cho biết: Bí xanh là loại cây có giá trị ngắn ngày, dễ trồng, tính từ khi bắt đầu trồng cho đến khi thu hoạch chỉ có 90 ngày và cho thu hoạch từ 5 đến 6 lứa, hơn nữa nó mang lại giá trị cao gấp 3 lần các loại cây khác. Hiện nay, gia đình anh đang thu hoạch lứa thứ 4, năng suất cả vụ đạt 3 tấn/sào, với giá hiện tại là 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình anh Việt còn lãi hơn 100 triệu đồng.
Những ngày này, gia đình anh Phạm Đình Bình thôn 8 xã Đức Sơn đang thu hoạch bí trên vùng bãi giữa ven sông Lam. Anh Bình cho biết: Đây là năm thứ ba anh đưa 2 sào đất bãi của gia đình vào trồng cây bí xanh. Theo anh Bình, ban đầu chỉ có một vài hộ tham gia chuyển đổi nhưng nhờ đất ở đây rất tốt vì được phù sa bồi đắp, sâu bệnh ít, lại sẵn nguồn nước bên cạnh, thuận lợi cho việc tưới tiêu nên hiện nay các gia đình đưa vào trồng nhiều. Để bí xanh phát triển tốt gia đình anh Bình đã phủ ny lon để hạn chế bốc hơi nước, hạn chế cỏ dại. Theo tính toán của anh Bình năng suất vụ này đạt khá cao 3 tấn/sào, giá bán tùy vào thời điểm cao nhất là 11.000 đồng/kg, thấp là 3.500 đồng/kg, thì người trồng bí vẫn có lãi 9-10 triệu đồng/sào. Vui hơn là sản phẩm thu hoạch đến đâu được thương lái đến thu mua ngay tại ruộng.
Ông Trần Quang Trung- Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn cho biết: Những năm gần đây xã Đức Sơn đã quy hoạch diện tích ở vùng bãi ven sông Lam vào sản xuất chuyên canh rau màu hàng hóa, trong đó chủ yếu trồng bí xanh. Hiện nay bà con đã mở rộng diện tích trồng đại trà lên 15,5 ha. Đến thời điềm này, trên vùng đất của địa phương, chưa có loại cây nào cho thu nhập ổn định như bí xanh. Hơn nữa nhờ trồng hợp với đồng đất địa phương nên quả bí dài, ruột đặc, ít hạt, được người tiêu dùng ưa chuộng và có thương lái đến thu mua tận nơi. Riêng vụ đông năm nay, năng suất bí xanh đạt bình quân 40 tấn/ha, có diện tích đạt cao thì lên tới 60 tấn/ha. Giá bán tùy thời điểm nhưng cũng cho bà con thu nhập tới trên 180 triệu đồng/ha. Trong năm 2020, Hội Nông dân xã Đức Sơn sẽ thành lập tổ hợp tác trồng bí xanh để nâng cao kiến thức cho hội viên Hội Nông dân về hiểu biết KHKT, cách trồng, chăm bón, phòng bệnh, áp dụng KHKT vào sản xuất cây bí nhằm đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Qua đó tạo sự liên kết chặt chẽ trong quá trình tiêu thụ, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.
Không chỉ ở xã Đức Sơn mà hiện nay cây bí xanh được bà con nông dân huyện Anh Sơn trồng nhiều ở các xã Cẩm Sơn, Thạch Sơn, Phúc Sơn, Tào Sơn với diện tích gần 90 ha. Với phương châm “sạch, chất lượng, tốt cho sức khỏe”, người trồng bí Anh Sơn đã quan tâm hơn đến thị trường tiêu thụ, chú trọng sản xuất nông sản sạch đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Từ hiệu quả cây bí xanh mang lại, huyện Anh Sơn đang khuyến khích người dân không chỉ trồng trên đất bãi mà mở rộng diện tích ra trên đất ruộng, màu, đất đồi vệ, đưa bí xanh trở thành một loại cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao cho bà con. Ngoài trồng bí xanh trên đất bãi, bà con có thể trồng các loại rau màu như bắp cải, xu hào, đậu cô ve để hình thành vùng chuyên canh rau màu hàng hóa nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích.