NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Người giỏi vùng cao
Thứ hai - 12/09/2022 22:549580
(Hội NDNA) - “Mạnh dạn thay cách nghĩ, đổi mới cách làm, tiên phong trong các phong trào thi đua yêu nước” là những nhận xét mà cán bộ, nhân dân ở huyện biên giới Kỳ Sơn nói về hội viên nông dân Vừ Tồng Pó.
Sinh năm 1970 tại bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, với nghị lực và quyết tâm vượt khó, dám nghĩ, dám làm, cùng với sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân, ông Vừ Tồng Pó là người Mông đầu tiên ở Kỳ Sơn áp dụng khoa học công nghệ, phát triển mô hình chăn nuôi gà đen theo hướng an toàn sinh học, kết hợp xây dựng homestay và phát trển du lịch sinh thái công đồng tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động.
Những năm trước đây đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn xã vùng cao Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, còn rất nhiều khó khăn, kinh tế của các hộ chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nương rẫy là chính. Mặc dù siêng năng cần cù, chăn nuôi sản xuất theo hướng truyền thống, rủi ro do thiên tại dịch bệnh thường xuyên xẩy ra nên cái nghèo vẫn đeo đẳng người dân địa phương trong đó có gia đình ông.
Năm 2018 được tham gia dự án “Phát triển mô hình chăn nuôi gà đen theo hướng an toàn sinh học” do Hội Nông dân tỉnh Nghệ An hỗ trợ, ông Vừ Tồng Pó đã tích cực áp dụng các kiến thức đã được tập huấn, chăm sóc cẩn thận đàn gà giống, nhân rộng mô hình từ con số ban đầu là 350 con lên 1.200 con trên diện tích 500 m2. Đây là giống gà quý hiếm của đồng bào Mông. Gà đen có đặc điểm chân 5 móng, thịt đen, xương đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt chắc và rất thơm ngon vào bậc nhất trong các giống gà hiện nay, được thị trường ưa chuộng, trở thành món đặc sản trong ẩm thực của người tiêu dùng. Đặc biệt gà đen bản địa còn là một dược liệu quý giúp tăng cường sinh lực, kết hợp với thuốc nam để chữa nhiều bệnh được người dân địa phương thường xuyên sử dụng theo phương pháp truyền thống như một loại thuốc không thể thiếu trong gia đình.
Nhận thấy, nhu cầu của thị trường về tiêu dùng gà đen bản địa và cung ứng gà giống, ông đã vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mua máy ấp trứng, máy phát điện tạo cơ sở cung cấp giống gà đen bản địa cho toàn huyện. Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm gia đình ông cung cấp hàng nghìn con gà giống cho thị trường góp phần nâng thu nhập từ chăn nuôi gà lên trung bình 350 triệu đồng/năm.
Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Vừ Tồng Pó còn thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ gia đình trong địa phương phát triển mô hình chăn nuôi gà đen theo hướng an toàn sinh học. Ông là chi hội trưởng chi hội nghề nghiệp đầu tiên của Kỳ Sơn, góp phần phát triển, tập hợp các hộ chăn nuôi gà đen thành Chi hội chăn nuôi gà đen Mường Lống với 15 hộ và 32 thành viên tham gia, quy mô đàn phát triển 7.000 - 10.000 con.
Phát huy điều kiện lợi thế của địa phương, gia đình ông Vừ Tồng Pó còn phát triển kinh tế trang trại, trồng hơn 2 ha cỏ voi, chăn nuôi đàn trâu, bò vỗ béo, mỗi năm thu lãi từ 60 đến 80 triệu đồng. Đặc biệt năm 2021, được tham gia các lớp tập huấn của dự án Nâng cao kiến thức, năng lực quản lý rừng và phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19 tại huyện Kỳ Sơn, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An do UNDP GEF SGP tài trợ, gia đình ông đã tiên phong xây dựng Mô hình homestay gắn với phát triển vườn đào mận, phục vụ và thu hút khách du lịch. Với sự niềm nở, tận tình trong phục vụ khách du lịch, đặc biệt là kết hợp chế biến ẩm thực từ gà đen, trải nghiệm làm bánh Mông cùng với những nét đặc trưng của văn hoá dân tộc mông, Homestay Vừ Tồng Pó ở Mường Lống là địa chỉ được nhiều du khách tìm đến. Nhờ đó, mỗi tháng gia đình ông lại có thu nhập thêm từ 5 đến 10 triệu đồng từ các dịch vụ du lịch.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Vừ Tồng Pó còn tích cực trong mọi hoạt động, phong trào của bản, của xã. Với mô hình kinh tế và tấm lòng vì cộng đồng của mình, ông đã được các cấp, các ngành ở địa phương ghi nhận và được người dân trong bản, trong vùng tin yêu, được chính quyền biểu dương là một trong 25 tấm gương người dân tộc thiệu số tiêu biểu của huyện. Đặc biệt năm 2021 ông được tôn vinh là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Tỉnh; năm 2022 ông tiếp tục được tôn vinh là hội viên nông dân giỏi Toàn quốc.
Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đặc biệt trong điều kiện địa phương có nhiều khó khăn về giao thông và khác biệt về văn hoá, những kết quả hội viên nông dân Vừ Tồng Pó đạt được như một sự khẳng định rằng: “có ý chí, nghị lực dám đổi mới cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu của thị trường thì sẽ thành công”. Ông trở thành nguồn cảm hứng, động lực, là tấm gương tiêu biểu để người dân đồng bào dân tộc miền núi học tập và làm theo.