NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Nghệ An: Triển khai các nhóm giải pháp nhằm chỉ đạo thực hiện sản xuất trồng trọt vụ Hè thu, Mùa năm 2023 đạt hiệu quả
Thứ hai - 22/05/2023 03:565070
(Hội NDNA) - Để hướng đến mục tiêu sản lượng lương thực đạt 422.410 tấn trong sản xuất trồng trọt vụ Hè thu, Mùa năm 2023. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án sản xuất với các nhóm giải pháp cụ thể.
Giải pháp thứ nhất: Bố trí thời vụ và định hướng cơ cấu giống. Theo đó đối với Cây lúa gieo cấy theo phương châm “Càng sớm càng tốt” và đặt an toàn, hiệu quả lên trên hết; phải xem xét thời điểm thu hoạch lúa Xuân, khả năng phân phối nước để làm đất và chọn thời điểm ra mạ, gieo thẳng. Sử dụng các giống đã được công nhận chính thức, công nhận lưu hành và làm mô hình có hiệu quả tốt tại Nghệ An. Đưa nhanh các giống có năng suất cao, ổn định, chất lượng gạo khá trở lên vào sản xuất. Định hướng sử dụng giống và bố trí thời vụ cho Vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt cao khoảng 9.000 ha, tập trung ở các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Thành phố Vinh và rải rác ở một số huyện khác. Cần tuân thủ chặt chẽ về lịch thời vụ, sử dụng các giống cực ngắn ngày, gieo cấy sớm để thu hoạch trước 30/8. Sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày và gieo mạ để cấy như lúa thuần như TBR279; Khang dân đột biến; ...lúa Lai: Việt Lai 20, ...
Vùng đất vàn Bố trí gieo cấy để thu hoạch trước 15/9. Sử dụng các giống có năng suất cao, thời gian sinh trưởng có thể dài hơn nhưng không quá 110 ngày. Trường hợp lúa Xuân thu hoạch muộn hoặc do điều tiết nước để làm đất gieo cấy gặp khó khăn thì phải sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày. Những địa phương chỉ đạo tốt việc gieo mạ và bố trí thời vụ hợp lý để thu hoạch an toàn thì có thể cơ cấu những giống dài ngày hơn, gạo chất lượng. Sử dụng các giống Lúa thuần như VNR20; LTH31 (SL9); Bắc Thịnh; Thiên ưu 8; TBR225; Vật tư - NA6; HD11; Khang dân 18 (quy hoạch cho vùng sản xuất làm hàng hóa). Lúa lai Thái xuyên 111; LP1601; Phú ưu 978; Lai thơm 6. Vùng vàn cao ở đồng bằng, vùng ruộng lúa bán sơn địa có thể bố trí gieo cấy để thu hoạch sau 20/9.
Những vùng chủ động nước: Ưu tiên sử dụng các giống có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt như các giống cơ cấu ở vùng vàn và có thể sử dụng thêm một số giống dài ngày hơn như: Lúa thuần: Nếp 97; BC15; Nếp 87;... vùng không chủ động nước, hạn hán nên sử dụng các giống ngắn ngày như vùng thấp lụt và giống có khả năng chịu hạn để khi có nước thì tiến hành gieo cấy cho kịp thời vụ. Đối với diện tích 6.524 ha đất lúa có nguy cơ hạn cần tích trữ nước hiện có trên ruộng đang sản xuất lúa vụ Xuân; hạn chế tối đa việc tiêu tháo nước khi thu hoạch. Riêng diện tích lúa nguy cơ hạn không sản xuất được vụ Hè Thu cần xây dựng kịch bản chuyển sang sản xuất vụ Mùa để khép kín diện tích lúa đề ra theo kế hoạch, vùng này nên sử dụng các giống cực ngắn ngày như vùng thấp trũng để giảm bớt áp lực thời gian trong sản xuất.
Các địa phương xây dựng phương án chống hạn; huy động cả hệ thống chính trị, mọi lực lượng để chỉ đạo, điều tiết đủ nước phục vụ trước và trong quá trình sản xuất đối với những diện tích có nguy cơ hạn hán. Các cây hoa màu ngắn ngày (ngô, lạc, vừng, đậu đỗ, rau các loại): Sau khi thu hoạch vụ Xuân, cần chủ động tranh thủ đất đủ độ ẩm để làm đất gieo ngay. Ngô, sử dụng các giống DK 6919s; DK6919; NK7328; CP511; NK4300 Bt/Gt; CP888; LVN14; MX10; HN88, có thể ưu tiên sử dụng các giống ngô chuyển gen để hạn chế sự gây hại của sâu keo mùa thu. Cây lạc sử dụng các giống như: Sen Nghệ An (75/23), L14, L26, L23, TB25, L20, TK10, ... Cây vừng: Sử dụng các giống: V6, vừng đen, vừng vàng địa phương,... Cây đậu đỗ các loại: Đậu xanh ĐX 135, DX 11, DX 03, ĐX 208, A801, đậu tằm hạt mốc, đậu đen,... Cây rau các loại: Có thể sử dụng các giống sau: Bí xanh số 1, bí xanh thiên thanh 5, Nova 209, An Điền 686,...; Bí đỏ: An Điền 019, Én Vàng,…; Dưa chuột: PC4, Hoa sen 636, Hoa sen 639,...; Dưa hấu: Super Hoàn Châu, Super Man, Phù Đổng, Trang Nông 1096, AD779, VT448,…; Mướp ngọt: Hương Việt, Thanh Hoa,…; Mướp đắng: F1 Palee, TV-208, …
Giải pháp thứ 2: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa: Các địa phương căn cứ Luật Trồng trọt; Nghị định số 94/2019/NĐ-CP và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023 để tổ chức triển khai chuyển đổi hiệu quả nhất là vùng cuối kênh, bán sơn địa, vùng trồng lúa kém hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Xây dựng các cơ chế và các điều kiện để khuyến khích người dân chuyển đổi. Chuyển đổi phải gắn với bao tiêu sản phẩm để phát triển bền vững và tạo động lực cho nông dân chuyển đổi. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đồng thời chuyển đổi mùa vụ, hạn chế nông dân bỏ hoang đất. Khuyến khích chuyển đổi cả 2 vụ để thuận lợi cho việc lựa chọn cây trồng thích hợp. Đối với những vùng bán sơn địa, cuối kênh thường xuyên thiếu nước đầu vụ có thể chuyển sang trồng ngô sinh khối hoặc các cây rau, màu khác có nhu cầu nước ít hơn như lạc, vừng, rau các loại, ...Vùng thấp lụt có thể chuyển sang trồng sen, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản,... tăng cường tuyên truyền và tập huấn để nâng cao nhận thức của nông dân trong việc chuyển đổi.
Giải pháp Về Phân bón: Vụ Hè thu - Mùa có khoảng thời gian giữa 2 vụ ngắn, chất hữu cơ trên ruộng chưa phân hủy hết, do vậy để đảm bảo an toàn, hiệu quả cần ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học để phân hủy gốc rạ tránh ngộ độc hữu cơ; bón phân hợp lý, nặng đầu, nhẹ cuối. Thực hiện nguyên tắc bón phân cân đối; Tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học hoặc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để ủ phân hữu cơ bằng các chế phẩm sinh học,... nhằm giảm thiểu gánh nặng về chi phí phân bón hóa học tăng, đồng thời giúp cây trồng dễ hấp thu, sinh trưởng, phát triển khoẻ chống chịu tốt với điều kiện bất thuận đồng thời cải tạo tính chất đất. Để giảm thất thoát phân do nắng hạn, mưa lớn, cần căn cứ vào điều kiện thời tiết, nhu cầu dinh dưỡng từng thời điểm, từng chân đất và đối tượng cây trồng để bón phân hiệu quả.
Về Công tác Bảo vệ thực vật: Được nhận định là vụ mà các đối tượng dịch hại có diễn biến phức tạp, do đó để chủ động sớm, tổ chức chỉ đạo phòng trừ hiệu quả sâu bệnh hại, bảo vệ sản xuất, các địa phương và các đơn vị chuyên môn thuộc Sở phải tập trung thực hiện tốt những nội dung sau: Thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo dịch hại theo quy chuẩn quốc gia QCVN 01-38. Xây dựng phương án phòng chống sâu bệnh hại chính trên các cây trồng Trong đó, cần đặc biệt lưu ý các đối tượng dịch hại như: Sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen, chuột hại trên cây lúa; sâu keo mùa thu trên cây ngô;... để các địa phương làm căn cứ theo dõi và chỉ đạo thực hiện. Hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong phòng trừ dịch hại để đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học để phòng trừ và chỉ được sử dụng các loại thuốc BVTV có trong danh mục thuốc được phép sử dụng, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng. Đẩy mạnh thực hiện và mở rộng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong công tác khuyến nông bảo vệ thực vật như: Quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI); chương trình ba giảm ba tăng (ICM); chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM,...
Về công tác thủy lợi: Phải bảo đảm tưới đủ cho toàn bộ diện tích gieo cấy theo kế hoạch đề ra và chống hạn cho cây công nghiệp, cây ăn quả,... trong đó ưu tiên nước phục vụ tưới cho gieo cấy lúa vụ Hè Thu (khoảng 58.000 ha). Có phương án chủ động ứng phó với hạn hán xẩy ra trong thời gian tới (nhất là vùng cuối kênh, vùng bán sơn địa). Phối hợp với các địa phương, đơn vị lập kế hoạch tưới nước từ các công trình thủy lợi cho các cây trồng theo tình hình nguồn nước hiện có để cơ cấu cây trồng hợp lý, đồng thời bố trí lực lượng thường trực tại các công trình thủy lợi để vận hành công trình đáp ứng yêu cầu nước tưới phục vụ sản xuất và đảm bảo tiêu úng kịp thời khi có mưa bão xẩy ra. Thực hiện quy trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ (nông lộ phơi, SRI). Có kế hoạch phân phối nước hợp lý, triệt để tiết kiệm nước. Lập lịch tưới, mức tưới của từng đợt, cho từng xứ đồng theo thời kỳ sinh trưởng của cây trồng.
Thực hiện tưới luân phiên giữa các vùng trong hệ thống và tưới luân phiên giữa các công trình trong vùng khi hạn hán xảy ra. Đối với các công trình đang thi công, các địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng lịch tưới và cắt nước cụ thể để công tác tưới tiêu, thi công công trình đạt hiệu quả cao nhất. Các loại cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm: Chuẩn bị các điều kiện để chống hạn khi nắng hạn kéo dài gây ra như: Tủ gốc để giữ ẩm, khoan giếng ở những nơi có mạch nước ngầm, đắp các hồ chứa, bể chứa nhỏ, phát triển mạng lưới bơm nhỏ để tưới. Riêng đối với cây Chè ngoài thực hiện các biện pháp chống hạn nêu trên thì nên bố trí trồng các loại cây che bóng phù hợp trên vườn chè và không hái chè bằng máy vào thời gian nắng hạn, dừng hái khi có nắng hạn kéo dài. Tu sửa bờ vùng, bờ thửa, nạo vét thông thoáng kênh mương, các kênh dẫn tạo nguồn, bể hút các trạm bơm. Tu sửa hồ đập, kênh mương, sơn sấy động cơ máy bơm, các cống đầu mối tưới, tiêu, đảm bảo 100% công trình sẵn sàng vận hành phục vụ sản xuất. Tuyệt đối phải tuân thủ quy trình: Trước, trong khi bơm phải kiểm tra nguồn nước, nếu độ mặn đến ngưỡng không cho phép theo quy định thì phải ngừng bơm ngay để không làm ảnh hưởng cây lúa.
Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp: Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... tại các địa phương theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước. Đảm bảo hàng hoá phục vụ sản xuất, lưu thông trên thị trường có chất lượng tốt, giá cả hợp lý phục vụ kịp thời kế hoạch sản xuất đề ra. Các địa phương tổ chức quản lý tốt vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc BVTV,...) trên địa bàn mình đúng theo các quy định của nhà nước.
Về ứng dụng các tiến bộ KHCN, nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ: Đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, KHCN, cơ giới hóa trong sản xuất và các quy trình sản xuất rau, củ, quả, chè,... an toàn theo tiêu chuẩnVietGAP, hữu cơ thông qua việc tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ người dân, có các chính sách cũng như thu hút các tổ chức, cá nhân vào để mở rộng những diện tích này. Duy trì, phát triển các diện tích rau củ quả an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, các mô hình sản xuất trong nhà lưới, nhà màng,.... Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu các mô hình đạt kết quả tốt, các tiến bộ kỹ thuật đã được khẳng định, … để nông dân hiểu và thực hiện.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm: Các địa phương căn cứ vào các chính sách hiện hành cũng như trích ngân sách của địa phương để hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp kiểu mới trong tổ chức thực hiện, tìm kiếm để làm cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất theo chuỗi giá trị. Duy trì các mô hình liên kết đã có; xây dựng các mô hình liên kết mới; Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả để duy trì và nhân rộng. Các địa phương căn cứ vào kế hoạch sản xuất của mình để giới thiệu sản phẩm, tích cực trong việc kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân vào liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng thêm phương thức kinh doanh, bán hàng trên sàn thương mại điện tử nhằm giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm của địa phương nhằm thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên Hệ thống đài truyền thanh cơ sở để nhân dân biết, nắm bắt được cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử.
Về Cơ chế chính sách: Thực hiện đầy đủ các chính sách của Chính phủ và UBND tỉnh cho người dân như: Chính sách hỗ trợ quản lý và sử dụng đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ và Nghị định 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 35/2015/NĐ-CP. Chính sách hỗ trợ giống, tưới, máy nông nghiệp, hỗ trợ tập trung ruộng đất, hỗ trợ tiêu thụ nông sản theo chuỗi, sản xuất nông sản ứng dụng CNC trong nhà lưới nhà màng, chứng nhận sản phẩm nông nghiệp an toàn theo các tiêu chuẩn,cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, ... trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021. Chính sách hỗ trợ đầu tư máy móc trang thiết bị, xây dựng nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sở chế bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ 50% chi phí giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của HTX,…theo Nghị Quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh Nghệ An. Chính sách về liên kết trong sản xuất và tiêu thụ theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính Phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chính sách về Bảo hiểm Nông nghiệp tại Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài chính sách của tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành, thị cần chủ động trích ngân sách địa phương, khai thác tối đa mọi nguồn lực để thực hiện các chính sách của địa phương, hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển sản xuất, đặc biệt là mở rộng mô hình có hiệu quả tại địa phương./.