Tham gia đoàn giám sát có Thường trực Hội Nông dân huyện, đại diện Phòng Nông nghiệp, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện.
Xã Võ Liệt có diện tích tự nhiên là 16.300 ha, trong đó diện tích đất canh tác khoảng 410 ha, các cây trồng chủ yếu là lúa, cây rau màu và cây lâu năm. Hằng năm, nhu cầu sử dụng phân bón khoảng 1800 tấn và thuốc BVTV khoảng 1300 kg. Trên địa bàn xã hiện có 6 cửa hàng, ki ốt kinh doanh, buôn bán phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Qua giám sát cho thấy, trong thời gian qua UBND xã đã phối hợp tốt với các đoàn thể ở địa phương tổ chức tuyên truyền đến nhân dân các quy định của pháp luật về việc kinh doanh, sử dụng bảo vệ thực vật, dịch vụ vật tư phân bón trên địa bàn để nhân dân biết và tổ chức thực hiện. Hội Nông dân xã cùng với các cửa hàng đã cung ứng đầy đủ, kịp thời phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nhân dân phát triển sản xuất. Hằng năm, UBND xã đã phối hợp tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát các hộ kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn. Phần lớn các hộ kinh doanh đều có giấy phép và các điều kiện để kinh doanh. Các mặt hàng kinh doanh đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất sứ. Bên cạnh đó, việc thu gom, xử lý bao bì,vỏ thuốc BVTV sau khi sử trên đồng ruộng cũng được quan tâm. Toàn xã đã đặt 85 thùng để thu gom và xử lý.
Tại buổi làm việc, đoàn giám sát đã đề nghị UBND xã Võ Liệt cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn tới người dân, các hộ kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc BVTV các quy định của pháp luật về quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi sử dụng phân bón, thuốc BVTV. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở buôn bán phân bón, thuốc BVTV để không xảy ra việc nhập lậu, buôn bán, sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV giả, thuốc cấm sử dụng, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng đúng liều lượng, đảm bảo an toàn và các quy định khác của pháp luật trong sử dụng phân bón, thuốc BVTV. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc BVTV, đặc biệt là các loại thuốc có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường. Triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, công nghệ cao. Tích cực tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ để dần thay thế phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn học hoá học, sử dụng chế phẩm Biogreen để xử lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong đất.