NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Nuôi dê núi địa phương cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm
Thứ ba - 09/06/2020 22:262.5420
(Hội NDNA) - Bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn - là bản biên giới, vùng cao, nơi có địa hình lợi thế chủ yếu là đồi núi, mô hình nuôi dê sinh sản đã và đang mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Trong số đó có anh Moong Văn Chun – chủ trang trại dê có diện tích 4 ha đã áp dụng thành công mô hình này, trở thành tấm gương điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế trang trại ở nơi đây.
Trước đây, gia đình anh Moong Văn Chun tập trung nhiều với mô hình trồng cây ngô lai trên đất dốc. Tuy nhiên sau nhiều năm đầu tư, tốn công lao động nhưng không đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn, anh đã suy nghĩ đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để giúp gia đình xóa đói giảm nghèo. Sau khi tham khảo, tìm tòi, học hỏi từ nhiều mô hình khác nhau, năm 2017, cùng với số tiền 80 triệu đồng từ việc bán 4 ha giống ngô lai, anh quyết định vay thêm 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua ủy thác của tổ chức Hội Nông dân để đầu tư nuôi dê sinh sản.
Với ý chí, quyết tâm xóa đói giảm nghèo dần tiến tới làm giàu bền vững, năm 2017 anh lặn lội sang Lào để tìm mua giống dê tốt và chất lượng. Số tiền 110 triệu đồng được anh chia ra để mua 13 con dê (gồm 1 dê đực và 12 dê cái); xây dựng chuồng trại với diện tích 800 m2 (xung quanh được rào bằng thép gai B40) cùng 2.000m ống dẫn nước sạch và dùng để mua thuốc phòng, chống dịch bệnh…
Thời gian đầu, việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh xảy ra thường xuyên đặc biệt là bệnh tụ huyết trùng và lở mồm long móng, nguyên nhân chủ yếu do chưa tiêm phòng đúng định kỳ, giữ vệ sinh và tẩy uế chuồng trại do vậy mà đàn dê của anh mắc bệnh và chết khá nhiều. Được sự quan tâm, giúp đỡ của Hội Nông dân, anh tham gia vào Tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi dê sinh sản tại Bản Khánh Thành, được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên đàn dê. Qua đó, anh tự mình nhận biết được dấu hiệu của dịch bệnh xảy ra trên đàn dê của mình và kịp thời tiêm phòng.
Nhờ chăm chỉ, siêng năng, không ngại khó học hỏi kinh nghiệm, tháng 5 năm 2019, tổng đàn dê của anh đạt đỉnh 200 con (bao gồm dê sinh sản, dê thịt và dê con) gia đình anh quyết định đem bán 68 con dê đực với số tiền 200 triệu đồng (trung bình 3 - 3,5 triệu đồng/con) để mua thêm 8 con trâu đực về chủ yếu là nuôi vỗ béo tận dụng nguồn thức ăn sẵn có ở trang trại để nâng cao thu nhập, ngoài ra gia đình anh còn có 15 con bò từ dự án “Ngân hàng bò” của Hội Nông dân tỉnh, huyện cũng đang phát triển tốt. Nhờ chịu khó làm ăn, mạnh dạn đầu tư, nắm bắt được thời cơ và không nản lòng trước khó khăn đến nay gia đình anh Chun có nguồn thu nhập ổn định. Sau gần 2 năm, gia đình anh Chun đã thoát hộ nghèo.
Khi được hỏi về cách chọn giống cũng như kinh nghiệm nuôi dê, anh Moong Văn Chun chia sẻ: “Để đàn dê phát triển khỏe mạnh cần phải chọn giống dê có đặc điểm thân cao, dài, riêng dê cái bụng tròn để sau này đẻ ra dê con đẹp và khỏe mạnh. Với lợi thế là vùng núi cao và tập tính hoang dã của dê, hằng ngày cứ 9 giờ sáng tôi thả đàn dê vào rừng đi ăn khi đó lá cây đã khô sương, chiều tối đàn dê tự về chuồng do đó không cần phải đầu tư về thức ăn chăn nuôi. Dê cũng thích ăn muối nên cứ 2-3 ngày tôi cho dê ăn muối 1 lần vừa để dê không bị ngán và dê sẽ tự về chuồng và ăn muối cũng phòng, chống dịch bệnh rất tốt. Đặc biệt, vấn đề về dịch bệnh cần phải theo dõi, phát hiện và chữa trị kịp thời để dịch bệnh không lây lan, gây thiệt hại cho cả đàn. Hiện tại tổng đàn của tôi xấp xỉ 150 con dê, 8 con trâu và 15 con bò”.
Hiện nay, tổng giá trị trang trại tổng hợp của anh ước tính khoảng gần 700 triệu đồng, trong đó chủ đạo là đàn dê 150 con. Hàng năm từ trang trại này, anh Chun xuất bán ra thị trường từ 2 đến 3 lứa dê thịt, mỗi lứa từ 20 đến 25 con với trọng lượng từ 30 - 35 kg/con đem về thu nhập khoảng 250 triệu đồng mỗi năm. Vì dê được chăn thả tự nhiên nên chất lượng thịt ngon được khách hàng ưa chuộng do đó giá thành cao. Để có thể đảm bảo tiến độ mỗi năm xuất bán ra thị trường 2 đến 3 lứa trong quá trình chăn nuôi anh rút ra được kinh nghiệm là ngoài chăm sóc tốt, giữ lại đàn dê cái tiếp tục nuôi để phối giống thì chỉ nên bán dê đực vì dê đực cho giá thành cao và phải thường xuyên thay giống tránh trùng huyết để đàn dê phát triển khỏe mạnh. Việc thành công từ mô hình chăn nuôi dê sinh sản của anh Chun đã đưa nhiều hội viên, nông dân trực tiếp đến tìm hiểu. Trong thời gian tới anh Chun dự định sẽ tiếp tục đầu tư mua thêm một số giống dê để mở rộng quy mô và nâng cao hơn nữa nguồn thu nhập cho gia đình.
Anh Hờ Pá Pó - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Anh Chun là một người siêng năng, cần cù, chịu khó học hỏi, trước khi nuôi dê gia đình anh Chun vẫn thuộc hộ nghèo nhưng nhờ mạnh dạn đầu tư vào mô hình nuôi dê sinh sản thì gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo. Mỗi năm thu nhập của gia đình anh Chun từ 200 đến 250 triệu đồng, không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, anh Chun còn tham gia vào các phong trào của Hội và địa phương phát động, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn và là chỗ dựa vững chắc về tinh thần là địa chỉ đáng tin cậy để chia sẻ kinh nghiệm cho hội viên, nông dân trong bản. Anh Chun được bình chọn tham dự Đai hội thi đua yêu nước tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020.
Nhờ chăm chỉ tìm tòi học hỏi cái mới, không ngại khó ngại khổ, anh Moong Văn Chun trở thành một trong những người tiên phong làm giàu từ mô hình chăn nuôi dê sinh sản. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng cho người dân bản Khánh Thành nói riêng, xã Nậm Cắn nói chung khi con đường xóa đói giảm nghèo giờ đã không còn quá xa xôi./.